Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 9 tháng 5 năm 2024 | 14:18

Thoát nghèo nhờ nuôi dế mèn dưới tán xoài

Thuộc hộ nghèo của xã Mỹ Xương (Cao Lãnh - Đồng Tháp), song với tinh thần cầu thị, quyết chí vươn lên, năm 2022, gia đình anh Nguyễn Phước Trung và chị Lê Thị Hiếu Hoa Lá Liễu đã chính thức thoát nghèo nhờ gắn bó với mô hình nuôi dế mèn Thái dưới tán xoài.

Hiện tại, với mô hình nuôi trồng kết hợp, trung bình mỗi năm, gia đình anh Trung có thu nhập khoảng 300 triệu đồng, đây là khoản thu nhập không hề nhỏ đối với hộ dân ở khu vực nông thôn.

Từng phải bươn chải mưu sinh với nhiều ngành nghề, năm 2021, anh Nguyễn Phước Trung trở về quê ở ấp Mỹ Thới, xã Mỹ Xương để khởi nghiệp với mô hình nuôi dế mèn Thái dưới tán xoài của gia đình, vì nhận định đây là mô hình khá tiềm năng, phù hợp với điều kiện hiện tại của gia đình. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi nên trong 2 vụ nuôi đầu, dế bị chết khá nhiều và sinh sản không đạt.

Mô hình nuôi dế mèn Thái giúp gia đình anh Nguyễn Phước Trung phát triển kinh tế.

Không nản chí, anh Trung tiếp tục tìm hiểu, học tập nhiều kiến thức và kinh nghiệm nuôi dế từ internet, sách, báo. Nhờ tinh thần kiên trì, chịu khó, đến vụ thứ 3, anh bắt đầu thu “quả ngọt”. Từ 4kg dế bố mẹ ban đầu, sau gần 2 tháng, sản lượng dế tại chuồng tăng lên gấp 20 lần.

Anh Trung tâm sự: “Sau thời gian gắn bó với mô hình nuôi dế mèn Thái, tôi nhận thấy đây là mô hình kinh tế có triển vọng, không mất quá nhiều vốn đầu tư. Trong quá trình nuôi, có thể tận dụng được nguồn rau, cỏ, lá khoai mì tại vườn để nuôi dế. Dế mèn Thái dễ nuôi, lại ít tốn công chăm sóc nên tôi tranh thủ thời gian để canh tác xoài”.

Hiện tại, ngoài bán dế thương phẩm và trứng dế cho thị trường, anh Trung còn tận dụng nguồn trứng dế làm thức ăn cho cá, sử dụng phân dế bón cho vườn xoài. Nhờ áp dụng mô hình nuôi trồng tuần hoàn,  anh Trung giảm được chi phí đầu tư cho chuỗi sản xuất, từ đó tăng lợi nhuận cho gia đình.

Với quy mô 13 chuồng nuôi, trung bình mỗi tháng, anh Trung xuất bán cho thị trường khoảng 500kg dế thương phẩm và trên 15kg trứng dế, thu lãi 6-10 triệu đồng.

Chị Lê Thị Hiếu Hoa Lá Liễu tâm sự: Từ gia đình thuộc diện khó khăn của địa phương, để đạt được những kết quả như ngày hôm nay, ngoài sự đồng lòng, nỗ lực của hai vợ chồng, còn có sự giúp đỡ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương. Đây cũng là nguồn động lực để gia đình vươn lên thoát nghèo, quyết tâm phát triển mô hình nuôi trồng kết hợp.

Bà Trần Thị Trung Nhi, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Mỹ Xương, chia sẻ: “Trước đây, gia đình chị Liễu và anh Trung có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Do đó, địa phương có nhiều quan tâm, hỗ trợ để anh chị phát triển kinh tế. Bên cạnh việc hỗ trợ đào tạo nghề cho chị Liễu, địa phương còn tạo điều kiện cho gia đình chị tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để khởi nghiệp và phát triển mô hình nuôi dế. Đặc biệt, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã hỗ trợ đăng ký giấy phép kinh doanh, đăng ký sản phẩm dế của gia đình anh Nguyễn Phước Trung là một trong những sản phẩm khởi nghiệp năm 2024 của xã...

Mỹ Lý
Ý kiến bạn đọc
Top