Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 8 tháng 10 năm 2022 | 20:0

Thời tiết giao mùa, cần chủ động tiêm vắc-xin phòng bệnh cho gia cầm

Những năm gần đây, Hà Nam có sự phát triển cả về quy mô và số lượng gia cầm. Để duy trì, phát triển đàn vật nuôi đó đòi hỏi người chăn nuôi phải chú trọng đến công tác vệ sinh môi trường chuồng trại và phòng chống dịch bệnh. Trong đó, việc tiêm đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia cầm phải được quan tâm hàng đầu.

Theo Chi cục Chăn nuôi và thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam: Hiện nay, tổng đàn gia cầm các loại đạt khoảng 8,7 triệu con, tăng gần 3 triệu con so với cách đây 5 năm với khoảng 120 trang trại chăn nuôi có quy mô 6.000-100.000 con gia cầm thịt và gia cầm đẻ. Với số lượng lớn như vậy, nhưng Hà Nam chưa có cơ chế hỗ trợ các loại vắc-xin tiêm phòng cho đàn gia cầm, mà đều do hộ chăn nuôi tự mua.

Tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia cầm phải được quan tâm hàng đầu.

Theo kế hoạch, phải tiêm vắc-xin phòng bệnh ít nhất đạt 70% tổng đàn gia cầm trở lên. Thực tế, những hộ chăn nuôi gia cầm quy mô tập trung cơ bản thực hiện tốt việc tiêm vắc-xin phòng bệnh khi đến tuổi. Khó khăn chính vẫn là những hộ nuôi nhỏ lẻ, quảng canh trong hộ gia đình do nguồn con giống thường mua ngoài thị trường tự do không rõ nguồn gốc... Hơn nữa, các hộ chăn nuôi số lượng ít, không chú trọng nhiều đến tiêm vắc-xin phòng bệnh. Đây là điều kiện để dịch bệnh dễ xâm nhập, phát sinh.

Bên cạnh khó khăn trên, việc mua vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia cầm đều do người dân tự mua trong khi có người không nắm vững kỹ thuật và khuyến cáo của cơ quan chuyên môn dẫn đến việc tiêm vắc-xin phòng bệnh cho gia cầm hiệu quả không cao. Như tháng 1/2021 đã xảy ra các ổ dịch cúm gia cầm H5N6 tại các hộ chăn nuôi có quy mô khá lớn, tại xã Nhân Chính, huyện Lý Nhân trên đàn gia cầm hơn 1.000 con và đàn vịt trên 21 nghìn con tại xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng. Qua kiểm tra, các hộ đều thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại Vắc-xin, trong đó có vắc-xin cúm gia cầm H5N1. Tuy nhiên, dịch vẫn xảy ra là do các hộ mua loại vắc-xin cũ để tiêm phòng, trong khi virus cúm gia cầm đã xuất hiện những biến chủng mới.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y - Đinh Huy Bách: Để phòng, chống hiệu quả các chủng virus cúm gia cầm đang lưu hành người chăn nuôi cần mua các loại vắc-xin thế hệ mới của những đơn vị sản xuất có uy tín. Đây là yếu tố đóng vai trò quan trọng giúp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, tránh thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi.

Để phòng, chống dịch bệnh gia cầm hiệu quả, trong mỗi đợt tiêm Vắc-xin phòng bệnh chính vụ (vụ xuân và vụ thu), cơ quan chuyên môn đều tuyên truyền, khuyến cáo và hướng dẫn người chăn nuôi gia cầm các loại vắc-xin phòng chống tốt với các chủng virus đang lưu hành, có khả năng phát sinh dịch bệnh. Qua đó, người chăn nuôi lựa chọn đúng vắc-xin để tiêm phòng cho các đối tượng gia cầm. Hiện nay, các địa phương đang triển khai tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi vụ thu năm 2022. Trong đó, đối tượng gia cầm được quan tâm nhằm bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng đã đề ra.

Người chăn nuôi cần mua các loại vắc-xin thế hệ mới của những đơn vị sản xuất có uy tín.

Sau các ổ dịch cúm gia cầm H5N6 từ đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh Hà Nam không xuất hiện thêm ổ dịch bệnh nào gây thiệt hại lớn cho đàn gia cầm. Đây là điều kiện tốt để sản xuất của người chăn nuôi duy trì ổn định và phát triển.

Thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa, mưa nắng thất thường, độ ẩm không khí cao là điều kiện thuận lợi để mầm bệnh phát sinh và lây lan. Đồng thời, nhu cầu vận chuyển, buôn bán gia cầm tăng cao rất dễ phát sinh, lây lan dịch bệnh. Để duy trì, phát triển đàn vật nuôi đòi hỏi người chăn nuôi phải chú trọng đến công tác vệ sinh môi trường chuồng trại và phòng chống dịch bệnh. Trong đó việc tiêm đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia cầm phải được quan tâm hàng đầu.

Hà Nam
Ý kiến bạn đọc
Top