Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 28 tháng 9 năm 2022 | 10:50

Thu lãi cao từ trồng khóm chuyên canh

Sau nhiều năm khai hoang, vỡ hóa vùng Đồng Tháp Mười, huyện Tân Phước (tỉnh Tiền Giang) đã hình thành được vùng trồng khóm (miền Bắc gọi là dứa) chuyên canh phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu trên 15.200ha, trong đó hiện có trên 13.700ha đang cho thu hoạch với năng suất bình quân đạt 20 tấn/ha và sản lượng khoảng 300.000 tấn/năm.

Trở thành tỷ phú

Theo lãnh đạo UBND huyện Tân Phước, trong 8 tháng đầu năm 2022, nông dân địa phương đã thu hoạch trên 9.600ha dứa, sản lượng trên 192.500 tấn trái cung ứng ra thị trường.

Đáng mừng là, giá khóm từ đầu năm đến nay luôn đứng ở mức cao, nông dân rất phấn khởi vì nguồn thu nhập khá từ cây trồng chủ lực vùng Đồng Tháp Mười mang lại. Hiện nay, giá khóm thương lái thu mua bình quân 8.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Với giá này, trừ chi phí, nông dân thu lãi khoảng 50% tổng thu.

Nông dân thu hoạch khóm. ảnh: TTXVN.

Ông Võ Văn Hải (xã Thạnh Hòa) hiện canh tác 8ha khóm cho biết, vườn khóm của ông trung bình mỗi năm thu hoạch 05 đợt, với khoảng 30 tấn trái/đợt. Với giá bình quân 8.000 đồng/kg, dự kiến năm 2022, gia đình  thu lãi khoảng 1 tỷ đồng. Nhờ vườn khóm chuyên canh, ông Hải tạo dựng cơ nghiệp vững vàng, xây dựng nhà cửa khang trang, trở thành tỷ phú vùng Đồng Tháp Mười.

Ông Hải đánh giá, với giá khóm được cải thiện và giữ ở mức cao như hiện nay, nông dân vùng chuyên canh an tâm tổ chức sản xuất, đầu tư thâm canh, tạo những sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước cũng như chế biến xuất khẩu.

Tạo đầu ra ổn định

Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tân Phước, xác định khóm là cây trồng chủ lực của huyện vùng Đồng Tháp Mười, thời gian qua, địa phương quan tâm đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất hạ tầng, giao thông - thủy lợi phục vụ sản xuất gắn với phòng, chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai. Huyện đã đầu tư đắp mạng lưới đê bao ngăn lũ dài 743km bảo vệ vùng chuyên canh kết hợp phát triển giao thông, xây dựng nông thôn mới.

Song song đó, quan tâm hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác cũng như mạng lưới thu mua, tiêu thụ nông sản nhằm góp phần giải quyết đầu ra ổn định, giúp việc tiêu thụ nông sản thuận lợi và khóm có giá cao, nông dân hưởng lợi.

Theo thống kê, tại huyện Tân Phước hiện có 08 hợp tác xã sản xuất - thương mại - dịch vụ có liên kết thu mua, tiêu thụ khóm với nông dân và hàng trăm hộ kinh doanh, tiêu thụ khóm và các sản phẩm từ khóm như: Kẹo khóm, nước màu khóm..., vừa đáp ứng nhu cầu thị trường, vừa góp phần giải quyết đầu ra cho cây trồng chủ lực vùng Đồng Tháp Mười.

Minh Trí
Ý kiến bạn đọc
Top