Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 26 tháng 12 năm 2022 | 10:28

Thu nhập “khủng” từ vú sữa Hoàng Kim

Chỉ sau 3 năm chăm sóc, mô hình trồng vú sữa Hoàng Kim của trang trại VHC Farm tại xã Triệu Hải (Đạ Tẻh - Lâm Đồng) đã cho thu nhập với hiệu quả rất cao, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho địa phương.

Hiệu quả cao

Đến thăm trang trại VHC Farm, tận mắt chứng kiến vườn vú sữa Hoàng Kim rộng chừng 3ha trĩu quả, vàng óng khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng.

Anh Châu Thành Liêm, phụ trách trang trại cho biết, qua thông tin từ báo chí, anh nhận thấy cây vú sữa Hoàng Kim (vú sữa vàng) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chính vì vậy, vào năm 2020, ngay khi tìm đến vùng đất xã Triệu Hải để lập trang trại trồng cây ăn trái, anh cùng các cộng sự của mình bỏ thời gian, công sức đi học hỏi kinh nghiệm trồng vú sữa Hoàng Kim tại một số nhà vườn ở các tỉnh miền Tây, rồi mua cây giống về trồng. Trên diện tích rộng chừng 3ha, anh Liêm tiến hành trồng hơn 800 cây vú sữa Hoàng Kim. Đến nay, tất cả cây vú sữa đồng loạt cho thu trái rộ với sản lượng không ngừng tăng lên theo thời gian.

Mô hình trồng vú sữa Hoàng Kim tại trang trại VHC Farm cho thu nhập cao.

Theo anh Liêm, trồng giống vú sữa Hoàng Kim không khó. Mật độ trồng cây lý tưởng là hàng cách hàng 6m, cây cách cây 7m để cây phát triển về sau này, vì cây khá lớn. Riêng đối với khu vực đất vườn rộng và có nơi thoát nước tốt, người dân nên đào mương, rãnh để giúp cho cây thoát nước sau mỗi trận mưa lớn. Đặc biệt, chú trọng hàng cây chắn gió phải thẳng góc với hướng gió thường thổi tới để tránh đổ ngã khi có gió lớn, cây thụ phấn và đậu quả cũng tốt hơn; đồng thời, hàng cây chắn gió còn giúp giữ độ ẩm cho vườn, cây quang hợp tốt.

Cây vú sữa Hoàng Kim từ khi trồng đến lúc thu hoạch lứa đầu tiên khoảng 14 - 16 tháng. Vú sữa này khi còn non có màu xanh, khi chín ngả màu vàng tươi, càng chín, trái càng lên màu rất đẹp. Điều đặc biệt là, trái chỉ có một hạt nhỏ nằm giữa, vỏ mỏng, vị ngọt, thơm, mềm. Trung bình, mỗi trái đạt trọng lượng 200 - 400g. Mỗi năm, cây vú sữa Hoàng Kim cho thu hoạch 3 đợt, mỗi đợt kéo dài gần 1 tháng.

Riêng năm 2022, vườn vú sữa tại trang trại VHC Farm cho tổng sản lượng gần 24 tấn trái. Với giá bán trung bình khoảng 40.000 đồng/kg, trang trại VHC Farm thu về hơn 900 triệu đồng. Việc tiêu thụ trái vú sữa Hoàng Kim khá thuận lợi,  trang trại thu hái đến đâu được các đơn vị đối tác ký hợp đồng, bao tiêu 100% sản phẩm hết tới đó.

Ngoài ra, đối với những quả vú sữa bị giập nát, hư hỏng trong quá trình thu hoạch thì anh Liêm lấy hạt để ươm bán cây giống, hoặc bán hạt giống tươi với giá 3 ngàn đồng/hạt.

“Cây vú sữa Hoàng Kim càng lớn, cho năng suất càng cao. Vì thế, thời gian tới, trang trại sẽ tập trung chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh để vườn cây sinh trưởng, phát triển tốt. Đồng thời, trang trại sẽ ươm cây giống bán ra thị trường cũng như sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho những nông dân có nhu cầu trồng vú sữa Hoàng Kim”, anh Liêm cho hay.

Phát triển theo hướng an toàn sinh học

Hiện nay, tại trang trại VHC Farm, việc trồng và chăm sóc vườn vú sữa Hoàng Kim đang được anh Liêm áp dụng theo hướng an toàn sinh học. Đảm bảo quả đẹp, đáp ứng yêu cầu khắt khe của khách hàng, gia đình chủ động áp dụng kỹ thuật chăm sóc theo quy trình VietGAP bên cạnh hệ thống tưới tự động. Đồng thời, sử dụng chế phẩm sinh học đuổi côn trùng, dùng bao nylon bọc quả. Trang trại VHC Farm cũng đang hoàn thiện hồ sơ trình lên các cơ quan chức năng để sớm được công nhận là sản phẩm đạt chuẩn OCOP của huyện Đạ Tẻh.

Nhận thấy mô hình trồng vú sữa Hoàng Kim của trang trại VHC bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ dân trong huyện Đạ Tẻh nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung đã đến tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm.

Ông Trương Thái Triệu Vương, Chủ tịch UBND xã Triệu Hải, cho biết, mô hình trồng vú sữa Hoàng Kim còn khá mới mẻ tại địa phương.  Trong đó, trang trại VHC Farm là đơn vị tiên phong trồng thử nghiệm cây vú sữa này. Qua ghi nhận thực tế, cây sinh trưởng và phát triển tốt, phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng địa phương, cho năng suất cao, bán được giá. UBND xã Triệu Hải đã trao đổi với trang trại để sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với người dân, từ đó nhân rộng mô hình. Đồng thời theo dõi, tuyên truyền để nhà vườn tập trung chăm sóc vườn cây theo hướng hữu cơ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, từ đó tăng thu nhập.

 

H.SA - H.LY
Ý kiến bạn đọc
Top