Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 20 tháng 9 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 20 tháng 8 năm 2023 | 10:19

Tiên phong trồng đào cảnh, thu lãi trên 500 triệu đồng/năm

Người dân xã Vũ Sơn (Bắc Sơn - Lạng Sơn) đều nể phục ý chí và nghị lực vươn lên làm giàu của anh Dương Văn Đoàn (sinh năm 1978), thôn Nà Pán. Anh là người đầu tiên trên địa bàn xã đưa cây đào cảnh về trồng tại vườn, có thu nhập trên 500 triệu đồng/năm.

Những ngày đầu tháng 8/2023, được cán bộ xã Vũ Sơn giới thiệu, chúng tôi đến thăm mô hình trồng đào của gia đình anh Dương Văn Đoàn. Trong lúc đang khẩn trương cắt tỉa cành lá, anh chia sẻ: Tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình làm nông nghiệp. Trước đây kinh tế gia đình rất khó khăn, chủ yếu là trồng ngô, cấy lúa nên thu nhập không ổn định. Thực tế hằng năm có nhiều thương lái đến huyện, xã tìm mua cây đào rừng phục vụ thị trường Tết do hoa đào ở huyện có màu sắc đẹp, bền màu hơn hoa đào ở các nơi khác. Sau nhiều năm tìm hiểu và nghiên cứu, tôi quyết định chuyển đổi diện tích đất trồng lúa, ngô kém hiệu quả sang trồng cây đào cảnh để nâng cao thu nhập cho gia đình.

Anh Đoàn chăm sóc cây đào.

Năm 2004, hai vợ chồng anh lặn lội xuống vườn đào Nhật Tân (Hà Nội) mua 500 gốc đào về trồng thử trên diện tích 5 sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2) đất vườn của gia đình. Năm đó, cây đào phát triển tốt nhưng không nở hoa vào dịp Tết nên cũng coi như mất mùa, vợ chồng anh không có thu nhập. Không nản chí, anh lại mày mò học thêm kỹ thuật trồng đào qua sách, báo và đến tận các vườn đào ở Hà Nội học hỏi thêm kiến thức để áp dụng vào sản xuất. Kết quả là, đến năm 2006, vườn đào của gia đình anh không những nở hoa đúng vào dịp Tết, mà màu sắc hoa rất đẹp, cánh hoa lại to và rất bền, đem lại thu nhập cho gia đình hơn 200 triệu đồng.

Nhận thấy cây đào phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương và đem lại giá trị kinh tế cao, năm 2010, anh Đoàn bàn với vợ chuyển đổi toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của gia đình để trồng đào. Đến nay, năm nào gia đình anh cũng duy trì hơn 2.000 gốc đào  tại vườn, bao gồm các loại: đào bích, đào phai…; các cây đào có giá trị từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng/cây. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người chơi đào Tết, anh Đoàn đã đi tìm hiểu và học hỏi cách chăm sóc, uốn tỉa, tạo thế cây đào từ các vườn đào ở Nhật Tân. Tiếng lành đồn xa, nhiều người dân trong xã thấy vợ chồng anh trồng đào hiệu quả, đã tới học tập kinh nghiệm trồng cây hoa đào, ai cũng được vợ chồng anh tận tình chỉ bảo.

Anh Đoàn tâm sự: Để cây đào phát triển tốt, người trồng đào cần chú ý chăm sóc, tưới nước đều cho cây. Để đào nở đúng dịp Tết, từ tháng 10 trở đi dừng bón phân, hạn chế tối đa tưới nước. Tùy điều kiện trời mưa rét hay nắng ấm mà tiến hành phun nước ấm (hoặc nước lạnh) để kích thích đào nở sớm hay hãm cho đào nở đúng dịp. Đối với bản thân tôi, vui nhất là từ nhiều năm nay, sản phẩm hoa đào của gia đình đã có mặt phục vụ người tiêu dùng trong dịp Tết, không chỉ ở địa bàn trong tỉnh mà còn vươn ra các tỉnh, thành như Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Dương… Hàng năm, cứ vào dịp Tết, thương nhân ở các tỉnh, thành lại đến tận vườn mua. Trung bình mỗi năm, gia đình bán ra thị trường hơn 1.000 cây, thu lãi trên 500 triệu đồng.

Ông Nông Văn Tụ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vũ Sơn, nhận xét: Với sự cần cù, chịu khó, anh Đoàn là người đầu tiên trên địa bàn xã đưa cây đào cảnh về trồng trên đất vườn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.  Thành công từ mô hình trồng đào của gia đình anh, thời gian qua đã có nhiều  nông dân trên địa bàn xã đưa cây đào vào trồng, đem lại hiệu quả kinh tế, vươn lên làm giàu.

 

Kim Huyên
Ý kiến bạn đọc
Top