Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị vừa tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chủ đề: “Giải pháp sinh kế thích ứng và giảm thiểu rủi ro thiên tai tại cộng đồng”.
Chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu (BĐKH). Đặc biệt, trong những năm gần đây, thời tiết mang tính cực đoan đã xảy ra liên tiếp, gây thiệt hại nặng nề đến sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, ảnh hưởng đến con người và hệ thống kinh tế - xã hội - môi trường.
Theo tổng hợp của Bộ Nông nghiệp và PTNT, bão lũ ở miền Trung năm 2020 đã tàn phá nặng nề về sản xuất nông nghiệp. Hầu hết lượng giống, lương thực dự trữ trong dân để phục vụ đời sống và sản xuất vụ đông xuân 2020 -2021 đã bị hư hỏng. Các tỉnh Bắc Trung Bộ sản xuất vụ đông 2020 đã bị “xóa sổ” hoàn toàn với khoảng 7.600 ha bị thiệt hại (Quảng Trị 3.400 ha, Hà Tĩnh 2.600 ha và Quảng Bình trên 1.300 ha).
Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính hơn 30.000 tỷ đồng (nghĩa là gấp khoảng hơn 7 lần so với thiệt hại kinh tế so với thời điểm xảy ra trận lụt năm 1999).
Mặc dù các cấp ban ngành và chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai các hoạt động nhằm thích ứng và giảm thiểu rủi ro thiên tai, song thực tiễn cho thấy còn nhiều nguy cơ và thách thức được đặt ra trong thời gian tới.
Chủ tịch HLV Việt Nam Lê Quốc Doanh - Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT tham dự diễn đàn.
Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động lớn của BĐKH. Hội nghị là dịp để đại biểu các tỉnh, thành chia sẻ bài học kinh nghiệm, các giải pháp căn cơ cho cộng đồng phòng, chống hiệu quả, lựa chọn hình thức sản xuất phù hợp để chung sống và phát triển bền vững trước BĐKH; bàn bạc các giải pháp hiệu quả để cùng cộng đồng xây dựng các kế hoạch hành động phù hợp; giúp cộng đồng dân cư tự nhận diện được các loại hình thiên tai cùng với cán bộ khuyến nông, ngành nông nghiệp xây dựng được chiến lược sản xuất phù hợp.
Quảng Trị triển khai nhiều mô hình sinh kế thích ứng BĐKH
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị, trong những năm gần đây, cũng như các địa phương khác ở khu vực duyên hải Trung Bộ, Quảng Trị là một trong những tỉnh thường xuyên chịu tác động và bị thiệt hại bởi thiên tai; gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, sinh hoạt phát triển kinh tế, xã hội.
Thiệt hại do thiên tai đến tất cả các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp. Thống kê 3 năm gần đây (2020 - 2022), thiên tai đã gây thiệt hại kinh tế lên đến hơn 5.787 tỉ đồng. Trong đó, riêng đối với lĩnh vực Nông nghiệp và PTNT là hơn 3.412 tỉ đồng, chiếm 59% tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh.
Anh Trần Hữu Vũ ở thôn Triệu Trạch, huyện Triệu Phong tham gia mô hình chăn nuôi bò thâm canh thích ứng với biến đổi khí hậu gần 1 năm nay. Anh Vũ nuôi 10 con bò chuyên thịt BBB, chăn nuôi theo quy trình kỹ thuật của cán bộ Khuyến nông hướng dẫn, đàn bò của gia đình anh phát triển tốt. Anh Vũ cho biết, do được chăm sóc kỹ, ăn đúng đủ khẩu phần nên bò lớn nhanh, cơ bắp phát triển, ngoại hình đẹp. Với mô hình chăn nuôi bò thâm canh này, anh hy vọng sẽ có nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
“Tôi thấy, mô hình nuôi bò thâm canh, mình không phải chăn thả như ngày xưa, về chăm sóc và cho ăn, bệnh tật thì mình kiểm soát được. Về thức ăn, mình tận dụng những phụ phẩm, cỏ ở dưới ruộng rồi cây ngô ủ hoặc rơm. Khi nuôi, cả vốn lẫn công thì tốn khoảng 300 triệu đồng, với giá hiện nay, khi bán được khoảng 420 triệu đồng, lời khoảng 100 triệu đồng từ việc nuôi 10 con bò”, anh Vũ nói.
Để khắc phục hậu quả thiên tai, Quảng Trị đã triển khai nhiều mô hình sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu, khắc phục sau thiên tai trong sản xuất nông nghiệp nhằm giúp nông dân vùng bị ảnh hưởng có các giải pháp phát triển sinh kế phù hợp, bền vững và hiệu quả như: mô hình chăn nuôi bò, dê, lợn, gà, vịt; chuyển đổi đất lúa thiếu nước vụ hè thu sang trồng ngô sinh khối; nuôi tôm 2 giai đoạn, nuôi xen ghép...
Ông Trần Cẩn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị cho biết, năm 2023, Trung tâm đã hỗ trợ xây dựng 2 mô hình nuôi bò thâm canh tại 2 huyện Triệu Phong và Gio Linh. Các mô hình bước đầu có hiệu quả, góp phần hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế.
“Chúng tôi đã hỗ trợ cho người dân khoa học kỹ thuật, tập huấn cho họ cách nuôi và chăm sóc. Thứ hai, hỗ trợ cho họ 50% các loại thức ăn rồi hướng dẫn cho họ thức ăn sẵn có. Đến nay, mô hình bò sinh trưởng tốt, phát triển khá tốt, sắp tới Trung tâm sẽ nhân rộng ra ở các địa phương khác”, ông Trần Cẩn cho hay.
Mô hình chăn nuôi bò thâm canh thích ứng với biến đổi khí hậu tại huyện Triệu Phong (Quảng Trị). Ảnh: Võ Dũng
Giải pháp thích ứng
Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: “Hiện nay, chúng ta phải tìm được các giải pháp thích ứng để chúng ta chung sống và phát triển bền vững. Tất cả những vấn đề khi mà thực tiễn vạch ra đều có giải pháp. Ví dụ, vấn đề về mưa bão thì chúng ta phải có các giải pháp liên quan đến giống cây trồng chống chịu, lựa chọn các giống cây trồng ngắn ngày, lựa chọn những vật nuôi thích ứng. Tất cả những cái chúng tôi muốn cung cấp cho người sản xuất, cung cấp và lôi kéo cộng đồng vào và cùng với nhau bàn những giải pháp để chúng ta vượt qua những sự khó khăn của biến đổi khí hậu”.
Ngày 4/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030”. Theo đó, các tỉnh miền Trung đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao nhận thức trong cộng đồng về thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng hành với chính quyền các tỉnh và bà con nông dân, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã hỗ trợ triển khai nhiều mô hình sinh kế thích ứng, đưa ra nhiều giải pháp về kỹ thuật, giúp giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp. |
Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp giúp nông dân giảm thiểu các rủi ro do thiên tai gây ra.
Các giải pháp được thống nhất tại diễn đàn là: Một, tăng cường công tác dự báo, coi trọng công tác phòng ngừa, chủ động ứng phó.
Hai, các cấp chính quyền cần phối hợp thực hiện hiệu quả đồng thời 2 mục tiêu của ứng phó là giảm thiểu và thích ứng đối với biến đổi khí hậu.
Ba, đầu tư xây dựng và nâng cấp các công trình tưới tiêu, bảo đảm chủ động tưới tiêu trên phần lớn diện tích canh tác nông nghiệp.
Bốn, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tài liệu hướng dẫn để phát triển sản xuất nông nghiệp nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai tại cộng đồng.
Năm, đẩy mạnh công tác đào tạo tập huấn, thông tin truyên truyền nâng cao, nhận thức, tăng cường năng lực cho cộng đồng về giảm nhẹ rủi ro thiên tai và quản lý rủi ro thiên tai.
Sáu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ để xây dựng và nhân rộng mô hình phát triển sinh kế bền vững, giảm thiểu rủi ro thiên tai tại cộng đồng.
Bảy, tăng cường phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để chuyển giao quy trình công nghệ, kinh nghiệm trong ứng phó với BĐKH.