Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 5 tháng 1 năm 2024 | 9:57

Trăn trở của Giám đốc HTX NN Thụy Lâm

Sản phẩm nếp cái hoa vàng của HTXNN Thụy Lâm (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh) được UBND TP Hà Nội công nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2019.

Dù đã phát triển thành cánh đồng lớn nếp cái hoa vàng, tuy nhiên, Giám đốc HTX  Nguyễn Thị Cúc vẫn trăn trở khi sản phẩm chưa có đầu ra ổn định; mới tiêu thụ hơn 10% sản lượng lúa của người dân địa phương...

Vùng đất địa linh, có giống lúa nếp cái hoa vàng ngon nức tiếng

Ghé thăm Hội chợ Xúc tiến Thương mại gắn kết quảng bá du lịch, văn hóa địa phương huyện Đông Anh ngày 27/12/2023, tôi lạc bước vào khu vực trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của các địa phương và làng nghề trên địa bàn.

Với hơn 100 gian hàng tham gia giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc trưng của địa phương từ khắp các tỉnh, thành tham dự tại hội chợ, tôi thực sự quan tâm và chú ý đến gian hàng của HTX NN Thụy Lâm, bởi ngoài sản phẩm nông nghiệp truyền thống là gạo nếp cái hoa vàng, được bà con nông dân trồng từ lâu đời, thì gian hàng được chính Giám đốc HTX Nguyễn Thị Cúc trực tiếp bán hàng và giới thiệu về gạo nếp cái hoa vàng và những sản phẩm làm từ gạo nếp cái hoa vàng của địa phương.

Giám đốc HTX NN Thụy Lâm trực tiếp bán hàng và giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ Xúc tiến TM gắn kết quảng bá du lịch, văn hóa địa phương Đông Anh năm 2023.

Xã Thụy Lâm là vùng đất địa linh nhân kiệt, vùng đất cổ nằm bên con sông Cà Lồ. Thụy Lâm ngày nay được biết đến với những huyền tích, huyền thoại về Thục An Dương Vương, với các sản phẩm thủ công như dệt, đan lát; với những nét văn hóa tinh thần độc đáo như hội Đền Sái với tục rước vua, rối nước làng Đào Thục, vật Thụy Lôi, truyền thống học hành với các vị danh nhân khoa bảng được ghi trong chính sử…

Chia sẻ với tôi, Giám đốc Nguyễn Thị Cúc cho biết, Thụy Lâm có đất đai màu mỡ, phù hợp cho trồng trọt, nhất là trồng lúa nước. Nhiều đời đã trồng và có được một giống lúa nếp cái hoa vàng ngon nổi tiếng. Sản phẩm nếp cái hoa vàng của HTX được UBND TP Hà Nội công nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2019.

Khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất Thụy Lâm đã tạo cho giống lúa nếp cái hoa vàng  gieo cấy trên cánh đồng ở đây phát triển khá tốt. Khi nấu cơm, gạo nếp cái hoa vàng rất dẻo, có mùi thơm rất đặc trưng. Đặc biệt, bánh chưng khi được gói bằng gạo nếp cái hoa vàng trồng ở Thụy Lâm sẽ không lại gạo. Khi ăn bánh chưng Thụy Lâm, người ăn sẽ cảm nhận được mùi thơm của gạo, bùi của đỗ xanh, béo của thịt lợn và một chút cay cay từ gia vị là hạt tiêu. Bánh chưng là món ăn cổ truyền của dân tộc ta mỗi khi Tết đến, Xuân về, nếu được thưởng thức bánh chưng gói từ gạo nếp cái hoa vàng ở Thụy Lâm, người ăn sẽ nhớ mãi hương vị đậm đà của quê hương được gói và gửi trọn tình cảm trong chiếc bánh chưng xanh đó.

Cánh đồng trồng lúa nếp cái hoa vàng tại Thụy Lâm vào mùa thu hoạch.

 

Xã Thụy Lâm hiện có khoảng 545ha nếp cái hoa vàng. Gieo cấy từ tháng 6 âm lịch và thu hoạch vào khoảng tháng 11 âm lịch hàng năm.

Mặc dù là sản phẩm nông sản truyền thống, có chất lượng cao và được công nhận là OCOP 3 sao nhưng bà con nông dân, đặc biệt là Giám đốc HTX  Nguyễn Thị Cúc vẫn còn nhiều trăn trở, bởi đầu ra chưa ổn định...

Nỗi lo đầu ra

Năm 2010, đánh dấu bước chuyển lớn trong canh tác lúa truyền thống ở xã Thụy Lâm, khi người dân nơi đây được hỗ trợ chuyển đổi sang Hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI).  Thụy Lâm ngày đó cũng là một trong những địa phương đầu tiên của Hà Nội áp dụng phương thức canh tác tiến bộ này. Canh tác SRI giúp giảm chi phí thóc giống, hạn chế tối đa việc sử dụng phân bón, giảm sâu bệnh và đặc biệt là góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cho lúa. Với chất lượng vượt trội, cuối năm 2013, sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng của xã Thụy Lâm đã được các cơ quan quản lý Nhà nước cấp nhãn hiệu tập thể.

Dù đã nhiều năm có nhãn hiệu tập thể, được cấp mã truy xuất nguồn gốc, được chính quyền các cấp quan tâm tìm đầu ra nhưng vẫn tiêu thụ sản phẩm theo cách truyền thống.

Du khách đến tham quan các gian hàng tại Hội chợ.

Theo Giám đốc Nguyễn Thị Cúc, nhờ canh tác theo SRI, năng suất lúa cao hơn nhiều so với canh tác truyền thống, với năng suất khoảng 1,8 tạ/sào và giá bán hiện ở mức 35.000 đồng/kg, người trồng lúa nếp cái hoa vàng luôn có thu nhập cao hơn 2 - 3 lần so với các giống lúa nếp khác và cao hơn 4 lần so với lúa tẻ.

Nhưng hiện nay, HTX của bà Cúc mới hỗ trợ bao tiêu được khoảng 10% tổng sản lượng thóc nếp cái hoa vàng cho bà con. Trong khi đó, phần lớn lượng thóc còn lại người nông dân phải… tự tìm đầu ra. Điều này khiến giá lúa nếp cái hoa vàng dù cao vượt trội thóc nếp thông thường, nhưng bấp bênh và chưa đạt kỳ vọng.

Chánh Văn phòng UBND huyện Đông Anh Nguyễn Văn Thiềng cho biết, huyện đang nâng cấp sao cho các sản phẩm OCOP của địa phương nói chung, gạo nếp cái hoa vàng của Thụy Lâm nói riêng để việc tiêu thụ thuận lợi hơn.

Một điều quan trong hơn nữa  là cần phải thay đổi mẫu mã, bao bì sao cho thật bắt mắt và hấp dẫn người tiêu dùng, để khi đến tham quan các hội chợ, gian hàng gạo nếp cái hoa vàng của Thụy Lâm thu hút được người mua. Đồng thời, phải mở kênh phân phối vào các siêu thị, trung tâm thương mại hoặc các khách sạn lớn; chế biến gạo nếp cái hoa vàng thành những món ăn mang đậm bản sắc, truyền thống văn hóa của dân tộc, để giới thiệu đến với du khách trong và ngoài nước khi đến Hà Nội tham quan và du lịch. Có như vậy, sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng của Thụy Lâm mới bay cao, bay xa.

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top