Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 6 tháng 6 năm 2023 | 9:21

Trăn trở của người làm “nông nghiệp sạch”

Với vườn rau thủy canh 4.0, chị Lê Thị Thu Cúc (ấp Chánh, xã Long Hiệp, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) vừa tạo ra sản phẩm sạch, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, vừa góp phần thay đổi nhận thức của nhiều người từ chú trọng sản lượng sang quan tâm đến chất lượng sản phẩm.

Trăn trở với nghề

Chúng tôi ghé thăm vườn rau thủy canh 4.0 của chị Thu Cúc và được nghe chị kể về niềm đam mê làm nông nghiệp sạch cùng những trăn trở với nghề. Khi nhận thấy nông dân quá lạm dụng phân bón, thuốc hóa học vào trồng trọt, chú trọng đến sản lượng hơn chất lượng sản phẩm, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, còn người tiêu dùng khó phân biệt được sản phẩm rau sạch và chưa sạch, chị tìm hiểu và “bén duyên” với mô hình trồng rau thủy canh theo hướng hữu cơ. Ban đầu, chị trồng thử nghiệm 1 hệ thống rau thủy canh với diện tích 30m2, chủ yếu dùng trong nhà. Nhận thấy mô hình hiệu quả và mang nhiều lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng, chị mạnh dạn đầu tư 100m2.

Vườn rau thủy canh 4.0 của chị Lê Thị Thu Cúc (bên phải) góp phần thay đổi nhận thức người tiêu dùng, hướng đến nền nông nghiệp xanh, bền vững.

Chị Thu Cúc chia sẻ: “Vườn rau của tôi không dùng phân bón, thuốc hóa học, không tốn nhiều diện tích, không tốn nhiều chi phí sản xuất và công chăm sóc. 100m2 vườn rau thủy canh, tương đương diện tích trồng theo phương thức truyền thống 450m2; công chăm sóc chỉ 1 giờ/ngày; phân bón chủ yếu được ủ từ các loại lá của rau sau khi sơ chế trộn với chế phẩm sinh học; đồng thời, do rau được trồng trong nhà màng nên ít sâu, bệnh. Chi phí đầu tư ban đầu trên 40 triệu đồng”.

Vườn rau của chị Thu Cúc được thiết kế phía trên trồng rau muống, cải ngọt...; ở dưới nuôi cá rô, trê. Bình quân, hàng ngày vườn rau cung cấp cho thị trường trên 20kg rau sạch các loại, bán với giá  10.000-15.000 đồng/kg, thị trường tiêu thụ chủ yếu là người quen. Trừ chi phí, chị có thu nhập trung bình 4 triệu đồng/tháng.

Theo quan sát, vườn rau thủy canh 4.0 của chị Thu Cúc không xanh tốt như những vườn rau sử dụng phân bón, thuốc hóa học khác, năng suất cũng không bằng. Song, điều chị tâm đắc nhất là tạo được nguồn rau sạch cung cấp cho bữa ăn của gia đình. Khi thấy mô hình hiệu quả, nhiều người tìm đến nhờ chị hướng dẫn thiết kế vườn và học hỏi kinh nghiệm.

Chị Thu Cúc chia sẻ thêm: “Mỗi gia đình chỉ cần lắp đặt 1 hệ thống rau thủy canh là có rau sạch dùng thường xuyên trong nhà. Chi phí lắp một giàn trên 5 triệu đồng. Thời gian tới, tôi sẽ mở rộng quy mô trồng rau sạch để đáp ứng nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, vấn đề tôi quan tâm hiện nay là, người tiêu dùng vẫn thích lựa chọn những loại rau xanh mướt, nhìn đẹp mắt mà rau trồng theo hướng hữu cơ thì không được như thế, năng suất lại thấp, giá bán thì cao hơn. Nhiều người còn đánh đồng rau trồng theo cách thông thường với rau hữu cơ nên rau hữu cơ chưa tìm được “chỗ đứng” trên thị trường”.

Thay đổi tư duy sản xuất

Bí thư Đoàn xã Long Hiệp - Trương Thanh Hiếu thông tin: “Long Hiệp có nhiều mô hình thanh niên khởi nghiệp như nuôi dế mèn Thái thương phẩm, nuôi cá cảnh...;  trong đó, trồng rau thủy canh theo hướng hữu cơ đang đạt hiệu quả về kinh tế lẫn ý nghĩa xã hội. Mô hình không chỉ giúp chị Thu Cúc có thêm thu nhập mà còn thay đổi cách nghĩ, cách làm của nông dân từ sản xuất truyền thống sang sản xuất sạch, hữu cơ. Để mô hình tiếp tục phát triển, Đoàn Thanh niên xã đề nghị Huyện Đoàn hỗ trợ chị Thu Cúc từ nguồn vốn thanh niên khởi nghiệp; đồng thời, kết nối với các doanh nghiệp tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm”.

Làm nông nghiệp sạch, hữu cơ là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại. Song, nhiều người cảm thấy rất mơ hồ, không biết bắt đầu từ đâu, như thế nào. Mô hình của chị Thu Cúc góp phần trong việc thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất từ chạy theo sản lượng chuyển sang quan tâm chất lượng sản phẩm.

 

Lê Ngọc
Ý kiến bạn đọc
Top