Mô hình canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu được kỳ vọng sẽ giúp người trồng cà phê trên địa bàn tỉnh tiếp thu những kỹ thuật mới về trồng, chăm sóc cà phê, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giảm bớt dịch bệnh cho loại cây trồng chủ lực này.
Theo đó, 3 mô hình canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu được Công ty cổ phần phân bón Bình Điền phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến Nông tỉnh triển khai tại Gia Lai gồm: cà phê xen sầu riêng tại xã Ia Nhin (huyện Chư Păh); cà phê xen hồ tiêu tại xã Hneng (huyện Đak Đoa); cà phê trồng thuần tại xã Ia Phìn (huyện Chư Prông). Theo đó, quy mô mỗi mô hình là 1,5 ha, thời gian triển khai từ năm 2023 đến 2025. Các hộ dân tham gia mô hình được hỗ trợ 100% phân bón NPK và được hỗ trợ nghiên cứu phân tích chất đất, tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật bón phân, tưới nước cân đối cho từng loại cây trồng.
Ông Lê Văn Sức (thôn 3, xã Ia Nhin, huyện Chư Păh) chăm sóc cây sầu riêng trồng xen trong vườn cà phê. Ảnh: Lê Nam
Là hộ được tham gia mô hình cà phê trồng xen sầu riêng, ông Lê Văn Sức (thôn 3, xã Ia Nhin, huyện Chư Păh) cho hay: “Trước đây, tôi chăm sóc cà phê, sầu riêng chỉ dựa vào kinh nghiệm nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Sau khi được tham gia Chương trình “Canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Tây Nguyên”, được hỗ trợ phân bón NPK, hướng dẫn kỹ thuật mới nên cây trồng phát triển tốt hơn. Tôi mong muốn phía Công ty, các nhà khoa học tiếp tục hỗ trợ để tôi nâng cao kỹ thuật trồng, chăm sóc, quản lý dịch bệnh cho 2 loại cây trồng này nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn”.
Theo sát các mô hình từ giai đoạn đầu, Tiến sĩ Tôn Nữ Tuấn Nam-Thành viên Hội đồng Khoa học Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền-cho biết: Để nâng cao năng suất, chất lượng cà phê trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay thì người dân cần thay đổi phương thức canh tác và nắm vững kỹ thuật chăm sóc. Trong đó, chế độ chăm sóc cho cây ở từng giai đoạn khác nhau thì lượng phân bón, nước tưới khác nhau. Chính vì vậy, khi thực hiện mô hình, chúng tôi đã lấy mẫu đất để phân tích độ phì nhiêu nhằm có công thức bón phân, tưới nước cân đối, hợp lý, góp phần tránh được sự mất cân đối độ phì nhiêu trong đất sau một thời gian sử dụng. Cùng với đó, sau khi có những báo cáo về độ phì nhiêu của đất ở từng khu vực, chúng tôi sẽ đưa ra những khuyến nghị về công thức phân bón, nước tưới cho từng mô hình, từng loại cây trồng để cơ quan chức năng hướng dẫn cho người dân thực hiện.
Ông Phan Văn Tâm- Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền-thông tin: Trước khi triển khai chương trình “Canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Tây Nguyên” giai đoạn 2023-2025, Công ty đã phối hợp với đơn vị liên quan khảo sát tại 500 nông hộ và lấy gần 150 mẫu đất ở các tỉnh Tây Nguyên để phân tích độ phì nhiêu. Trong quá trình thực hiện, mỗi tỉnh sẽ chọn 3 loại mô hình, gồm: cà phê trồng xen sầu riêng, cà phê xen hồ tiêu và cà phê trồng thuần ở 3 vùng khác nhau để xây dựng một quy trình canh tác chuẩn, giúp cho nông dân có giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu hiện nay.
“Mục tiêu của của các mô hình này nhằm tìm ra được những tồn tại, hạn chế và đề xuất gói kỹ thuật canh tác thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu tại các tỉnh Tây Nguyên. Đồng thời, phát triển được bộ sản phẩm phân bón mới phù hợp cho sản xuất cà phê (trồng thuần và trồng xen) nhằm cải thiện độ phì nhiêu của đất, hạn chế bệnh hại từ đất và giảm phát thải khí nhà kính được công nhận lưu hành. Cùng với đó, việc xây dựng mô hình còn hướng đến giảm chi phí sản xuất, hạn chế một số sâu bệnh hại chính, tăng thu nhập cho người dân. Cuối cùng là xây dựng được quy trình canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu trình các cấp có thẩm quyền xem xét công nhận là tiến bộ kỹ thuật, làm cơ sở khoa học để tuyên truyền cho người dân áp dụng vào sản xuất”, ông Tâm cho biết thêm.
Trao đổi với P.V, Phạm Hữu Phước-Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Gia Lai-cho biết: Dự kiến đến cuối năm 2024, Chương trình “Canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Tây Nguyên” sẽ đưa ra 3 công thức tạm thời về quy trình chăm sóc cà phê thông minh. Đến cuối năm 2025, khi kết thúc chương trình sẽ đưa ra công thức chính xác về phân bón, tưới nước đối với vườn trồng xen và trồng thuần cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên. Sau khi công thức chính thức được ban hành, Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thêm một số mô hình ở những địa bàn khác nhau để người trồng cà phê học tập, nhân rộng.