Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 3 tháng 11 năm 2022 | 10:21

Trồng cây lạc dại là giải pháp hữu hiệu nhằm hạn chế cỏ dại

Trồng cây lạc dại là giải pháp hữu hiệu nhằm hạn chế cỏ dại, giảm hẳn việc sử dụng thuốc trừ cỏ, cải tạo, bảo vệ chống xói mòn đất trong sản xuất nông nghiệp, hướng tới nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.

Nghệ An có trên 22.000 ha diện tích trồng cây ăn quả các loại, chè trên 8.000 ha. Để hạn chế cỏ dại và giảm hẳn việc sử dụng thuốc trừ cỏ trên các vườn trồng cây ăn quả, cây chè… bà con nông dân có thể trồng xen lạc dại LD99 dưới tán cây ăn quả, cây chè, để che phủ, chống xói mòn rửa trôi đất, hạn chế cỏ dại và cung cấp một lượng đạm cho cây trồng chính phát triển.

Cây lạc dại LD99 có tên khoa học là Arachis pintoi có nguồn gốc ở miền trung Braxin. Là cây họ đậu, thân bò, thời gian sinh trưởng vô hạn, có hoa màu vàng tươi, hạt nhỏ (8 -12 x 4 - 6mm), màu nâu nhạt, rễ có nhiều nốt sần có khả năng cố định đạm từ khí trời (200 - 300kg N/ha/năm). Lạc dại là cây dễ trồng, phát triển nhanh, thích ứng với nhiều loại đất, chịu hạn, chịu úng tốt, có thể trồng được quanh năm. Là cây đa tác dụng, vừa giúp cải tạo đất (lượng chất xanh có thể cung cấp cho đất 595kg N /ha/năm; 140kg P2O5, 200kg K2O/ha), vừa làm phân xanh vừa là cây che phủ đất và làm thức ăn cho gia súc.

Lạc dại LDD99 che phủ vườn cây ăn quả.

Lạc dại được đánh giá là cây có nhiều triển vọng, phù hợp với nhiều vùng sinh thái và khả năng ứng dụng cho các cơ cấu cây trồng trên đất dốc ở Việt Nam nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng, đặc biệt là các vùng trồng cây ăn quả, cây chè… Cây lạc dại phát triển ở vùng có lượng mưa >1.300mm; có khả năng phát triển trên vùng có độ cao 0 - 1.500m so với mặt biển; trồng được ở đất có độ pH thấp, chịu đất nghèo dinh dưỡng; chịu hạn, úng nhẹ (chịu hạn được 4 tháng/năm); có thể trồng được ở đất cát mặn ven biển; thích hợp với đất có thành phần cơ giới nhẹ.

Giống lạc dại LD99 có thể trồng ở hầu hết các thời điểm trong năm và đều cho tỷ lệ sống khá cao (>70%). Ở giai đoạn mùa mưa tỷ lệ cây sống đạt cao hơn và thời gian thành cây cũng rút ngắn lại và khả năng sinh trưởng phát triển của cây tốt hơn.

Cây lạc dại được sử dụng làm phân xanh, làm thức ăn gia súc cho trâu, bò, dê, cá... Lạc dại có thể trồng thuần dạng đồng cỏ hoặc xen các loại cỏ khác tạo đồng cỏ hỗn hợp; trồng che phủ ở các vườn cây ăn quả (mận, nhãn, vải, xoài, cam quýt, chè…); trồng che phủ hoặc làm băng chống xói mòn cho cây ngắn ngày như: sắn…; trồng cải tạo đất trống, đồi trọc, che phủ đất tốt, hạn chế sự xói mòn rửa trôi, duy trì độ ẩm đất tốt, nhất là mùa khô, trả lại chất hữu cơ cho đất.

Trồng cỏ lạc dưới vườn bưởi góp phần chống xói mòn đất, chống cỏ dại, cố định lượng đạm trong đất, giữ độ ẩm cho đất.

Khả năng tái sinh của giống LD99 rất tốt, nếu thực hiện quy trình cắt khoảng 1,5 đến 2 tháng trong mùa mưa và 4 tháng trong mùa khô thì với thời gian trồng sau 1 năm có thể trả lại cho đất lượng chất xanh rất lớn đạt trên 148,7 tấn/năm. Đặc biệt, vào giữa mùa mưa LD99 cho sinh khối rất mạnh, đây là đặc điểm tốt về khả năng che phủ đất của cây.

Giải pháp trồng xen lạc dại LD99 dưới tán cây ăn quả, cây chè thay thế để hạn chế cỏ dại mọc cạnh tranh dinh dưỡng với cây trồng chính, cải tạo và giảm thiểu xói mòn rửa trôi đất, giảm thiểu sử dụng thuốc trừ cỏ là một giải pháp hữu hiệu. Vì cây lạc dại LD99 có khả năng sinh trưởng tốt, không cạnh tranh ánh sáng với cây trồng chính, cây sinh trưởng quanh năm nên duy trì độ che phủ tốt, chống xói mòn vào mùa mưa. Là cây họ đậu có sinh khối lớn, hàm lượng chất dinh dưỡng trong thân lá cao nên khả năng cải tạo đất rất tốt sau khi vùi cây vào trong đất, giúp sản xuất nông nghiệp bền vững hướng tới nền nông nghiệp hữu cơ.

 

Ngọc Lan
Ý kiến bạn đọc
Top