Cây nha đam còn có tên gọi khác là cây lô hội, là loại cây trồng cạn rất phù hợp với vùng đất Tây Nguyên. Với nhiều ưu điểm như kháng bệnh tốt, dễ trồng, tốn ít công chăm sóc, dễ nhân giống mở rộng diện tích và có thể trồng xen với nhiều loại cây khác như một loại cây tầng thấp trong canh tác nông lâm kết hợp.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm góp phần tăng thu nhập cho người dân ở nông thôn, tạo điều kiện cho bà con tận dụng tối đa lợi thế về đất đai, khí hậu để phát triển kinh tế, góp phần đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thực hiện các chương trình khuyến nông, huyện Krông Ana đã có nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng thành công, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân và góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Hiệu quả của các chương trình đã tạo nên sức lan tỏa rộng lớn. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã góp phần thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo định hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.
Hội Nông dân huyện Krông Ana tham quan vườn nha đam của ông Nguyễn Văn Khang thôn Tân Tiến
Được sự hỗ trợ, tạo điều kiện của UBND xã, Hội Nông dân và sự hướng dẫn của khuyến nông, 4 hộ nông dân xã Ea Na, huyện Krông Ana đã liên kết trồng cây nha đam với Hợp tác xã Nông nghiệp Thực Phẩm Thuận Thiên (có trụ sở đóng tại Thôn 4 xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột; ngành nghề chính là đầu tư trồng và thu mua các sản phẩm từ cây nha đam) với tổng diện tích gần 7 sào (mỗi hộ trồng từ 1 đến 2 sào). Theo đánh giá, nhận xét ban đầu, việc trồng cây nha đam đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ dân.
Theo ông Nguyễn Văn Khang là hộ dân liên kết trồng nha đam, trú tại thôn Tân Tiến, xã Ea Na, năm 2018 ông đã liên kết với HTX Thuận Thiên trồng hơn 1 sào nha đam, vốn đầu tư năm đầu hết khoảng 50 triệu/sào gồm mua giống, trồng và chăm sóc ban đầu. Những năm sau, tùy thuộc vào tính chất đất, cách chăm sóc, vốn đầu tư khoảng 10 triệu/sào/năm. Sau khi trồng từ 8 -10 tháng thì cây cho thu hoạch, trung bình sẽ thu hoạch 8 đợt/năm và khoảng 3-5 tấn/ sào/đợt.
Ông Khang chia sẻ, cây nha đam không cần diện tích lớn, có thể trồng xen dưới tán các loại cây ăn quả, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây nha đam cũng tương đối đơn giản, đất để trồng. Nha đam cần phải làm đất tơi xốp, bón lót bằng phân hữu cơ, lân, vôi và có thể thêm một số men đối kháng nấm bệnh như Trichoderma sp, Metarhizium sp…. Mật độ trồng khuyến cáo là 50.000 cây/ha. Giai đoạn kiến thiết ban đầu (khoảng 8 - 10 tháng) cần nhất là làm cỏ xới đất, nên sử dụng một số loại phân bón tổng hợp có hàm lượng đạm (N) cao; sau khi trồng khoảng 2-3 tháng tiến hành phun chế phẩm sinh học Chitosan Oligomer liều 40-50ppm, chu kỳ 2-3 tuần/lần nhằm giúp cây khỏe mạnh có thể chống chịu được với sâu bệnh hại. Giai đoạn kinh doanh chú ý một số loại sâu bệnh, sinh vật gây hại, phân bón chủ yếu dùng DAP và các loại phân đơn như UREA, SA…
Ông Khang còn cho biết, với giá thu mua của HTX là 3.400 đồng/kg, mỗi năm ông thu được trên 100 triệu đồng/sào nha đam. Như vậy trừ chi phí ban đầu, năm đầu tiên lãi trên 40 triệu đồng, những năm sau lãi khoảng 90 triệu đồng/sào.
Hiện nay, nhu cầu sử dụng nha đam ngày càng tăng, ngoài việc làm thức uống, nha đam còn được dùng trong việc chăm sóc sắc đẹp và là một loại dược liệu quý trong điều trị rất nhiều bệnh như: Gan, bệnh ngoài da,….Trạm Khuyến nông huyện Krông Ana đang phối hợp với các cơ quan chuyên môn tiếp tục theo dõi, đánh giá nhằm đưa ra định hướng cho người dân tại địa phương trong việc trồng cây nha đam.
Theo nhận định ban đầu, cây nha đam sẽ là một hướng đi mới trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giúp giảm nghèo, có thể mở rộng để nhiều nông dân tại địa phương phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình.
Anh Thiện đại diện của HTX Thuận Thiên cho biết, đối với đầu ra sản phẩm, HTX của anh đang liên kết với Công ty Cổ phần thực phẩm Cánh Đồng Việt có trụ sở tại KCN Thành Hải - Phan Rang - Tháp Chàm - tỉnh Ninh Thuận, Công ty đặt hàng HTX cung ứng khoảng 100 tấn nha đam nguyên liệu/tháng, vì vậy HTX đang có mong muốn mở rộng liên kết trồng thêm trên địa bàn huyện Krông Ana trong thời gian tới.