Đưa khoai lang trồng trên đất lúa được xem là bước “đột phá” trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng của ngành Nông nghiệp huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng), với mục tiêu đa dạng hóa cây trồng, góp phần tăng thu nhập trên cùng diện tích.
Bí quyết trồng khoai
Là người tiên phong đưa khoai lang xuống chân ruộng, anh Phạm Thanh Ca, ấp 3, thị trấn Phú Lộc, huyện Thạnh Trị bộc bạch: “Khoai lang dễ trồng, nhẹ công chăm sóc nhưng để cây cho củ tốt, phải tùy thuộc vào điều kiện tự nhiên của từng địa phương, nhất là loại đất, vì khoai lang thích hợp đất pha cát nhưng trên phần đất lúa của tôi là đất sét. Do vậy, để trồng được khoai lang, tôi phải cải tạo đất trong khoảng thời gian nhất định và hạ độ phèn trong đất đến mức thấp nhất, trước khi đưa dây khoai trồng trên đất lúa, để dây khoai sinh trưởng tốt, không ảnh hưởng do nền đất gây ra”.
Anh Phạm Thanh Ca (thị trấn Phú Lộc, huyện Thạnh Trị) bên số lượng khoai lang trồng trên nền đất lúa, với sản lượng hơn 170 tấn/5ha.
Anh Ca chia sẻ thêm: “Tôi thực hiện mô hình trồng khoai khi thu hoạch xong lúa vụ đông xuân năm 2021 - 2022. Thường thì khi thu hoạch lúa xong, tôi sẽ cải tạo đất xuống giống vụ lúa hè thu, nhưng với kinh nghiệm hàng chục năm canh tác lúa, vụ lúa hè thu lợi nhuận đem về cho người dân không đáng kể, thậm chí có năm bị thua lỗ. Vì vậy, sau khi đi tham quan mô hình trồng khoai của một số tỉnh bạn, tôi quyết định không xuống giống lúa vụ hè thu mà chuyển sang trồng khoai lang trên diện tích đất lúa 5ha. Để khoai sinh trưởng tốt, trước khi xuống giống khoai, phải tạo mô đất hình chóp nón và mô đất cao hơn so với mặt ruộng tầm 4 tấc (40cm), luống cách luống 1,7m và dây khoai trồng trên luống là dây nối liền dây, ước tính 1.000m2 xuống giống khoảng 1.000 dây khoai”.
Bí quyết trồng khoai giảm chi phí phân bón của bà con nông dân là, trong giai đoạn làm mô đất bỏ thêm một lượng phân hữu cơ vừa phải trên mô trồng khoai. Qua 60 ngày xuống giống, khoai bắt đầu giai đoạn cho củ, sử dụng thuốc chuyên dụng ức chế dây khoai phát triển, để rễ khoai trong lòng đất tạo củ. Trong suốt thời kỳ này, khoai không cần bón thêm phân bón, chỉ sử dụng một số chế phẩm sinh học phòng bệnh chết dây khoai và sâu xanh tấn công. Khoai trắng sữa xuống giống đến thu hoạch trong khoảng 4,5 - 5,5 tháng, khoai bí đường xanh 5 - 6 tháng.
Cuối tháng 11/2022, anh Ca đã thu hoạch toàn bộ 5ha khoai lang, với sản lượng hơn 170 tấn và toàn bộ số khoai trên bán cho các vựa nông sản, trừ chi phí, lợi nhuận trên 70 triệu đồng/ha, cao hơn 2-3 lần so trồng lúa vụ hè thu.
Xây dựng kế hoạch mở rộng diện tích
Ông Võ Văn Bé, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng, nhận định: Việc đưa khoai lang trồng trên nền đất lúa tại hộ anh Ca khá mới nhưng đem lại hiệu quả cao về năng suất, mặc dù hộ chưa có nhiều kinh nghiệm trong quá trình canh tác khoai nhưng mô hình được thực hiện rất thành công. Thông qua mô hình trồng khoai trên nền đất lúa của anh Ca, đơn vị sẽ phối hợp địa phương xây dựng kế hoạch mở rộng diện tích trồng khoai lang trên địa bàn huyện Thạnh Trị và để mở rộng diện tích, trước mắt là kêu gọi doanh nghiệp liên kết bao tiêu đầu ra sản phẩm khoai sau thu hoạch, nhằm tạo mô hình sản xuất bền vững, đảm bảo nguồn thu nhập tốt cho bà con khi trồng khoai thay thế lúa vụ hè thu.
Mặc dù khoai lang dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, ít tốn chi phí đầu tư nhưng để phát triển trồng khoai lang, người dân nên cân nhắc về đầu ra. Đồng thời, trong quá trình trồng, cần phải áp dụng đúng các quy trình kỹ thuật canh tác thì khoai mới đạt năng suất tốt, đặc biệt chú ý đến điều kiện tự nhiên của từng địa phương, xem việc đưa giống khoai trồng trên nền đất có phù hợp chưa, nếu chưa thì cần phải cải tạo đất cho phù hợp trước khi xuống giống khoai.