Tỉnh Tuyên Quang vừa có Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa năm 2023. Theo đó, gần 650ha đất trồng lúa sẽ được chuyển sang trồng các loại cây trồng khác hiệu quả hơn.
Mục đích nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng các loại cây trồng hàng năm, cây lâu năm hoặc kết hợp nuôi trồng thủy sản để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho các hộ sản xuất…
Theo đó, tổng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa sang các loại cây trồng khác năm 2023 trên địa bàn tỉnh là 649,4 ha, trong đó, chuyển đổi sang trồng cây hằng năm là 203,7 ha; chuyển đổi sang trồng cây lâu năm là 340,6 ha; chuyển đổi sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản là 105,1 ha. Hàm Yên là huyện đứng đầu diện tích đất lúa chuyển đổi với 200 ha, tiếp đến là Yên Sơn 133,4 ha, Lâm Bình 115,1 ha...
Có 203,7/649,4 ha đất lúa chuyển đổi sang trồng cây hằng năm.
UBND tỉnh Tuyên Quang yêu cầu các cơ quan chức năng thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải đúng quy định của pháp luật về quản lý đất đai và phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đảm bảo khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng sẵn có phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương, đảm bảo phục hồi lại hiện trạng ban đầu để trồng lúa trở lại khi cần thiết và việc chuyển đổi từ trồng lúa sang các loại cây trồng khác phải thực hiện theo quy định của pháp luật. Khi chuyển đổi đất trồng lúa sang các loại cây trồng khác phải lựa chọn cây trồng, cơ cấu giống, thời vụ, kỹ thuật chăm sóc, thâm canh phù hợp để việc chuyển đổi đảm bảo hiệu quả kinh tế cao, ổn định và bền vững.