Đến tháng 9/2023, Tuyên Quang có 160,9ha cây trồng sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ tạo ra sản phẩm sạch, bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao sức khoẻ cộng đồng, tăng thu nhập cho nông dân.
Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, vẫn còn một số khó khăn cần tháo gỡ.
Giá trị được nâng cao
Với sự quan tâm, chỉ đạo, chính sách kịp thời của tỉnh, sản phẩm hữu cơ đang từng bước được nâng cao giá trị, 100% sản phẩm được dán tem QR truy xuất nguồn gốc.
Ông Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Tuyên Quang, cho biết, đến tháng 9/2023, tỉnh có 160,9ha sản xuất trồng trọt hữu cơ, 100% sản sản phẩm hữu cơ được dán tem QR truy xuất nguồn gốc. Tỉnh có 02 cơ sở chế biến chè được cấp mã số cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất sang thị trường EU và có 11 vùng được cấp mã số vùng trồng phục vụ nội tiêu và xuất khẩu với diện tích 128,58 ha/208 hộ tham gia.
Đến tháng 9/2023, diện tích sản xuất trồng trọt hữu cơ của tỉnh Tuyên Quang đạt 160,9 ha.
Những năm qua, Tuyên Quang tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, kết nối các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm cam, chè cho các nhóm nông dân, HTX. Kết nối với doanh nghiệp, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch tiêu thụ sản phẩm cam cho các nhóm sản xuất với giá bán ổn định từ đầu đến cuối vụ là 28.000 đồng/kg; giá bán rau, chè hữu cơ tăng gấp 2-3 lần so với sản xuất thường.
Sản xuất hữu cơ đã nâng giá trị sản phẩm cao gấp 2-3 lần so với sản xuất chè thông thường.
Việc sản xuất hữu cơ mang lại giá trị kinh tế cao cho người trồng. Về vấn đề này, ông Hoàng Văn Niên, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Sơn Dương, cho biết, huyện có 5,7ha chè sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Ngoài cải tạo môi trường đất, môi trường nước, môi trường không khí, người trồng cải thiện sức khỏe thì sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ mang lại hiệu quả hơn hẳn so với chè sản xuất thông thường, giá bán trung bình 500.000 đồng/kg, cao gấp 2-3 lần so với chè sản xuất thông thường.
Là một trong những HTX có diện tích chè hữu cơ lớn của tỉnh Tuyên Quang, ông Đặng Ngọc Phố, Phó giám đốc HTX Sơn Trà (Na Hang), cho biết, HTX có 21ha chè sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, sản phẩm chè khô 9 tháng đầu năm 2023 là 6 tấn, ước cả năm 2023 đạt 7,5 tấn, giá bán trung bình 450.000 đồng/kg. HTX có sản phẩm chè Shan tuyết 1 tôm, 1 lá được nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dùng làm quà tặng Thủ tướng Malaysia trong chuyến thăm chính thức Việt Nam năm 2019. Năm 2022, sản phẩm của HTX được tặng Cup bạc “Sản phẩm hữu cơ vì sức khỏe cộng đồng” của Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Công Hàm, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang, cho biết, tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: Vùng cam hơn 7.400ha, vùng chè gần 8.300ha, vùng bưởi 5.200ha, có trên 50 chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Diện tích các cây trồng được sản xuất theo tiêu chuẩn trên địa bàn tỉnh đạt trên 3.200ha, trong đó 160,9ha sản xuất đạt tiêu chuẩn hữu cơ, 2.119ha tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP; 923ha chè tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững.
Tổ chức sản xuất từng bước được đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả; hình thành liên kết trong sản xuất hàng hoá, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ; việc đăng ký nhãn hiệu và quảng bá thương hiệu sản phẩm hàng hóa được đẩy mạnh đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, đồng thời nâng cao giá trị thương hiệu, sức cạnh tranh của nông sản tỉnh Tuyên Quang.
Triển khai nhiều giải pháp
Tuy đạt được nhiều kết quả nhưng sản xuất hữu cơ ở Tuyên Quang hiện gặp một số khó khăn như: sản xuất còn nhỏ lẻ; diện tích được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ còn ít; chưa có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả để tuyên truyền, nhân rộng; các sản phẩm hữu cơ chế biến sâu còn ít, chưa đa dạng, chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, còn ít người biết đến sản phẩm hữu cơ của địa phương... Ngoài ra là vấn đề giá, giá của sản phẩm hữu cơ cao hơn; nhiều người tiêu dùng chưa tin vào sản phẩm vì thực tế có sự gian dối; việc quản lý chất lượng chưa minh bạch...
Trao đổi về giải pháp, ông Đặng Ngọc Phố, Phó giám đốc HTX Sơn Trà, cho rằng, cần có chính sách khuyến khích sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị sản xuất, chế biến chè. Xây dựng, quảng bá, bảo vệ thương hiệu, xúc tiến thương mại, quản lý chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Kiểm soát chặt chẽ sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, xây dựng nhãn hiệu, từng bước xây dựng thương hiệu các sản phẩm chè, đặc biệt về chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chè Shan tuyết. Đây là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển cây chè Shan tuyết thời gian tới.
Còn theo ông Nguyễn Đình Tâm, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tâm Hương (Na Hang), chất lượng sản phẩm phải đảm bảo, chú ý đến mẫu mã, chủ động tìm thị trường tiêu thụ, quan tâm làm truyền thông, quảng bá sản phẩm. HTX sẵn sàng đồng hành với các đơn vị sản xuất nông sản hữu cơ, nhưng sản phẩm phải có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh, có kế hoạch sản xuất phù hợp. Định hướng phải xuất khẩu, trong đó có sản phẩm cam, bưởi.
Cùng quan điểm, ông Niên cho rằng, cần đẩy mạnh các giải pháp kiểm soát chặt chẽ chất lượng vật tư đầu vào, thành lập HTX, tổ hợp tác sản xuất chè gắn với du lịch. Cấp mã số vùng trồng, nâng cao chất lượng chế biến chè thành phẩm, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện mở rộng thị trường xuất khẩu chè khô. Đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất quản lý trong nông nghiệp, nông thôn.
Về giải pháp, ông Nguyễn Công Hàm cho biết, thời gian tới, Tuyên Quang tập trung thực hiện quy hoạch, bố trí đất đai, huy động vốn đầu tư; chú trọng tổ chức sản xuất, đề xuất cơ chế chính sách phát triển nguồn nhân lực, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ...
Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, người sản xuất và người tiêu dùng về việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Khuyến khích hình thành các tổ nhóm, HTX sản xuất, trồng trọt hữu cơ. Tăng cường thu hút doanh nghiệp đầu tư mở rộng diện tích sản xuất trồng trọt hữu cơ, liên kết với các tổ nhóm, HTX, kết nối cung cầu, sản xuất theo chuỗi từ sản xuất, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hữu cơ…