Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 12 tháng 1 năm 2023 | 11:17

Tuyên Quang thành công từ các mô hình khuyến nông

Năm 2022, mặc dù ngành Nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, thách thức do thời tiết, thiên tai, giá vật tư tăng mạnh, nhưng Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang đã triển khai nhiều mô hình, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế.

Thành công từ các mô hình liên kết

Với sự chỉ đạo kịp thời của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Sở Nông nghiệp và PTNT, sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị và nỗ lực cố gắng của bà con nông dân đã tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thống khuyến nông tỉnh Tuyên Quang triển khai các hoạt động và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Trong thực hiện chương trình liên kết tiêu thụ sản phẩm, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang đã kết nối với 6 doanh nghiệp, hợp tác xã tổ chức thu mua được trên 10.500 tấn sản phẩm nông sản, trong đó, 6.100 tấn dưa chuột, 64 tấn sợi gai xanh, 4.000 tấn ngô sinh khối, 350 tấn bí đỏ... Điển hình như liên kết với Hợp tác xã Minh Tâm trồng được 263 ha dưa chuột, thu mua được 6.100 tấn quả, với giá thu mua từ 2.500 - 8.000 đồng/kg, doanh thu đạt trên 30 tỷ đồng.

Thu hoạch dưa chuột tại xã Trung Sơn (Yên Sơn).

Phối hợp với Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Tiến Thành thực hiện chuỗi liên kết chăn nuôi trâu, bò vỗ béo an toàn sinh học gắn với tiêu thụ sản phẩm. Năm 2022, HXT đã cung ứng được 1.212 con trâu, bò vỗ béo, trong đó có 555 con trâu và 657 con bò; đã tiêu thụ 1.464 con trâu, bò trong đó 764 con trâu, 700 con bò. Hiện, toàn tỉnh có 1.021 con trâu, bò nuôi vỗ béo, trong đó có 589 con trâu, 432 con bò. Doanh thu đạt gần 4 tỷ đồng...

Đối với các mô hình, dự án có nguồn vốn từ Trương ương đã được địa phương thực hiện đạt kết quả tốt, điển hình như: dự án “Xây dựng mô hình nuôi ong mật gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm” quy mô 400 đàn/08 hộ tại xã Thái Bình (Yên Sơn), kết quả đàn ong sinh trưởng phát triển tốt, năng suất khai thác mật đạt bình quân 18,1 kg/đàn/năm, sản phẩm mật ong đảm bảo an toàn thực phẩm.

Dự án "Ứng dụng các giải pháp khoa học và công nghệ để phát triển đàn bò thịt chất lượng cao" tại huyện Yên Sơn và Sơn Dương, kết quả đã thực hiện phối giống cho 230 con bò cái có chửa

Hay mô hình chăn thả lợn rừng sinh sản theo hướng an toàn sinh học gắn với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, quy mô 40 con/4 hộ tại 4 xã: Thanh Tương, Hồng Thái, Đà Vị, Năng Khả (Na Hang), kết quả số con đẻ ra 5 con/lứa, tỷ lệ nuôi sống lợn con sau khi sinh đạt 95 %; mô hình sản xuất cây gai xanh lấy sợi gắn với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, quy mô 5,0 ha tại xã Trung Yên (Sơn Dương), năng suất đạt 2.274 kg vỏ khô/ha/03 lứa thu hoạch.

Đến mô hình ứng dụng công nghệ cao

Trong thực hiện chương trình phát triển nông thôn, năm 2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang đã chủ động triển khai các mô hình bước đầu đã cho kết quả khả quan. Điển hình như: mô hình ứng dụng công nghệ cao sản xuất rau trong nhà màng đã xây dựng được 03 nhà màng, quy mô 904 m2. Trong đó, 01 nhà màng trồng cà chua với quy mô 200 m2/20 hộ tại xã Thành Long, 01 nhà màng sản xuất rau với quy mô 200 m2/13 hộ tại xã Thái Hòa (Hàm Yên) và 01 nhà màng trồng dưa lướt với quy mô 504 m2/10 hộ tại xã Kim Bình (Chiêm Hóa).

Mô hình chăn nuôi lợn đen tại xã Thái Bình (Yên Sơn).

Mô hình sản xuất thanh long trái vụ ứng dụng công nghệ đèn LED, kết hợp với hệ thống tưới nước tự động, quy mô 1,0 ha và áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, quy mô 10 ha/10 hộ thực hiện tại xã Yên Phú (Hàm Yên), kết quả đã cho thu hoạch được hơn 200 tấn thanh long. Hay mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Thành Long, Thái Hoà (Hàm Yên) đã có 10 ha rau được chứng nhận VietGAP…; mô hình chăn nuôi dê sinh sản xã Bình Yên (Sơn Dương), quy mô 66 con dê lai (60 con dê cái, 6 con dê đực)/10 hộ, kết quả đã có 15 con dê đẻ được 22 con dê con.

Năm 2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang đã triển khai mô hình trồng tre lục trúc lấy măng gắn với phát triển du lịch sinh thái tại xã Hồng Thái (Na Hang) với quy mô 1,5 ha, 4 hộ tham gia. Măng lục trúc là thực phẩm tốt, có lợi cho sức khỏe con người, có nhiều dinh dưỡng về đường, chất khoáng và các loại vitamin… Măng có thể dùng tươi, sấy khô, ướp làm đồ hộp xuất khẩu. Thân tre có thể làm nông cụ, làm đồ dùng mỹ nghệ, làm nguyên liệu giấy. Lá có thể dùng gói bánh, nguyên liệu men rượu…

Mô hình trồng tre lục trúc lấy măng gắn với phát triển du lịch sinh thái triển khai tại xã Hồng Thái, sẽ góp phần thay đổi tư duy nhận thức của người nông dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây trồng mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất hàng hoá gắn với phát triển du lịch, nâng cao giá trị và tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Thực hiện Dự án “Cải thiện thực hành nông nghiệp bền vững và tăng cường kết nối thị trường cho nông hộ nhỏ”, Trung tâm Khyến nông tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức được 23 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây bí đỏ, ngô ngọt và thực hành bền vững trong sản xuất cho gần 1.000 lượt hộ nông dân tại các xã trên địa bàn tỉnh, đồng thời phối hợp với đơn vị tư vấn cung cấp 10.000 tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm bí đỏ.

Các đại biểu thăm mô hình nuôi cá lồng tại Na Hang.

Trong công tác thông tin tuyên truyền, trung tâm đã thực hiện 36 chuyên mục khuyến nông trên truyền hình tỉnh; phát hành 1.200 cuốn bản tin Khuyến nông, 90.000 tờ hướng dẫn kỹ thuật; tổ chức 10 lớp tập huấn cho gần 500 lượt cán bộ, nông dân; tổ chức 03 tọa đàm khuyến nông với chủ đề “Giải pháp nâng cao hiệu quả nuôi cá lồng trên sông hồ”, tại huyện Na Hang; “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng rừng theo hướng phát triển lâm nghiệp bền vững” tại thành phố Tuyên Quang; “Một số giải pháp phòng chống đói rét cho trâu bò trong mùa đông” tại huyện Chiêm Hóa với trên 300 đại biểu tham dự.

Ngoài ra, hệ thống khuyến nông của tỉnh đã thực hiện 106 mô hình khuyến nông áp dụng các giống mới, tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, nhiều mô hình triển khai đạt hiệu quả kinh tế cao và được nông dân hưởng ứng nhân rộng ra sản xuất, điển hình như: mô hình trình diễn giống lúa lai 3 dòng Thụy Hương 308, quy mô 1,0 ha, năng suất bình quân đạt 73,7 tạ/ha; mô hình giống lúa TBR 225 có gen kháng bạc lá, quy mô 1,5 ha, năng suất bình quân đạt 69 tạ/ha...

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang cho biết, trước khi triển khai thực hiện mô hình, trung tâm đã phối hợp với cơ quan chuyên môn huyện, UBND các xã, thị trấn khảo sát, lựa chọn các mô hình gắn với nhu cầu thực tế của nông dân, phù hợp với định hướng phát triển, tái cơ cấu của ngành nông nghiệp tỉnh. Đối với mỗi mô hình cụ thể, cán bộ kỹ thuật của trung tâm thường xuyên bám sát cơ sở, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, hỗ trợ người dân tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện.

Nhờ các giải pháp thiết thực, thông qua các mô hình khuyến nông, trung tâm đã đưa các tiến bộ khoa học công nghệ đến gần với người dân; giúp bà con thay đổi phương thức sản xuất, chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần tăng năng suất và sản lượng cây trồng, vật nuôi.

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top