Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 9 tháng 11 năm 2022 | 10:53

Tỷ phú biên viễn muốn đưa nông sản vươn xa

Từng là người “dẫn đường” cho phong trào làm giàu ở “thủ phủ chuối” Mường Khương (Lào Cai), sau nhiều phen lao đao, anh Trần Văn Hùng lại vững tin cùng bà con biên giới đưa sản phẩm chè San của địa phương xuất ngoại ra nhiều nước trên thế giới với khát vọng chinh phục những thị trường khó tính nhất.

“Thất bại là mẹ  thành công”

Nhớ lại những năm 2008-2016, khi mới xây dựng gia đình và được bố mẹ cho ra ở riêng, với chỉ 2 sào ruộng (1 sào Bắc Bộ = 360m2) ít ỏi và 1ha diện tích đất vườn, anh Trần Văn Hùng ở thôn Na Vai, xã Bản Xen (Mường Khương) kể lại những ngày đầu mạnh dạn “làm ăn lớn”: “Hai vợ chồng đều làm nông nghiệp, hàng năm kinh tế gia đình rất khó khăn, quanh năm vất vả cũng chỉ đủ ăn. Là trụ cột trong gia đình, bản thân tôi rất trăn trở suy nghĩ tìm hướng đi để cải thiện cuộc sống và phấn đấu vươn lên làm giàu ngay tại mảnh đất quê hương mình. Sống ở huyện có đường biên giới dài gần 100km với 2 cửa khẩu lớn và nhiều đường mòn lối mở, tôi hòa mình vào đội ngũ thương lái nhỏ chuyên thu mua chuối xanh của bà con để bán sang Trung Quốc. Trước đây, bờ biên lối mở thông thoáng, người dân Trung Quốc thường sang thuê bà con trồng chuối. Họ mang giống sang, trả tiền công để bà con trồng, chăm sóc rồi thu hoạch về. Là thương lái tôi biết sức tiêu thụ của thị trường này rất lớn và tiềm năng của vùng nguyên liệu ở quê tôi còn nhiều nên đã gom hết vốn liếng góp với bạn để trồng chuối”.

Anh Trần Văn Hùng luôn tìm cách nâng cao giá trị nông sản cho bà con.

Liên kết với bà con bằng cách hỗ trợ vốn, giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc rồi bao tiêu hết sản phẩm để các hộ bỏ công trồng chuối thay cho những diện tích cây trồng kém hiệu quả, anh Hùng cũng có vùng nguyên liệu 30ha. Năm 2018, diện ích nhanh chóng được mở rộng lên 60ha. Ngoài ra, anh còn liên kết với các HTX, các huyện khác trong tỉnh để có vùng nguyên liệu 180ha và ở Lai Châu là 300ha. Từ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, anh được đi học tập mô hình sản xuất chuối ở ngay tại một xã ở nước bạn, bản thân cũng tự tìm hiểu học hỏi thêm quy trình kỹ thuật sản xuất chuối của họ rồi về áp dụng và phổ biến rộng rãi cho bà con.

Với vùng trồng lớn, Hùng đã chủ động hợp tác với Viện Nông nghiệp (Trường ĐH Nông nghiệp II) nghiên cứu và sản xuất giống. Anh cho biết: “Trước đây, bà con chỉ có giống chuối Tiêu hồng của Việt Nam. Nhưng qua tìm hiểu tôi thấy nước bạn rất chuộng giống chuối Tiêu già Nam Mỹ. Giống này cây cao to hơn, quả chín cuống cũng dai hơn ít bị rụng mà sản lượng lại gấp 3 lần giống tiêu hồng của ta. Đặc biệt, sức sống của cây con cũng khỏe hơn, cây con lứa sau cho buồng còn to hơn cây mẹ, tới 40-50kg/buồng, trong khi tiêu hồng chỉ 20-30kg/buồng”. Riêng về cung cấp giống, Hùng đã tiết kiệm cho bà con rất nhiều tiền và đem lại cho anh những thành quả không nhỏ. Tính trung bình giá cây giống mua của nước bạn là 10.000 đồng/cây, bà con mua của anh chỉ 6.000 đồng/cây, mỗi ha trồng 2.000 cây đã tiết kiệm được gần 10 triệu đồng. Chỉ cần có lãi 1.000 đồng/cây, anh cũng có doanh thu hàng tỷ đồng.

Trồng giống tiêu già Nam Mỹ, 5 năm mới phải thay mô một lần, năng suất cao, mỗi hecta chuối cho thu hoạch khoảng 100 triệu đồng. Nhiều bà con địa phương như “đổi đời”, từ năm 2016-2020, người dân đua nhau xây nhà bề thế, sắm xe ô tô. Tổng thu nhập của gia đình anh Hùng là hơn 25 tỷ đồng/năm. Trong đó, thu từ rừng trồng chuối 6 tỷ đồng, từ mua và xuất khẩu chuối  hơn 15 tỷ đồng, thu từ bán cây giống (chuối, chè) 4 tỷ đồng. Trừ hết chi phí còn lãi gần 5 tỷ đồng.

Nhưng anh cũng kinh hãi nhớ lại năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, đường biên giới bị thắt chặt, mỗi công ten nơ (24 tấn) chuối xuất sang Trung Quốc đang từ 0 đồng đội giá lên 60 triệu đồng. Nhìn hàng nghìn tấn chuối đang đến hồi chín rộ không xuất được, chín rũ bỏ đi mà thắt lòng. Lỗ nặng, nhưng cũng có được bài học xương máu, anh chia sẻ: “Người nông dân với doanh nghiệp phải gắn bó chặt chẽ về mọi mặt. Đặc biệt, thị trường là yếu tố tiên quyết của doanh nghiệp, mặc dù Trung Quốc là thị trường lớn, dễ tính nhưng vẫn nhiều rủi ro nếu ta không mở rộng thị trường và chuyển dần sang chế biến sâu, không chỉ bị ép giá mà chỉ cần chính sách XNK của nước bạn thay đổi hay đóng cửa biên giới...là ta dễ trắng tay. Chính vì vậy, tôi đã nghĩ đến những cây trồng có thị trường rộng mở hơn là chè San. Đây cũng là cây trồng chủ lực của địa phương, có sản phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc và các nước Trung Đông”.

Nghĩ là làm, Hùng tham gia các HTX chè Mường Khương và HTX chè bản Xen liên kết với các hộ dân, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc, bao tiêu sản phẩm về chế biến và xuất khẩu. Mới gượng dậy sau đại dịch covid-19, nhưng Hùng đã có được những thành quả ấn tượng, vững tin dẫn dắt bà con làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

Khát vọng nâng tầm nông sản Việt

Hiện, Hùng đang sản xuất các loại cây giống: chè, quýt đủ cung cấp cho khoảng 500ha chè và 100ha quýt, cho thu lãi nửa tỷ đồng/năm. Anh cho biết, cây giống được anh đặc biệt chú trọng, nhân ra tại vườn cây đầu dòng được đánh giá bởi các cơ quan chuyên môn. Với vùng nguyên liệu trên 2.500ha của huyện Mường Khương, gia đình anh đã đầu tư mở công ty sản xuất, chế biến sản phẩm chè búp tươi nhằm nâng cao thu nhập cho bà con trong vùng. “Hiện tại, chúng tôi có 2 nhà máy chế biến, công suất 60 tấn/ngày và 40 tấn/ngày. Trước đây khi chưa có nhiều nhà máy chế biến, giá chè của dân chỉ ở mức 4.500-6.000 đồng/kg. Đến nay, chè được phân loại cao nhất là giá 22.000 đồng/kg, tầm trung là 10.000 đồng/kg, đại trà là 7.000-8.000 đồng/kg. Mỗi tháng, 2 vụ thu hái thì một hecta chè cũng cho sản lượng khoảng 10 tấn, bà con thu về ít nhất là 140 triệu đồng. Trong khi, hai nhà máy của chúng tôi mới chỉ hoạt động được 1 nửa công suất do không đủ nguyên liệu. Mỗi ngày 2 nhà máy chế biến 30 tấn chè tươi cho ra thành phẩm chè đen và chè xanh viên, xuất sang Trung Quốc và hơn 10 nước Trung Đông cho doanh thu 6 tỷ đồng/tháng. Nếu sản xuất hết công suất thì doanh thu sẽ còn cao hơn nhiều nữa”, Hùng nhẩm tính.

Bà con địa phương tấp nập mang sản phẩm đến tiêu thụ.

Hàng năm, gia đình anh đã giúp đỡ được trên 80 hộ nghèo, khó khăn về vốn, vật tư, cây con giống, tạo việc làm ổn định cho hơn 100 lao động tại địa phương. Trung bình mỗi ngày còn có khoảng 15 đến 30 lao động thời vụ với mức lương từ 200.000-250.000 đồng/người/ngày. Ngoài ra, anh còn thường xuyên hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật cho nhiều hộ khác. Với kinh nghiệm làm nông nghiệp và nhiều năm lăn lộn trên thị trường, những thành quả này mới chỉ là bước đầu tiên để anh giải quyết những bài toán lớn hơn: Tạo ra vùng nguyên liệu bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp theo hướng chế biến sâu, chinh phục những thị trường khó tính đầy tiềm năng...

Chè được đưa vào chế biến xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.

Anh chia sẻ: “Mong muốn của tôi là biến vùng chè Mường Khương thành vùng nguyên liệu hữu cơ, lúc đó chúng tôi có thể cam kết với bà con giá thu mua sẽ là 20.000 đồng/kg cao gấp 3 lần giá hiện nay. Không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm canh tác của người dân mà doanh nghiệp chúng tôi cũng có được nguồn nguyên liệu tốt, chế biến sản phẩm cho những thị trường khắt khe hơn. Tuy nhiên, đặc thù của cây chè là thường xuyên phải diệt cỏ, bón phân, phòng trừ sâu bệnh... muốn trồng hữu cơ, bà con phải tưới, chăm sóc, rẫy cỏ bằng tay... chi phí nhân công lớn, phân bón cũng phải đúng loại, nhập khẩu giá cao. Trong khi, trình độ canh tác của bà con còn rất hạn chế, để có sự thay đổi nhận thức cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chính quyền, đứng ra làm thí điểm trồng theo hướng hữu cơ ở một thôn, xã. Lấy doanh nghiệp làm trọng tâm để tham mưu dùng phân bón gì, kỹ thuật như thế nào, chăm sóc ra sao?... bởi doanh nghiệp là người sẽ bao tiêu sản phẩm, chế biến bán đi những thị trường khác nhau. Chúng tôi sẽ cung cấp mẫu phân bón hữu cơ đạt chuẩn của từng thị trường cụ thể để tư vấn cho bà con. Rồi thành lập những tổ kiểm tra giám sát, khi thấy được lợi nhuận bà con sẽ tự giác học theo, tạo thành phong trào. Hiện, tôi cũng đang lên kế hoạch tự trồng chè theo hướng hữu cơ làm nguyên liệu và cơ sở để bà con nhân rộng nên rất cần sự hỗ trợ từ các ban ngành và chính quyền địa phương”.

 

 

Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc
Top