Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 27 tháng 9 năm 2024  
Thứ hai, ngày 9 tháng 9 năm 2024 | 10:49

Ứng dụng KHCN và bảo vệ đàn vật nuôi trước thiên tai

Thái Nguyên vừa trải qua những đợt mưa lũ và phải chịu nhiều thiệt hại khá nặng nề. Nguy cơ xảy ra mưa lũ, ngập úng có thể xảy ra trong thời gian tới, gây ảnh hưởng đến đàn vật nuôi.

Bằng việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong chăn nuôi, chủ động phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm và môi trường, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh đối với các cơ sở chăn nuôi tập trung.

Bảo vệ đàn vật nuôi, nhiệm vụ quan trọng

Hiện nay, nhiều hộ dân đã bắt đầu tái đàn hoặc mở rộng quy mô chăn nuôi để phục vụ nhu cầu thị trường dịp Tết Nguyên đán 2025. Theo số liệu thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có khoảng 95.000 con trâu, bò, 600.000 con lợn và 16 triệu con gia cầm; chăn nuôi quy mô trang trại chiếm 43% trong tổng đàn gia súc, gia cầm.

Từ nhiều năm nay, chăn nuôi chiếm vị trí quan trọng, mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ dân ở Thái Nguyên. Vì vậy, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm luôn là nhiệm vụ quan trọng của các cấp, ngành chức năng và người chăn nuôi.

Một mô hình chăn nuôi lợn áp dụng quy trình chuồng trại chăn nuôi sạch tại xóm Đức Hòa, xã Thịnh Đức (TP. Thái Nguyên).

Ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Thái Nguyên, cho biết: Trong điều kiện thời tiết bất thường như hiện nay, nhất là khi xảy ra mưa lũ, không chỉ có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi tình trạng ngập úng, khan hiếm thức ăn, đàn vật nuôi còn dễ bị phát sinh dịch bệnh (bởi khi mưa to có thể gây ngập úng cục bộ hoặc ngập lụt trên diện rộng, tạo cơ hội phát tán mầm bệnh).

Thực tế cho thấy, tại Thái Nguyên, từ tháng 8 đến hết tháng 10 thường có các đợt mưa to kéo dài gây ngập úng cục bộ. Bởi vậy, hiện nay, tỉnh đang tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, không để dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tái bùng phát.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có 16 chuồng trại chăn nuôi bị ảnh hưởng, trên 3.000 con gia súc, gia cầm bị chết, lũ cuốn trôi.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh, Thái Nguyên đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh tại các địa phương, cơ sở chăn nuôi. Lực lượng nhân viên thú y tăng cường hướng dẫn nông dân cách chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng chống đói, rét cho đàn gia súc, gia cầm; thông tin, tuyên truyền để bà con chú trọng phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; chủ động tiêm phòng, định kỳ tiêm bổ sung các loại vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm mới theo đúng quy định...

Đặc biệt, tại các vùng nguy cơ (nhất là tại các xã Tràng Xá, Dân Tiến, huyện Võ Nhai, nơi xuất hiện dịch tả lợn châu Phi hồi tháng 5 vừa qua), Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Thái Nguyên đã chỉ đạo triển khai tích cực, đồng bộ các biện pháp chống dịch. Cụ thể là giám sát dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi; chủ động lấy mẫu để giám sát, chẩn đoán, xác minh dịch bệnh; tiêu hủy gia súc, gia cầm mắc bệnh, bị chết và cách ly, điều trị vật nuôi bị ốm, thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc khu vực chăn nuôi (ngay khi phát hiện các ổ dịch)...

Trang trại chăn nuôi gà lông màu theo tiêu chuẩn VietGAHP tại xã Hóa Trung, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.

Đến nay, đàn vật nuôi cơ bản an toàn khi các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi) đã được khống chế và công bố hết dịch. Mặc dù vậy, để bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi, người dân cần thường xuyên cập nhật thông tin dự báo thời tiết hằng ngày và tăng cường chăm sóc đàn gia súc, gia cầm thật tốt để nâng cao khả năng chống chịu đối với những tác động bất lợi của thời tiết và sự đe dọa của dịch bệnh dịp cuối năm (như cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi, bệnh tai xanh ở lợn, lở mồm long móng, viêm da nổi cục ở trâu, bò).

Nhằm phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi hiệu quả, nhất là trong mùa mưa lũ, Thái Nguyên khuyến cao các hộ dân thực hiện thường xuyên nhiều biện pháp, đồng thời kêu gọi cộng đồng tham gia bảo đảm an toàn dịch bệnh, giảm bớt thiệt hại cho người chăn nuôi.

Ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển chăn nuôi

Thời gian qua, bên cạnh triển khai các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, VietGAHP, chăn nuôi theo hướng hữu cơ, tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển chăn nuôi.

Theo ông Đỗ Đình Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Thái Nguyên, địa phương đã đẩy mạnh phát triển cả về số lượng và quy mô chăn nuôi trang trại, từ đó dần thay thế chăn nuôi nhỏ lẻ quy mô nông hộ với việc áp dụng phương thức chăn nuôi tiên tiến, đồng bộ, năng suất.

Tỉnh cũng chú trọng công tác quản lý chất lượng con giống, điều kiện sản xuất con giống tại 75 cơ sở (50 cơ sở sản xuất giống gia cầm, 25 cơ sở sản xuất giống lợn), qua đó nâng cao chất lượng đàn gia súc, gia cầm. Đến nay, tỷ lệ đàn lợn ngoại, lợn lai có năng suất, chất lượng cao của tỉnh đạt 76% tổng đàn; đàn bò lai Zebu và các giống bò chất lượng cao đạt 68% trở lên; đàn gà lông màu có chất lượng đạt 87% tổng đàn.

“Bằng việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm và môi trường,  tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh đối với các cơ sở chăn nuôi tập trung. Đồng thời triển khai quản lý dịch bệnh, tiêm phòng vắc-xin đạt các chỉ tiêu để hướng tới xây dựng vùng xã, huyện an toàn dịch bệnh”, ông Đỗ Đình Trung thông tin và cho biết thêm, hiện toàn tỉnh có 28 cơ sở chăn nuôi được chứng nhận an toàn dịch bệnh còn hiệu lực, 80 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP còn hiệu lực.

Hướng đến việc phát triển sản xuất chăn nuôi lợn, gà theo chuỗi, gắn với giết mổ và tiêu thụ sản phẩm, Thái Nguyên đã hình thành các mô hình sản xuất chuỗi từ chăn nuôi - giết mổ - chế biến - tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 57 trang trại chăn nuôi quy mô lớn; gần 700 trang trại chăn nuôi quy mô vừa; trên 500 trại chăn nuôi quy mô nhỏ và trên 120.000 hộ chăn nuôi nông hộ.

Thái Nguyên hiện có 76 hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất chăn nuôi; 9 doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi; 30 doanh nghiệp liên doanh, liên kết chăn nuôi chuỗi thịt lợn, gà.

Tỉnh đang duy trì hoạt động trên 20 chuỗi liên kết sản xuất - giết mổ, chế biến - tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, liên kết với các trang trại chăn nuôi trong việc cung ứng con giống, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, kỹ thuật chăn nuôi, giết mổ và bao tiêu sản phẩm.

 

 

Đăng Quang
Ý kiến bạn đọc
Top