Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 15 tháng 11 năm 2022 | 14:37

Ưu việt trồng dưa lưới công nghệ cao

Từ kết quả khả quan của mô hình trồng dưa lưới trong nhà màn ở phường Cam Nghĩa (TP. Cam Ranh), Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh Hòa đang hoàn tất quy trình trồng, chăm sóc và thu hoạch dưa lưới công nghệ cao để nông dân áp dụng, nhân rộng.

     Từ mô hình thành công

Tháng 7/2022, sau khi hoàn tất việc đầu tư xây dựng nhà màn sản xuất nông nghiệp rộng 1.000m2, gia đình ông Nguyễn Hoàng Hiệp ở phường Cam Nghĩa trồng 3.000 cây dưa lưới với 3 giống: Hoàng Kim, Tolove 999 và AB sweetgold. Đây là hộ tham gia đề tài ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất dưa lưới đạt tiêu chuẩn VietGAP do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh Hòa thực hiện.

Dưa lưới phát triển tốt ở mô hình tại phường Cam Nghĩa.

Ông Hiệp cho biết, dưa lưới giống được gieo ươm hơn 10 ngày, khi cây con đạt chiều cao khoảng 8cm, có 2-3 lá, chọn  cây khỏe mạnh đưa ra trồng vào giá thể (bịch trồng). Mỗi giá thể được làm từ 40% đất phù sa + 20% phân trùn quế + 40% than bùn, trấu hun. Mỗi cây trồng vào 1 giá thể, hình thức trồng theo hàng đôi, cây cách cây 40cm, hàng đôi này cách hàng đôi kia 1,6m. Trong nhà màn, hệ thống tưới nhỏ giọt sẽ đưa dung dịch dinh dưỡng vào cây thông qua nước tưới. Tùy vào từng giai đoạn phát triển của cây để áp dụng các hàm lượng dinh dưỡng khác nhau. Sau khi cây có chiều cao khoảng 50cm, cần bố trí dây cho cây leo. Khi cây đậu quả thì tiến hành tỉa quả, chỉ để 1-2 quả cho mỗi cây.

Sau gần 2 tháng trồng, chăm sóc, cả 3 giống dưa cho thu hoạch tổng cộng gần 3,9 tấn quả chất lượng cao. Với giá dưa lưới bán ra loại 1 là 35.000 đồng/kg, loại 2 là 25.000 đồng/kg, ông Hiệp thu về hơn 130 triệu đồng. Trừ chi phí, 1 lứa dưa cho thu nhập hơn 40 triệu đồng.

Hoàn tất quy trình kỹ thuật để nhân rộng

Kết quả bước đầu ở mô hình được triển khai tại phường Cam Nghĩa thấy cây dưa phát triển tốt, hệ thống nhà màn, tưới nhỏ giọt kiểm soát được các yếu tố bất lợi của thời tiết, khí hậu và hầu hết các loại sâu hại. Dưa lưới cho trái đều, tỷ lệ trái loại 1 đạt 85%. Ngoài ra, hệ thống có nhiều ưu điểm: Tiết kiệm 1/3 công lao động, cây cho năng suất tăng gấp 1,5 - 2 lần so với trồng theo kiểu truyền thống, hạn chế nhiều loại sâu bệnh hại cây trồng, ít chịu ảnh hưởng của điều kiện thời tiết, chủ động được các yếu tố đầu vào... Đặc biệt, hiệu quả kinh tế mô hình mang lại đáng phấn khởi: Trên 1.000m2 đất sản xuất, chưa đầy 2 tháng, cho thu nhập hơn 40 triệu đồng.

Theo Thạc sĩ Võ Thị Bích Chi, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh Hòa, chủ nhiệm đề tài, mô hình dưa lưới trong nhà màn giải quyết cơ bản tình trạng đất sản xuất nông nghiệp ngày càng hạn chế, tình hình biến đổi khí hậu tác động không tốt đến sản xuất truyền thống và yêu cầu tăng hiệu quả sản xuất trên cùng một diện tích.

Bên cạnh ưu điểm, việc đầu tư hệ thống này cũng có nhiều khó khăn như: Dưa lưới là loại cây cần chăm sóc thường xuyên cũng như đòi hỏi trình độ canh tác nhất định; yêu cầu bảo quản dưa lưới sau thu hoạch khá nghiêm ngặt khi phải sơ chế ngay hoặc đưa vào hệ thống bảo quản để đảm bảo chất lượng; chi phí đầu tư khá lớn...

Ông Huỳnh Kim Khánh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh Hòa, cho biết, nhóm thực hiện đề tài đang hoàn tất quy trình kỹ thuật trồng dưa lưới công nghệ cao đạt tiêu chuẩn VietGAP phù hợp với điều kiện tại Khánh Hòa, làm cơ sở để nhân rộng cho nông dân các địa phương trong thời gian tới.

Chi phí đầu tư ban đầu cho 1.000m2 nhà màn cần tối thiểu 80 triệu đồng đối với nhà đơn giản; từ 400 đến 550 triệu đồng cho kiểu nhà kiên cố và hơn 1,2 tỷ đồng cho nhà màn có hệ thống làm mát, có thể điều chỉnh nhiệt độ, có hệ thống mái che 3 lớp di động, khung chịu được sức gió cấp 11-12. Ngoài ra, để đầu tư hệ thống tưới, cần khoảng 50-300 triệu đồng, tùy mức độ công nghệ.

Hồng Đăng
Ý kiến bạn đọc
Top