Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 3 tháng 11 năm 2023 | 20:58

Vẫn còn lơ là trong tiêm phòng vaccine phòng bệnh gia súc, gia cầm

Tại Hội nghị phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024 của Bộ Nông nghiệp và PTNT sáng 3/11 tại Hà Nội, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cho biết, các địa phương còn chủ quan lơ là trong phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm đặc biệt là tiêm phòng vaccine.

Nhân viên thú y tiêm vaccine phòng cúm H5N1 cho đàn gà của gia đình anh Nguyễn Văn Thanh ở thôn Cán Khê, xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh. Ảnh (tư liệu) minh họa: Vũ Sinh/TTXVN

Ông Nguyễn Văn Long cho biết, mặc dù dịch bệnh cơ bản kiểm soát tốt nhưng nguy cơ dịch bệnh luôn hiện hữu và thi thoảng vẫn xảy ra ở địa phương. Một trong những nguyên nhân là địa phương, người dân còn chủ quan lơ là trong tiêm phòng vaccine tập trung.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 6 chương trình kế hoạch về 6 dịch bệnh trọng điểm của ngành chăn nuôi tại Việt Nam. Bên cạnh đó, trong các văn bản chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như tại hội nghị này, các địa phương cần bám sát vào chương trình, rà soát lại các đàn vật nuôi để có kế hoạch phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là tiêm phòng cho vật nuôi kịp thời cũng như tiêm bổ sung với vật nuôi sắp hết hiệu lực.

“Hiện tất cả các loại vaccine được phép lưu hành tại Việt Nam đều có đủ số lượng, đảm bảo chất lượng và có sự giám sát chặt chẽ. Hàng năm, Cục Thú y và các phòng thí nghiệm quốc tế đều đánh giá tình hình lưu hành mầm bệnh và đánh giá vaccine xem có đủ hiệu lực, hiệu quả”, ông Nguyễn Văn Long cho biết.

Riêng về sử dụng vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu phi, Cục Thú y cho biết, số lượng vaccine cung ứng, sử dụng diện mở rộng sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có công văn số 4870/BNN-TY ngày 24/7/2023 là gần 375.000 liều. Số lượng vaccine đã sản xuất và đang bảo quản tại kho của các công ty là trên 2 triệu liều.

Ông Trần Xuân Hạnh, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco cho rằng, trong phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm thì tiêm phòng vaccine kết hợp với chăn nuôi an toàn sinh học là rất quan trọng. Nếu thực hiện được hai việc này thì việc phòng bệnh đạt hiệu quả cao nhất và chi phí cũng thấp nhất.

Theo ông Hạnh, vừa qua, vaccine dịch tả lợn châu Phi đã được chính thức cho phép sử dụng trên diện rộng. Tuy nhiên, thời gian triển khai tiêm phòng vừa qua  cho thấy vẫn gặp khó khăn bởi đây là vaccine mới nên người dân chưa hiểu hết, còn e dè. Bên cạnh đó, người chăn nuôi vẫn còn suy nghĩ khi có bệnh mới tiêm nên không quan tâm đến tiêm phòng chủ động. Ngoài ra, ngay cả nhiều lãnh đạo địa phương còn e dè khi tiếp cận những cái mới. Do đó, ngành chức năng, địa phương cần truyền thống, thông tin để người chăn nuôi hiểu đúng về vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Ông Hạnh kiến nghị xây dựng cơ chế tiêm phòng vaccine bắt buộc từ Trung ương đến địa phương, cùng chính sách hỗ trợ giai đoạn đầu để người dân hiểu, quen về vaccine dịch tả lợn châu Phi.

Cục Thú y cho biết, trong 10 tháng năm 2023, về cơ bản các dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm đang được kiểm soát tốt so với cùng kỳ năm 2022. Bệnh dịch tả lợn châu Phi có số ổ dịch giảm 60% và số lợn bị chết, tiêu hủy giảm 68%; bệnh cúm gia cầm có số ổ dịch giảm 54% và số gia cầm chết, tiêu hủy giảm 63%; bệnh viêm da nổi cục có số ổ dịch giảm 60%; số trâu, bò mắc bệnh giảm 80%; số chết, tiêu hủy giảm 79%.

Nhưng những tháng cuối năm, thời tiết giao mùa, diễn biến phức tạp, gây bất lợi cho sức khỏe đàn vật nuôi và tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh. Việc buôn bán, vận chuyển lợn, giết mổ cuối năm tăng cao dễ làm lây lan nguồn bệnh nếu không được kiểm soát tốt.  Đặc biệt, nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát và lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao vì virus có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền rất phức tạp.

Cục Thú y cho rằng, việc quan trọng nhất hiện nay là tổ chức thực hiện của các địa phương (nhất là cấp huyện, cấp xã), các doanh nghiệp và người chăn nuôi. Để bảo đảm phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo chính quyền các cấp, các cơ quan truyên môn của địa phương tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt. Đặc biệt là khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung vaccine phòng các bệnh, đặc biệt các dịch bệnh nguy hiểm như: dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh, viêm da nổi cục, dại…

Bích Hồng (TTXVN)
https://baotintuc.vn/xa-hoi/van-con-lo-la-trong-tiem-phong-vaccine-phong-benh-gia-suc-gia-cam-20231103120040939.htm
 
Ý kiến bạn đọc
Top