Đây là câu chuyện về gia đình Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Lại Bằng 2, phường Hương Vân (thị xã Hương Trà, Thừa Thiên-Huế) - Hồ Đăng Minh đang canh tác gần 10ha thanh trà, chuối tiêu, rừng keo tràm, sen, đậu…, thu nhập bình quân 40 triệu đồng/tháng.
Thu nhập cao từ việc trồng xen canh
Những năm qua, phong trào nông dân tham gia phát triển kinh tế hộ gia đình vươn lên xoá đói giảm nghèo, làm giàu đã được nhân rộng trên địa bàn phường Hương Vân. Từ các mô hình phát triển kinh tế thiết thực, nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Gia đình ông Hồ Đăng Minh ở thôn Lại Bằng 2 là một điển hình như thế.
Ghé phường Hương Vân hỏi ông Hồ Đăng Minh từ làng trên xóm dưới ai ai cũng biết. Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, không khó để chúng tôi tìm đến nhà của ông Minh. Từ trong nhà đi ra, người đàn ông đứng tuổi với thân hình mảnh mai, khuôn mặt hiền từ luôn nở nụ cười chào đón khách.
Ông Hồ Đăng Minh bên vườn thanh trà xen canh cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.
Sau hồi trò chuyện, dẫn chúng tôi tham quan vườn thanh trà gần 1ha nằm bên bờ sông Bồ , vừa đi ông Minh vừa cho biết: Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, tôi không rời bỏ nghề nông, bám trụ quê cha đất tổ để sản xuất, sinh sống. Năm này qua tháng khác, gia đình cần mẫn canh tác lúa, đậu trên vài ngàn mét vuông đất ruộng và hoa màu của ông bà để lại. Tuy nhiên, kinh tế của gia đình khó khăn, cái nghèo vẫn cứ mãi đeo bám. Trong hoàn cảnh như vậy, là lao động chính, tôi nhiều đêm trằn trọc, tìm hướng đi mới để đưa gia đình thoát khỏi cảnh khó khăn, vươn lên làm giàu bằng sức lao động và trí óc của mình.
“Từ khi bắt đầu chuyển đổi sang mở rộng trồng xen canh cây thanh trà, tôi luôn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào mô hình trồng trọt sản xuất của gia đình. Tôi tham dự nhiều buổi hội thảo, tập huấn về kỹ thuật sản xuất, trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia, các nông dân giỏi. Từ đó vườn cây ăn quả của gia đình cho năng suất khá cao, giúp đời sống kinh tế dần ổn định”, ông Minh tâm sự.
Hiện, gia đình ông Minh canh tác xen ghép 1ha cây thanh trà và cây chuối tiêu, mang hiệu quả khá cao. Cây thanh trà mỗi năm thu nhập trung bình 250- 300 triệu đồng; cùng với đó, 1 tháng gia đình ông thu về 3 - 4 triệu đồng từ chuối tiêu. Ngoài ra, ông Minh còn có 3ha rừng keo tràm, 1 mẫu hồ sen, đậu…, cho thu nhập 70 triệu đồng/năm.
“Thanh trà trồng xen ghép, đây là cách làm rất “chắc ăn”, lấy ngắn nuôi dài, nếu có rủi ro về sâu bệnh, thiên tai thì cây nọ bù cây kia, không “gây hấn” hay cạnh tranh nhau về ánh sáng, cũng không cùng hệ dịch bệnh giống nhau. Nhờ mô hình chuyển đổi thanh trà xen ghép này mà cuộc sống gia đình được cải thiện, con cái có điều kiện ăn học đàng hoàng”, ông Minh vui vẻ nói.
Điển hình về sản xuất giỏi
Với thành tích trong phát triển kinh tế và đóng góp vào hoạt động Hội, tại Hội nghị tổng kết phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đoàn kết làm giàu và giảm nghèo bền vững của phường Hương Vân, nhiều năm, gia đình ông Minh được khen thưởng là hộ nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi.
“Gia đình ông Minh là gương sáng điển hình về làm kinh tế giỏi ở địa phương và được nhiều người noi theo học tập. Mô hình cây thanh trà xen ghép của ông Minh tuy không mới, nhưng cho hiệu quả kinh tế cao, rất đáng để bà con nông dân tham khảo”, ông Trần Văn Hiệp, cán bộ HTX nông nghiệp phường Hương Vân, khẳng định.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND phường Hương Vân, cho biết: Thanh trà là cây trồng chủ lực ở địa phương, có giá trị thu nhập cao hơn nhiều so với các loại cây khác như lúa, hoa màu… Toàn phường Hương Vân hiện có hơn 150ha thanh trà, đang tiến hành thu hoạch 80ha. Cùng với thanh trà, người dân tiến hành trồng xen canh chuối tiêu, lạc (đậu phụng), đu đủ, ngô...
Mỗi tháng gia đình ông Minh thu về 3-4 triệu đồng từ cây chuối tiêu.
“Thu nhập trung bình vườn thanh trà xen canh đạt 250-300 triệu đồng/ha. Nhờ cây thanh trà nên đời sống bà con ở địa phương không chỉ ổn định mà nhiều hộ còn làm giàu, nhà cửa khang trang, phố xá cũng đẹp hơn. Điển hình trong số đó có gia đình ông Hồ Đăng Minh, ông Hồ Khả Vui ở thôn Lại Bằng 1; ông Phạm Bồng ở Lại Bằng 2…”, ông Tuấn thông tin.
Cùng với việc vận động người dân đầu tư hệ thống tưới nước tự động nhằm giảm chi phí, chính quyền địa phương phường Hương Vân đang vận động nông dân cải tạo lại vườn, sắp xếp lại quỹ đất nông nghiệp để phát triển giống cây đặc sản này; hướng dẫn bà con nâng cao kỹ thuật trồng trọt, chăm bón tăng năng suất cây trồng.
Thu nhập từ kinh tế vườn chiếm 70% tổng thu nhập kinh tế hộ Ông Trần Xuân Anh, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Hương Trà, cho biết, nhằm hướng đến nền nông nghiệp bền vững, thị xã tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao trình độ thâm canh; đồng thời tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích nông dân phát triển sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, để tạo ra sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm, đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường, nâng cao thu nhập, hướng đến làm giàu cho người nông dân. Theo số liệu điều tra kinh tế vườn của tỉnh Thừa Thiên-Huế, thu nhập từ kinh tế vườn chiếm 70% tổng thu nhập kinh tế hộ. Tỷ lệ vườn có thu nhập từ 35 - 40 triệu đồng/ha/năm khoảng 65%; 50 - 60 triệu đồng/ha/năm khoảng 25%; 70-80 triệu đồng/ha/năm khoảng 7%; 80 - 100 triệu đồng/ha/năm khoảng 3%. Vườn trồng cây chuyên canh thay thế dần vườn tạp, hiện chiếm khoảng 30%, đầu ra ổn định và tăng hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch làm vườn và tập huấn chuyển giao kỹ thuật thâm canh theo hướng VietGAP trên các cây trồng chủ lực, giúp nông dân thấy được lợi ích từ kinh tế vườn để đầu tư, cải tạo lập vườn trồng chuối, cây ăn quả, cây có múi và các loại cây rau màu như sả, ớt, mía, khoai, sắn, gừng, nghệ, các loại rau, làm hàng rào xanh… Hiện, Thừa Thiên - Huế đã có một số vườn chuyên canh cây đặc sản nổi tiếng như bưởi, thanh trà. Một số vùng trồng thanh trà có diện tích khá lớn như Thủy Biều (thành phố Huế), Hương Vân (thị xã Hương Trà), Phong Thu (huyện Phong Điền)... Các địa phương này đã xây dựng thương hiệu và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận với chủ nhãn hiệu “Thanh trà Huế - Thủy Biều” và “Thanh trà Huế - Phong Thu”. |