Tạo ra giá trị sản phẩm để nâng cao thu nhập cho người dân là mục tiêu đã và đang được các cấp chính quyền huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) quan tâm trên con đường “cán đích” nông thôn mới.
Hạ tầng giao thông tại các xóm của xã Ngư Lộc được mở rộng và bê tông hóa.
Khơi dậy tiềm năng, thế mạnh
Ngư Lộc (Hậu Lộc) là một trong những xã bãi ngang ven biển nên người dân gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế nông nghiệp vì không có đất sản xuất. Khắc phục bất lợi đó, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã tập trung đầu tư phát triển đa dạng các phương thức đánh bắt và chế biến thủy, hải sản để nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo bền vững.
Xã hiện có 212 phương tiện đánh bắt hải sản, tổng sản lượng ước đạt 12.570 tấn/năm, thu hút 1.540 lao động địa phương. Tận dụng lợi thế, chính quyền địa phương đã hỗ trợ người dân thành lập HTX để đẩy mạnh phát triển nghề chế biến hải sản. HTX tổ chức tập huấn cho các hộ sản xuất và cơ sở kinh doanh về quy trình chế biến, bảo quản sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, thực hiện thu mua, bao tiêu thủy sản… HTX cũng đầu tư vốn, tiếp cận chính sách của Nhà nước để giúp hội xã viên vay vốn phát triển đội tàu.
Từ nhu cầu thực tế như: cấp đông, chế biến bột cá, hấp sấy hải sản..., trên địa bàn xã phát triển thêm nhiều doanh nghiệp, HTX, cơ sở kinh doanh. Mỗi năm, các HTX, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, hộ chế biến hải sản trên địa bàn có thu nhập hàng tỷ đồng. Bên cạnh đó, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động địa phương.
Gia đình chị Nguyễn Thị Thủy ở thôn Thắng Lộc (xã Ngư Lộc) là hộ gia đình có hơn 20 năm gắn bó với nghề nướng cá biển. Nghề này không chỉ đem lại thu nhập cao mà còn tạo kế sinh nhai cho người dân nơi đây.
Theo chị Thủy, là vùng đất khó, người dân nơi đây chỉ biết bám biển mưu sinh. Những sản phẩm đánh bắt được chỉ bán ở dạng thô nên giá trị không cao. Gia đình không trực tiếp ra khơi đánh bắt, chỉ thu mua từ ngư dân, rồi sơ chế bán, chủ yếu phục vụ người dân trong vùng và một số địa phương khác.
Vùng quê nghèo Ngư Lộc khoác lên mình màu áo mới.
Những năm qua, nhờ được chính quyền hỗ trợ, ngân hàng cho vay vốn đầu tư, gia đình chị đẩy mạnh chế biến hải sản, mở rộng thị trường, bán hàng qua nhiều kênh, nhờ đó có thu nhập ổn định. Hiện nay, sản phẩm cá nướng của gia đình chị được tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, được các công ty thu mua đưa sang thị trường nước ngoài.
Ông Nguyễn Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc, cho biết: Để nâng cao thu nhập từ nghề biển, Đảng bộ, chính quyền xã luôn chú trọng khâu chế biến thủy, hải sản đánh bắt được. Thay đổi tư duy chế biến thủ công sang áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm tăng số lượng, chất lượng, nhất là an toàn vệ sinh thực phẩm, qua đó nâng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Thời gian tới, cùng với chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đối với vùng ven biển khó khăn, xã sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân đầu tư thuyền để đánh bắt, thành lập doanh nghiệp, tập trung phát huy những sản phẩm truyền thống của địa phương đạt chứng nhận sản phẩm OCOP, đưa sản phẩm tiếp cận thị trường khó tính, từ đó tăng giá trị các sản phẩm.
Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Yến sào xứ Thanh tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương.
Nâng cao thu nhập từ sản phẩm OCOP
Nhận thức rõ việc xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP là cơ hội để nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm truyền thống tại địa phương, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền huyện Hậu Lộc luôn quan tâm, tuyên truyền vận động các đơn vị xây dựng sản phẩm đạt chứng nhận OCOP.
Triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2023, huyện Hậu Lộc thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân..
Hiện, huyện đã xây dựng thành công 17 sản phẩm OCOP được công nhận 3 - 4 sao, với nhiều sản phẩm chất lượng như: giò Hảo Liên, xã Hoa Lộc; đông trùng hạ thảo Thiên Thảo Việt - xã Đa Lộc; rau cải bó xôi, xã Phú Lộc; nem chua Xuân Kỳ, giò lụa Xuân Kỳ, thị trấn Hậu Lộc; Yến sào xứ Thanh xã Hưng Lộc... Đây chủ yếu là những sản phẩm được xây dựng từ sản phẩm truyền thống và những sản phẩm chủ lực, thế mạnh của địa phương.
Đặc biệt, sản phẩm Yến sào xứ Thanh của gia đình anh Nguyễn Văn Tú (xã Hưng Lộc) đã trở thành sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. Thông qua nhiều kênh trưng bày, giới thiệu sản phẩm trong và ngoài tỉnh, sản phẩm của anh được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, từ đó số lượng cũng như giá trị sản phẩm tăng lên, giúp gia đình nâng cao thu nhập, tạo được việc làm thường xuyên cho 15 lao động địa phương với mức thu nhập 5-7 triệu đồng/người/tháng.
Theo anh Tú, với những điều kiện khắt khe để sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, những sản phẩm từ yến của gia đình anh đã chiếm được lòng tin của người tiêu dùng. Trong tương lai, anh sẽ nâng cấp, mở rộng quy mô nhà xưởng, đầu tư máy móc thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm, thương hiệu, đưa sản phẩm yến Hậu Lộc trở thành sản phẩm thương hiệu quốc gia.
Sản phẩm Yến sào xứ Thanh đạt chứng nhận OCOP 4 sao.
Ông Nguyễn Minh Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc, cho biết: OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Do đó, huyện luôn chú trọng thúc đẩy triển khai Chương trình OCOP, nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Có thể thấy, việc xây dựng sản phẩm OCOP đã giúp các sản phẩm này đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ, qua các kênh thông tin, các sàn thương mại điện tử, mang lại nhiều khách hàng, doanh thu và lợi nhuận cao cho chủ thể. Điển hình như 2 sản phẩm Tổ Yến chưng và Tổ Yến sào của Công ty TNHH sản xuất và thương mại Yến sào xứ Thanh. Sau 3 năm tham gia Chương trình OCOP, Công ty đã mở rộng được thị trường, có nhiều đối tượng khách hàng, mang lại doanh thu hàng chục tỷ đồng/năm.
Ông Hoàng cho biết thêm: Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức gắn với thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Tổ chức các lớp đào tạo tập huấn cho các thành viên tham gia OCOP cấp huyện, xã và chủ thể. Mục tiêu của huyện đến năm 2025 phấn đấu có trên 35 sản phẩm OCOP, từng bước xây dựng sản phẩm OCOP huyện thành thương hiệu có khả năng cạnh tranh trên thị trường, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng và hướng tới xuất khẩu.