Đến thời điểm này, ngành lúa gạo Việt Nam đã phát triển vượt bậc, có thể sánh vai với 02 cường quốc lớn như Ấn Độ và Thái Lan trong xuất khẩu gạo, song vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc canh tác, sản xuất.
Tin vui đối với ngành lúa gạo
Ngành lúa gạo Việt Nam đã vượt lên chính mình xóa bỏ được 2 lời nguyền day dứt nhiều năm: Việt Nam xuất khẩu gạo với số lượng lớn nhưng chất lượng lại thấp; luôn gặp khó khăn trong việc tiêu thụ lúa gạo cho nông dân trong vụ hè thu (thu hoạch lúa vào mùa mưa chất lượng lúa gạo kém, phần chế biến và bảo quản cũng bị hạn chế).
Thời gian gần đây, sự thay đổi đã xảy ra khi chất lượng lúa gạo Việt Nam được xác lập vị trí cao trên thị trường thế giới, cũng như người tiêu dùng trong nước có thể mua được gạo Việt rất ngon. Không còn phải mang nhãn mác của gạo ngoại nhập, tin vui liên tục đến khi gạo ST25 của Việt Nam đoạt giải “gạo ngon nhất thế giới năm 2019”.
Hiện tại, giá gạo Việt Nam còn vượt lên cả giá gạo của Thái Lan và Ấn Độ, hai cường quốc xuất khẩu gạo lớn của thế giới. Trong 06 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu 4,27 triệu tấn, trị giá 2,3 tỷ USD (tăng 22,2% về sản lượng và tăng 34,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022). Gạo Việt Nam đã xuất sang thị trường châu Âu khó tính; từ tháng 9/2022 - 6/2023, xuất khẩu gạo sang thị trường Hoa Kỳ tăng 84,8%; sang thị trường EU tăng 82,2%.
Xuất khẩu gạo, Việt Nam đang vươn lên ngôi vị dẫn đầu.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), sau gần 02 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu (EU)-Việt Nam (EVFTA), xuất khẩu gạo của Việt Nam đang dần khẳng định chỗ đứng tại thị trường EU.
Các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao như: ST24, ST25, Jasmine… được người dân khu vực này ưa chuộng. EU cấp hạn ngạch 80.000 tấn gạo với mức thuế suất ưu đãi 0% sau khi EVFTA có hiệu lực thi hành.
Tuy nhiên, năm 2021, lượng gạo thơm của Việt Nam xuất sang EU mới đạt gần 38.000 tấn. Dự báo, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2023 sang thị trường EU sẽ đạt tối thiểu 60.000 tấn.
Kể từ tháng 10/2022, thị trường gạo thế giới đã có những diễn biến bất ngờ khi Ấn Độ - quốc gia chiếm 40% sản lượng gạo xuất khẩu toàn cầu ban bố lệnh hạn chế xuất khẩu mặt hàng này. Đồng thời, Ấn Độ cũng áp thuế xuất khẩu 20% đối với các mặt hàng gạo trắng và gạo lứt (chiếm 60% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Ấn Độ).
Trong bối cảnh nhu cầu gạo toàn cầu tăng cao, động thái này của Ấn Độ đã góp phần giúp mở rộng cánh cửa xuất khẩu cho gạo Việt Nam. Đồng thời, nỗ lực của doanh nghiệp trong việc đa dạng chủng loại gạo xuất khẩu cũng là động lực cho xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Không những đạt lượng xuất khẩu cao, giá trị xuất khẩu gạo cũng tăng trưởng vượt trội. Theo số liệu Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong tháng 10 (9/2022 - 6/2023), gạo 5% tấm của Việt Nam có giá 425-430 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 11/2022 đến nay. Mức giá này cao hơn gạo cùng loại của Ấn Độ 48-51 USD/tấn và Thái Lan 18-23 USD/tấn.
Trong khi đó, tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm giảm 28 USD/tấn, từ mức 435 USD/tấn xuống còn 407 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 7/2022.
Ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice, cho biết, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng cao, hiện gạo 5% tấm đang ở mức 440-450 USD/tấn. Nguyên nhân tăng giá là do nhu cầu nhập khẩu quốc tế những tháng cuối năm tăng cao trong khi nguồn cung hạn chế bởi thời tiết bất lợi ở một số nước trồng lúa.
Những năm gần đây, có nhiều thời điểm giá gạo Việt Nam cao hơn Thái Lan. Việc gạo Việt Nam bán cao hơn gạo Thái là chuyện dần trở nên bình thường, gạo Việt đi sau Thái Lan nhưng đang phát triển nhiều giống lúa mới, nâng cao quy trình sản xuất. Đồng thời, độ tươi mới của gạo Việt cao hơn gạo Thái cùng chủng loại nên ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng.
Giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam tăng cao, nhờ thời gian gần đây, sản xuất gạo Việt Nam có sự dịch chuyển mạnh sang phân khúc gạo thơm và gạo chất lượng cao.
VFA cho biết, phân khúc gạo thơm và chất lượng cao của Việt Nam được sản xuất từ giống lúa Đài Thơm 8, OM 5451, OM 18, những giống không có nước xuất khẩu gạo nào có thể thay thế được. Đây là những giống lúa cho phân khúc gạo đáp ứng nhu cầu thị trường và có tính cạnh tranh rất cao so với phân khúc gạo thơm của Thái Lan, Campuchia…
Bộ Nông nghiệp và PTNT từng đưa ra dự báo, nếu không có những bất thường về thời tiết, dịch bệnh, Việt Nam đủ lượng 6,5-6,7 triệu tấn gạo để xuất khẩu và dự kiến kim ngạch xuất khẩu năm nay đạt khoảng 3,2-3,3 tỷ USD. Tuy nhiên, từ kết quả 10 tháng (9/2022 – 6/2023), đã xuất khẩu hơn 06 triệu tấn với 06 tháng còn lại của năm thì tối thiểu mỗi tháng sẽ xuất đi 600 nghìn tấn, thì ước tính cả năm nay sẽ xuất khẩu 7,2-7,3 triệu tấn gạo. Đây tiếp tục là kết quả khả quan cho gạo Việt Nam, vượt trội so với con số năm 2022 (xuất khẩu 6,2 triệu tấn tương đương 3,3 tỷ USD).
Đối mặt nhiều khó khăn, thách thức
Vượt qua chính mình để có những thành tích đáng kể trong ngành lúa gạo hiện tại, chúng ta vẫn còn đối mặt với những khó khăn và thách thức không nhỏ. Như hiện tượng nhà kính xả ra sau quá trình thu hoạch lúa gạo. Teo số liệu của Tổ chức Lương - Nông Liên Hợp quốc (FAO) năm 2020, lượng khí thải nhà kính trong nông nghiệp của Việt Nam chiếm 18% trên thế giới. Riêng ngành nông nghiệp chiếm 48% trong cả nước.
Việc thu hoạch lúa gạo trong vụ hè thu vẫn chưa có biện pháp tích cực khắc phục, ngoài việc thu mua tạm trữ được hỗ trợ từ Nhà nước và cơ quan chức năng chuyên ngành. Nông dân chưa được tiếp cận nhiều với khoa học công nghệ, kỹ thuật hiện đại để áp dụng vào sản xuất, máy móc và trang thiết bị vẫn chưa đủ để phục vụ sản xuất theo phương hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa…
Đốt rơm rạ sau khi thu hoạch lúa, làm lượng khí thải tăng cao ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường
Sản xuất còn rời rạc, chưa tập trung, nông dân chưa tham gia nhiều vào hợp tác xã. Những thửa ruộng nhỏ nên kết hợp để trở thành những cánh đồng lớn hiện đại, nông dân thiếu liên kết thì không đủ sức mạnh để tạo ra giá trị về chất lượng sản phẩm...