Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 7 tháng 12 năm 2021 | 13:58

Bắc Ninh ngăn chặn dịch bệnh phát sinh trên đàn vật nuôi

Thời điểm cuối năm, nhiệt độ xuống thấp, rét đậm, rét hại là nguyên nhân phát sinh các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi do sức đề kháng giảm, nguy cơ mắc các dịch bệnh truyền nhiễm và chết rét rất cao.

Để tạo miễn dịch chủ động, ngăn chặn dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho đàn gia súc, gia cầm, công tác kiểm soát dịch bệnh, tiêm phòng đại trà cho đàn vật nuôi được ngành chức năng tỉnh Bắc Ninh nâng cao một bước.

 

01.jpg
Khống chế dịch tả lợn châu Phi bùng phát.

 

Thuận Thành phát triển chăn nuôi gắn với kiểm soát dịch bệnh

Hơn 5 năm nay, gia đình ông Phạm Công Quang ở xã Đại Đồng Thành duy trì trang trại chăn nuôi, quy mô gần 2.000 con lợn thương phẩm. Để bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi, ông thường xuyên tiêm phòng đầy đủ các loại vắcxin nên nhiều năm qua không xảy ra dịch bệnh.

Ông Quang còn tuyên truyền, vận động các hộ khác ở địa phương tiêm đầy đủ vắc-xin cho gia súc, gia cầm. Ông Nguyễn Văn Chuyên, nhân viên thú y xã cho biết: “Đại Đồng Thành có quy mô chăn nuôi mỗi hộ không lớn nhưng phân tán trong khu dân cư, nguy cơ dịch bệnh cao, do đó, chính quyền luôn quan tâm công tác tiêm phòng, vệ sinh khử trùng tiêu độc môi trường, bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi. Xã chỉ đạo cán bộ chuyên môn, tuyên truyền viên ở các thôn tuyên truyền ý nghĩa, hiệu quả công tác tiêm phòng đến những người chăn nuôi trên địa bàn.

Trong chiến dịch tiêm phòng đại trà vụ thu đông vừa triển khai, toàn xã đã tổ chức tiêm hơn 3.600 liều vắc-xin dịch tả, 300 liều vắcxin tai xanh, 300 liều vắc-xin lở mồm long móng cho đàn lợn; hơn 40.000 liều vắcxin cúm cho đàn gia cầm, thủy cầm. Tỷ lệ tiêm phòng cho đàn vật nuôi đều đạt hơn 90% tổng đàn thuộc diện tiêm. Phun hơn 300 lít hóa chất, xã trích ngân sách mua 6 tấn vôi bột thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường các khu vực có nguy cơ dịch bệnh đối với đàn vật nuôi”.

Cùng với Đại Đồng Thành, người dân các xã, thị trấn trong huyện Thuận Thành luôn quan tâm công tác phòng ngừa dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhất là ở những xã có số lượng đàn vật nuôi lớn như: Nghĩa Đạo, Đình Tổ, An Bình, Gia Đông... Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp, huyện: Thuận Thành hiện có 2.600 con trâu, bò; 70.000 con lợn, 26.000 chó, mèo và 963.000 con gia cầm. Mặc dù số lượng đàn gia súc, gia cầm không nhiều nhưng phân tán, nhỏ lẻ trong các khu dân cư nên nguy cơ cao phát sinh, lây lan dịch bệnh, nhất là trong giai đoạn người chăn nuôi đang tập trung tăng đàn phục vụ nhu cầu thực phẩm dịp Tết Nguyên đán. Trước nguy cơ trên, Trung tâm  tập trung triển khai tiêm vắcxin, phối hợp với các địa phương vệ sinh khử trùng tiêu độc tạo sự miễn dịch chủ động cho đàn vật nuôi.

Để công tác tiêm phòng và vệ sinh khử trùng tiêu độc môi trường đạt kết quả cao, Trung tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức như truyền thanh trên hệ thống thông tin đại chúng, phát tờ rơi… hướng dẫn kỹ thuật để các tầng lớp nhân dân, người chăn nuôi, cơ sở ấp nở gia cầm, cơ sở giết mổ, buôn bán động vật, sản phẩm động vật thấy rõ lợi ích, tác dụng và tích cực tham gia… Lực lượng cán bộ kỹ thuật từ huyện đến xã chủ động bám sát cơ sở hướng dẫn, giám sát, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác vệ sinh, khử trùng, tiêu độc.

 

02.jpg
Nhân viên thú y xã Ngũ Thái vệ sinh, khử trùng tiêu độc khu vực chuồng trại chăn nuôi.

 

Nhiều biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

Hiện nay, tình hình dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tiếp tục diễn biến phức tạp. Bắc Ninh đã có 503 hộ nuôi lợn thuộc địa bàn 164 thôn, khu ở 66 xã, phường của 8 huyện, thành phố có lợn bị nhiễm bệnh, chết, buộc phải tiêu hủy 4.430 con lợn (352 nái, 3.726 lợn thịt, 352 sữa), tổng trọng lượng 232.611,4 kg.

Trước thực trạng trên, Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh tham mưu với tỉnh nhanh chóng kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh Bắc Ninh; xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản; đôn đốc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cấp bách phòng, chống bệnh DTLCP phát sinh, kiên quyết không để lây lan. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch tiêm phòng đại trà cho đàn gia súc, gia cầm vụ thu - đông; kế hoạch triển khai Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường.

Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Ninh) cho biết: Với tính chất nguy hiểm, đường truyền lây phức tạp, trong khi không có vắcxin đề phòng và thuốc điều trị bệnh DTLCP nên công tác khống chế, dập dịch gặp nhiều khó khăn. Chi cục yêu cầu các Tổ kiểm tra thực hiện nghiêm việc kiểm tra, giám sát tiêm phòng, tổng vệ sinh môi trường và công tác phòng, chống dịch bệnh đặc biệt là bệnh DTLCP tại các địa phương; hướng dẫn điểm có dịch tổ chức tiêu hủy toàn bộ số lợn mắc bệnh DTLCP theo đúng quy trình kỹ thuật; bố trí cán bộ chuyên môn tăng cường bám sát cơ sở, trực tiếp xuống các địa phương có dịch, phối hợp với các cơ quan liên quan cấp huyện hướng dẫn xử lý triệt để các ổ bệnh; tổ chức lấy mẫu giám sát để phát hiện sớm, cảnh báo, xử lý dứt điểm ngay khi phát hiện bệnh DTLCP; dự trù đầy đủ vật tư, hóa chất cấp phát kịp thời cho các địa phương phục vụ công tác phòng, chống dịch. Tăng cường công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, về cơ bản, dịch bệnh chỉ xảy ra ở quy mô nhỏ, số lượng lợn mắc bệnh buộc tiêu hủy không nhiều, đối tượng lợn mắc bệnh chủ yếu là lợn thịt và lợn con. Công tác phòng bệnh đã, đang, tiếp tục được thực hiện nghiêm ngặt, kiên quyết không để dịch bùng phát, ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ sản lượng thịt ở thời điểm cuối năm.

Dịch bệnh được kiểm soát

Cùng với đẩy mạnh các biện pháp phòng bệnh DTLCP, công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi cũng được tỉnh Bắc Ninh triển khai định kỳ theo kế hoạch.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh tiêm 64.185 liều vắcxin cho đàn trâu, bò; 1.167.032 liều vắcxin các loại cho đàn lợn; đàn gia cầm 30.614.785 liều vắc xin các loại; đàn chó, mèo 217.099 liều vắc xin dại. Công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường được thực hiện nghiêm túc, tập trung vào các vùng có dịch, vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm. Toàn tỉnh sử dụng 54.575 lít hoá chất, hơn 2.057 tấn vôi bột; huy động hơn 300.000 lượt người tham gia vệ sinh, thu dọn hàng trăm tấn rác thải đốt, ủ và chôn huỷ, tiêu độc khử trùng được 119,4 triệu m2 chuồng trại, môi trường chăn nuôi, các ổ dịch cũ, các nơi có nguy cơ lây nhiễm cao.

Hiện tại, đàn vật nuôi cơ bản được duy trì ổn định. Ngành chăn nuôi hướng dẫn người nuôi xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh; thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, phòng, chống bệnh DTLCP. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ trên địa bàn tỉnh, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển cho 121.968 con lợn; 17.939.818 con gia cầm; 11.124.137 kg sản phẩm thịt; 3.868.489 quả trứng gia cầm giống…; kiểm soát giết mổ tại cơ sở giết mổ tập trung 1.530 con lợn.

Quy hoạch vùng chăn nuôi bảo đảm an toàn dịch bệnh; hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung sẽ là biện pháp tiên quyết để chủ động kiểm soát, hạn chế và ngăn chặn nguy cơ mầm bệnh phát sinh, lây lan trên đàn vật nuôi, từng bước đưa chăn nuôi trở thành mũi nhọn trong sản xuất nông nghiệp.       

 

 

P.V
Ý kiến bạn đọc
Top