Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 13 tháng 3 năm 2020 | 15:25

Bài 3: Cơ giới hóa phải gắn với thị trường

Xây dựng và phát triển ngành cơ khí nông nghiệp, nâng cao chất lượng máy móc, thiết bị cơ khí trong nước là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa vào sản xuất, chế biến nông sản,...

 

xkgao.jpg
Đổi mới đưa nông nghiệp Việt Nam phát triển vượt bậc.

 

Xây dựng và phát triển ngành cơ khí nông nghiệp, nâng cao chất lượng máy móc, thiết bị cơ khí trong nước là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa vào sản xuất, chế biến nông sản, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.

Nếu không giải quyết được nút thắt về công nghiệp chế biến và cơ giới hóa để sản xuất quy mô lớn thì giấc mơ thoát nghèo và làm giàu từ nông nghiệp sẽ khó thành hiện thực.

Chế biến để chủ động thị trường

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, xuất khẩu tươi là hướng đi quan trọng, nhưng chế biến quan trọng hơn, là sơ sở hạn chế tình trạng được mùa rớt giá.

Báo cáo từ Bộ Nông nghiệp và PTNT ghi nhận một số ngành có tỷ lệ chế biến ở mức thấp như rau, quả khoảng 10%, chè  khoảng 40% nguyên liệu. Ngành gỗ và thủy sản công suất chế biến ở mức cao cũng chỉ đạt từ 65-78% và 95% số cơ sở chế biến nông - lâm sản có quy mô vừa và nhỏ, hộ gia đình. Ở một số ngành hàng có tuổi đời trên 15 năm như chè thì 40% công nghệ chế biến lạc hậu, chắp vá.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, công nghiệp chế biến nông sản tăng nên các mặt hàng nông sản xuất khẩu tăng bình quân 8 -10%/năm, trong đó thủy sản đang là ngành phát triển nhanh nhất. Nhưng đa số sản phẩm nông - lâm sản xuất khẩu dưới dạng sơ chế thô nên giá trị gia tăng ở mức thấp. “Giá trị nông sản chế biến của nước ta thấp hơn từ 15 - 50% so với các sản phẩm cùng loại từ những nước khác đầu tư”, ông Hải nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, thời gian qua, chính sách cho nông nghiệp được ban hành nhiều nhưng chưa tập trung, do đó, cần phải tập trung vào chính sách được coi là “cú đấm thép” tháo gỡ vướng mắc phát triển cơ giới hóa và chế biến nông sản.

Ứng dụng NN công nghệ cao theo chuỗi

Là vùng trọng điểm sản xuất lúa gạo của cả nước, tất cả các khâu trong quy trình sản xuất ở ĐBSCL như làm đất, gieo sạ, thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch đều được cơ giới hóa. Tuy nhiên, mức độ cơ giới hóa ở từng khâu lại có sự khác nhau.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), hiện cơ giới hóa canh tác lúa tại ĐBSCL ở khâu làm đất cơ bản đạt 100%, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp đạt trên 82% và gần 80% khối lượng lúa sấy, từ đó đảm bảo tốt chất lượng sản phẩm và giảm thất thoát sau thu hoạch.

Tuy nhiên, khâu gieo cấy lúa bằng cơ giới hóa đạt tỷ lệ rất thấp, nhất là việc sử dụng máy cấy. Toàn vùng chỉ có khoảng 400 máy cấy, chiếm gần 2% cả nước. Cơ giới hóa sản xuất góp phần giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng hạt lúa thương phẩm. Tuy nhiên, do sản xuất còn manh mún nên khó đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa một cách đồng bộ.

Mục tiêu quan trọng mà ngành sản xuất nông nghiệp hướng đến là áp dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, quá trình này mới chỉ dừng lại ở một vài mô hình, HTX.

Thời gian quan tỉnh  Đồng Tháp đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại và đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất tiên phong ứng dụng công nghệ.

Tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 (xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười), để từng bước tiếp cận công nghệ, HTX đã có một cách làm khá mới, đó là xây dựng cánh đồng canh tác lúa lý tưởng, áp dụng các giải pháp công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp. Vụ đông xuân vừa qua, HTX phối hợp Công ty Rynan Smart Fetilizers (Trà Vinh) thực hiện thí điểm mô hình trồng lúa thông minh (7,6ha).

Theo các chuyên gia, việc thúc đẩy cơ giới hóa, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL còn gặp nhiều khó khăn do các chuỗi giá trị nông sản chưa hình thành, chuỗi liên kết còn chưa chặt chẽ với các nhà phân phối, thị trường tiêu thụ quốc tế; đất sản xuất còn phân bổ manh mún. Trong khi đó, quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp diễn ra chậm, chưa đồng bộ về thủ tục pháp lý.

Cũng như vậy, với sản xuất trái cây, công nghệ chế biến lạc hậu cũng ảnh hưởng rất nhiều tới chất lượng. Các dây chuyền chế biến hoạt động chưa đồng bộ, có khâu được tự động hóa song vẫn tồn tại nhiều khâu thao tác thủ công như ngâm rửa, gọt vỏ, phân loại và đóng bao bì; khả năng truy xuất nguồn gốc thấp.

Cùng với đó, lao động thủ công cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về môi trường và sức khỏe người nông dân. Việc bón phân thủ công quá mức, thiếu kiểm soát đã tạo ra dư lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật vượt quá mức cho phép.

Phải gắn với thị trường

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), cho rằng, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia chế biến và xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất khu vực. Nhưng vẫn còn các thách thức cần vượt qua, đó là việc xây dựng nguồn nguyên liệu bản địa. Nhà nước cần mạnh dạn triển khai những chương trình tín dụng để người dân có điều kiện theo đuổi việc trồng cây lâu năm...

Thách thức thứ hai là nguồn nhân lực. Nhu cầu nhân lực không chỉ là lao động phổ thông mà cần ở tất cả các ngành, từ thiết kế - sáng tạo đến kinh doanh, marketing, tài chính, công nghệ... Giáo trình đào tạo chuyên ngành cần được cập nhật mới, gắn với nhu cầu doanh nghiệp (DN) và quy hoạch phát triển của ngành.

Ngành công nghiệp nội ngoại thất toàn cầu có giá trị hàng hóa lên đến 450 tỷ USD, lớn hơn rất nhiều lần so với giá trị sản xuất gia công, chỉ 140 tỷ USD. Để khai thác giá trị gia tăng cao hơn, DN phải hội tụ được các yếu tố, đó là thiết kế, thương hiệu, phân phối thương mại. Nhưng trên hết là việc thay đổi tầm nhìn, định hướng dài hạn.

Từ thực tế trên, HAWA đề xuất Nhà nước nhanh chóng xây dựng trung tâm triển lãm quy mô quốc tế xứng tầm khi Việt Nam trở thành nước chế biến và xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất khu vực.

Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vinamit, cho biết, hơn 30 năm trong nghề chế biến nông sản, bài học mà tôi rút ra được cũng là điều quan trọng nhất trong ngành sản xuất nông nghiệp và chế biến thực phẩm là phải tìm được thị trường. Đầu tư nhà máy chế biến nông sản hoành tráng, thiết bị công nghệ hiện đại cũng sẽ trở nên vô nghĩa khi chưa có thị trường ổn định. Việc nâng cao tỷ lệ chế biến, gia tăng giá trị sản phẩm là điều cần thiết, nhưng khi nào bắt tay vào làm lại là một câu chuyện phải được tính toán cụ thể. Vì vậy, nếu chưa nắm chắc thị trường thì chưa nên vội vàng.

 DN phải xây dựng cho được thị trường nội địa, thị trường xuất khẩu, hoạt động này rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua việc đàm phán cấp chính phủ, giúp DN mở thêm thị trường mới. Các giải pháp hỗ trợ thu hút DN đầu tư thay đổi công nghệ cần cụ thể, có thể tiếp cận được. Phải có vốn mới nói đến đầu tư hay thay đổi công nghệ. Chính sách cần làm sao giúp DN tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi từ ngân hàng, với thủ tục đơn giản như tín chấp hay thế chấp ngay với thiết bị nhập khẩu.

Lựa chọn DN “đầu tàu”

Nhắc lại nhận định của nhiều nhà đầu tư khi cho rằng nông nghiệp Việt Nam không chỉ đủ ăn mà có thể làm giàu được, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đây chính là cơ hội, niềm tin mới của chúng ta để phát triển mạnh mẽ sản phẩm, đặc sản thế mạnh rất đa dạng ở từng địa phương.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý, tình trạng lãng phí và thất thoát trong nông nghiệp vẫn còn cao; cơ giới hóa còn thấp nên dẫn đến năng suất lao động còn hạn chế. Do đó, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần lắng nghe, tiếp thu, tháo gỡ, tạo điều kiện cho hộ nông dân, HTX, DN nông nghiệp phát triển để đón thời cơ mới.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT  Nguyễn Xuân Cường cũng cho rằng, cần lựa chọn DN “đầu tàu” có đủ năng lực về vốn, khoa học công nghệ và thị trường để dẫn dắt chuỗi giá trị vận hành một cách thông suốt, hiệu quả như: Cụm liên kết vùng trồng lúa gắn với cơ sở xay xát, bảo quản tại các tỉnh ĐBSCL và Đồng bằng sông Hồng; Cụm liên kết vùng nuôi tôm nước lợ và cá tra gắn với cơ sở chế biến đông lạnh xuất khẩu tại các tỉnh, thành ĐBSCL; Cụm liên kết vùng trồng rau và cây ăn quả gắn với cơ sở bảo quản, chế biến rau quả xuất khẩu tại các tỉnh ĐBSCL, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ...

Trước đây, trong sản xuất nông nghiệp, nông dân thường áp dụng theo phương thức thủ công. Trong làm đất, chủ yếu dùng trâu kéo cày bừa, xới đất, dùng sức người. Phương thức thu hoạch, sản xuất nông nghiệp như vậy đã kéo dài nhiều năm. Có thời điểm mùa thu hoạch trùng với mùa hè, nông dân phải ra đồng từ 4-5 giờ sáng để tránh nắng, rất vất vả, mệt nhọc.

Việc đưa cơ giới hóa vào áp dụng đã thay đổi hẳn phương thức thu hoạch, sản xuất nông nghiệp, tạo được sự đột phá mạnh mẽ về quy hoạch, hiệu quả canh tác và thu nhập cho nông dân. Vài năm trở lại đây, các thiết bị cơ giới đang từng bước đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn. Các loại máy móc phục vụ sản xuất được nông dân đầu tư mua sắm ngày càng nhiều, như: máy cày, bừa, gặt, tuốt lúa, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong sản xuất nông nghiệp.

Có thể nói, cơ giới hóa và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp sẽ tạo nền tảng phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững, giải phóng được sức lao động của người nông dân; tiết kiệm chi phí, thời gian sản xuất; cải thiện chất lượng nông sản phẩm; góp phần tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích canh tác.

 

Bài 4: Khi phát minh sáng chế chủ yếu của kỹ sư nông dân

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh Hóa thu ngân sách đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ

    Thanh Hóa thu ngân sách đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ

    Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tỉnh Thanh Hóa năm 2024, tại phiên họp thường kỳ tháng 11/2024, thu ngân sách Nhà nước tỉnh Thanh Hóa dự kiến đạt hơn 50 nghìn tỷ đồng, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ.

  • Du lịch sinh thái ở Cà Mau: Tiềm năng và vận hội

    Du lịch sinh thái ở Cà Mau: Tiềm năng và vận hội

    Cà Mau được thiên nhiên ưu đãi với địa lý, thiên nhiên án ngữ vùng cực Nam của Tổ Quốc. Nơi đây tồn tại 3 hệ sinh thái ngập nước ngọt, lợ, mặn riêng biệt, tạo nên một môi trường phát triển kinh tế thuận lợi. Đối với du lịch, môi trường tự nhiên của tỉnh này đang là tiềm năng, vận hội mới cho ngành công nghiệp không khói phát triển.

  • Kỳ vọng của Quỹ tín dụng nhân dân đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới

    Kỳ vọng của Quỹ tín dụng nhân dân đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới

    Bài viết này tập trung vào chính sách bảo hiểm tiền gửi (BHTG) đối với hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) trong nền kinh tế thị trường; vai trò của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) đối với hệ thống QTDND trong thời gian qua, những đóng góp tích cực và những mặt còn hạn chế.

Top