Hàng loạt vụ việc tiêu cực của ngành hải quan bị phanh phui gần đây cho thấy đã và đang tồn tại lỗ hổng lớn về trách nhiệm và công vụ của lực lượng này.
Sau nhiều nỗ lực của ngành Tài chính, lực lượng Hải quan vẫn bị “tố” để xảy ra nhũng nhiễu trong nhiều vụ việc.
Câu chuyện hải quan bị “tố” làm luật không còn là mới và hiếm gặp ở Việt Nam; tuy nhiên, sau khi có phản ánh, tố cáo tiêu cực, nhũng nhiều xảy ra, nhiều vụ việc chưa được làm rõ, chưa được xử lý nghiêm minh, công tác xử lý cán bộ còn chưa đảm bảo tính răn đe, mang nặng hình thức khiến dư luận hoài nghi đặt câu hỏi, phải chăng đã từ lâu, ngành hải quan đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng, tiêu cực?
Và nghi vấn của người dân không phải không có cơ sở.
Đã có lần, người đứng đầu ngành tài chính đã thẳng thắn thừa nhận, mỗi năm kỷ luật trên dưới 300 cán bộ thuế, hải quan. Mới đây, Tổng cục Hải quan tiếp tục phát đi văn bản yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật về chống người thi hành công vụ.
Thế nhưng, người dân không chỉ trông chờ ngành tài chính xử lý vụ này, vụ kia bằng giải pháp tình thế trước mắt, để dư luận êm ả rồi đâu lại đóng đó, mà còn đòi hỏi phải làm sao có chính sách, biện pháp, chế tài giải quyết được nạn quan liêu, tham nhũng một cách cơ bản và triệt để.
Họ không chấp nhận việc cứ nhắc đi nhắc lại mãi về “luân chuyển, luân phiên, điều động, định kỳ chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, công chức, đặc biệt tại các vị trí nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, khắc phục tình trạng trì trệ, cục bộ”, nhưng lại xảy tình trạng “ổ” tiêu cực này đi, “bộ sậu” tham nhũng mới lại đến.
Những cảnh đưa - nhận chớp nhoáng của nhân viên "chạy lệnh" và các cán bộ hải quan. Ảnh Báo Lao động
Và mới đây, sau quyết tâm chấn chỉnh của ngành tài chính, hải quan chưa bao lâu, ngày 9/4, vụ việc chấn động khi người dân và doanh nghiệp phải chi tiền bôi trơn cho các cán bộ Hải quan Hải quan Hải Phòng khi đến làm thủ tục thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu bị phanh phui.
Nói về câu chuyện đáng buồn của lực lượng Hải quan thời gian qua, ông Nguyễn Dương Thái – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho rằng, rõ ràng, ngành Hải quan cần phải rà lại quy chế, cách thức, xem xét xử lý với các hiện tượng tiêu cực sai phạm của công chức.
“Tổng cục Hải quan đã sớm nhận thức được vấn đề và có quy định xử lý trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp có những tiêu cực, sai phạm trong lực lượng Hải quan. Lần này chúng tôi sẽ rà lại những quy định đó và làm thế nào khi thực thi những quy định về phòng, chống tiêu cực, tham nhũng thì được thường xuyên, chặt chẽ, hiệu quả hơn”, ông Nguyễn Dương Thái – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan nhấn mạnh.
Vụ việc có dấu hiệu tiêu cực của Hải quan Hải Phòng đã được kiểm tra, xử lý, bước đầu những cán bộ để xảy ra sai phạm bị đình chỉ công tác. Thế nhưng, đối với những vụ việc tại Hải quan sân bay Nội Bài dường như lại có diễn biến hoàn toàn trái ngược.
Nhớ lại vụ việc công chức hải quan có thái độ chưa đúng mực trong giao tiếp với hành khách tại sân bay quốc tế Nội Bài trong khi làm thủ tục, tiếp xúc với 2 hành khách trên chuyến bay số VN 385 từ Nhật Bản về Hà Nội ngày 17/12/2017.
Hình ảnh từ clip được đưa lên mạng xã hội tố cáo bị làm luật ở sân bay quốc tế Nội Bài xảy ra ngày 17/12/2017.
Liên quan đến vụ việc này, ngoài hai công chức hải quan là Mai Thế Hưng và Đỗ Thế Lượng đã xác định được các vi phạm là mặc trang phục không đúng với quy định của ngành; giao tiếp với hành khách không đúng mực, bị tạm đình chỉ công tác, tiếp tục xem xét các hình thức kỷ luật. Cục Hải quan thành phố Hà Nội cũng đã yêu cầu 6 công chức gồm 3 công chức có mặt trong clip, 2 lãnh đạo Đội, 1 Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài phụ trách ca làm việc tạm thời dừng nhiệm vụ để xác định trách nhiệm liên quan trong sự việc.
Tuy nhiên, sau khi Cục Hải quan Hà Nội rà soát, xem xét lại đội ngũ cán bộ, công chức hải quan tại khu vực sân bay quốc tế Nội Bài thì ngày 4/4 vừa qua, một hành khách khác trở về trên chuyến bay VN 553 từ Thành Đô (Trung Quốc) về Hà Nội tiếp tục phản ánh tình trạng Hải quan sân bay Nội Bài có thái độ thiếu chuẩn mực, gây khó khăn, sách nhiễu đối với người dân khi làm thủ tục hải quan.
Phải chăng khác với sự lộ liễu của các cán bộ Hải quan Hải Phòng, thì các cán bộ, công chức của Hải quan Nội Bài tỏ ra “kín đáo” hơn nên chỉ bị phê bình bằng miệng, xử lý trên giấy rồi cho qua mọi việc như chưa có chuyện gì xảy ra.
Chị Đ.T.H (trú tại Mỹ Đình 1, Hà Nội) cho biết: “Ngay sau khi hạ cánh xuống Hà Nội lúc 17 giờ 15 phút chiều 04/4. Sau khi qua máy soi xong, một anh nhân viên hải quan yêu cầu tôi mở hành lý ra để kiểm tra, tôi đã làm đúng tất cả những gì nhân viên hải quan yêu cầu.
Hành lý tôi mang về để làm quà biếu những người thân quen, gồm: 50 hộp trà, 10 hộp nhang, 40 hộp thuốc Thanh Tâm đông dược, 2kg thịt bò khô, 10 hộp thuốc ngậm ho đông dược… Sau khi kiểm tra, người này gọi thêm 3 nhân viên nữ vào và trao đổi với nhau, trường hợp này phải báo cáo lãnh đạo để xử lý, nhưng kiểm tra hộ chiếu xem là hộ chiếu thường hay là hộ chiếu công vụ đi rồi điện thoại báo cáo ngay cho chị Linh Đội phó”.
“Chị Linh Đội phó này là ai mà quyền lực đến vậy. Phải chăng chị Linh mà các công chức Hải quan Nội Bài nhắc đến với chị Linh trong vụ việc xảy ra đối với 2 mẹ con trở về từ Nhật Bản ngày 17/12/2017 là một người. Thật không thể hiểu được, trước báo chí và truyền thông, Hải quan Hà Nội đã nói đình chỉ công tác của một số cán bộ đối với vụ việc này rồi cơ mà” – Chị Đ.T.H bất bình.
Theo chị Đ.T.H, sau 7 ngày sự việc xảy ra, hành lý của tôi bị giữ vẫn đang nằm lại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài mà không có bất cứ một thứ giấy tờ hay thủ tục kiểm đếm nào.
Hóa đơn mua bán hàng hóa của chị Đ.T.H
“Số lượng hành lý tôi mang về làm quà tặng ngày 4/4/2018 có tổng trị giá là 2.550¥ (tức là 9.180.000 đồng). Tôi không sai phạm gì cả, hoá đơn tôi cầm trong tay bao gồm 1 hoá đơn mua hàng và 1 hoá đơn đặt hàng (đặt hàng nghĩa là tôi vẫn chưa cầm về, cuối tuần này tôi lại quay trở lại Thành Đô mới lấy nốt số hàng của tôi đặt về làm quà). Tôi có đầy đủ hình ảnh hoá đơn và phiếu đặt vé máy bay để làm bằng chứng. Vậy sai phạm của tôi ở đây là gì mà có quyền giữ hành lý của tôi một cách trái phép như vậy? Nếu xảy ra thất thoát, mất mát với hành lý của tôi, ai sẽ là người chịu trách nhiệm” - Chị Đ.T.H nói.
Lô hành lý của chị Đ.T.H bị giữ tại sân bay Nội Bài. Ảnh người dân cung cấp
Cũng liên quan đến vụ việc, để rộng đường dư luận, chiều ngày 10/4 phóng viên đã trao đổi qua điện thoại với ông Nguyễn Văn Trường - Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nội để đặt lịch làm việc. Ông Trường cho biết, sẽ giao cho người có trách nhiệm trao đổi với phóng viên các nội dung liên quan.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi có thông tin phản hồi chính thức từ Cục Hải quan Hà Nội.
Theo Phan Anh Tuấn
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.