Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 14 tháng 10 năm 2016 | 9:10

Bị tố “hành” doanh nghiệp, Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều dấu hiệu sai phạm của Cục chống buôn lậu Hải quan

Là doanh nghiệp đi đầu phát triển loại hình kinh doanh dịch vụ hàng hóa chuyển khẩu còn khá lạ lẫm với nhiều người Việt Nam; vậy nhưng, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Thương mại Phương Hải Anh đang trong tình cảnh “dở sống, dở chết” vì bị Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) “chăm sóc” quá kỹ càng.

Cảng Quy Nhơn, tỉnh Bình Định (Ảnh minh họa).

Doanh nghiệp khánh kiệt… vì Hải quan giữ hàng!

Theo Điều 30 Luật Thương mại, chuyển khẩu hàng hóa là việc mua hàng từ một nước, vùng lãnh thổ để bán sang một nước, vùng lãnh thổ ngoài lãnh thổ Việt Nam mà không làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và không làm thủ tục xuất khẩu ra khỏi Việt Nam. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa kinh doanh chuyển khẩu thực hiện theo Điều 89 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính.

Là một trong những doanh nghiệp đầu tiên tiếp cận loại hình kinh doanh mới, tháng 6/2016, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Thương mại Phương Hải Anh (Công ty Phương Hải Anh) có trụ sở tại tầng 1, tòa nhà Packsimex, 52 Đông Du, phường Bến Nghé, quận 1, TP. Hồ Chí Minh ký hợp đồng mua thuốc lá điếu với các công ty đến từ Đức, Hồng Kông (Trung Quốc), Philippines, Singapore..., tập trung đưa vào kho giám sát của Hải quan, sau đó xuất khẩu toàn bộ sang Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). 

Sau khi lô hàng gồm 4 containers lần lượt cập cảng Quy Nhơn vào các ngày 28/7 và 08/8, thì tới ngày 23/8/2016, Hải đội Kiểm soát trên biển khu vực miền Trung (Hải đội 2) mời đại diện Công ty Phương Hải Anh đến để làm việc. Trong buổi làm việc, bà Dương Thị Hải Hà - Quyền Giám đốc Công ty Phương Hải Anh cho biết, sẽ khai báo lô hàng theo loại hình chuyển khẩu và giải thích lý do đang xin giấy phép của Bộ Công Thương nên chưa khai báo lô hàng.

Ngày 05/09/2016, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương có Công văn số 834/XNK-TMQT phúc đáp Công ty Phương Hải Anh về việc kinh doanh chuyển khẩu thuốc lá, theo đó, doanh nghiệp kinh doanh chuyển khẩu mặt hàng thuốc lá được làm thủ tục tại các cơ quan hải quan, không phải có giấy phép chuyển khẩu của Bộ Công Thương.
 
Văn bản phúc đáp của Cục Xuất nhập khẩu khẳng định doanh nghiệp kinh doanh chuyển khẩu mặt hàng thuốc lá được làm thủ tục tại cơ quan Hải quan, không phải có giấy phép của Bộ Công Thương.
 

Quyết định số 04/QĐ-HDD2 do ông Lê Ngọc Thuyết, Hải đội trưởng Hải đội 2 khám lô hàng của Công ty Phương Hải Anh.

Văn bản số 502/CCTT-P2 của Cục Chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ về việc chuyển đơn tố cáo tới Tổng cục Hải quan.

Ngày 07/9/2016, mặc dù Công ty Phương Hải Anh đã trình văn bản của Bộ Công Thương và Tổng cục Hải quan đề nghị được xem xét thỏa đáng, ông Lê Ngọc Thuyết, Hải đội trưởng Hải đội 2 vẫn ký quyết định khám lô hàng của doanh nghiệp, đến nay vẫn chưa có kết luận. Kết quả khám cho thấy, tên hàng hóa, số lượng, chủng loại đúng như trên vận đơn, packing. 

Tiếp đó, ngày 12/9/2016, ông Nguyễn Phi Hùng - Cục trưởng Cục ĐTCBL ký công văn số 998/ĐTCBL-P4 gửi cho hãng tàu JGL, trong công văn nêu rõ: “Trong mọi trường hợp thay đổi manifest, vận đơn đề nghị quý công ty/hãng tàu thông báo cho Cục ĐTCBL biết và chỉ thay đổi manifest, vận đơn sau khi có văn bản trả lời của Cục ĐTCBL”. 

Liên tục bị làm khó trong suốt một thời gian dài, bà Dương Thị Hải Hà - Quyền Giám đốc Công ty Phương Hải Anh bức xúc cho rằng: “Theo thông lệ quốc tế, việc hãng tàu điều chỉnh vận đơn, manifest là do chỉ định của người gửi hàng và vẫn thường thực hiện với các lô hàng nếu có phát sinh cho đúng thủ tục khai báo, trong khi lô hàng của chúng tôi không bị cưỡng chế, không bị khởi tố, vậy tại sao Cục ĐTCBL lại tiến hành ngăn chặn như vậy”. 

Và dường như càng đưa ra nhiều các vướng mắc, đề nghị các cơ quan chức năng sớm giải quyết thì doanh nghiệp Phương Hải Anh lại càng nhận được sự “quan tâm, chăm sóc” đặc biệt từ phía Cục ĐTCBL. Liên tiếp chịu các đòn giáng mạnh, cuối giờ chiều ngày 30/09/2016, Cục ĐTCBL có Công văn số 1096/ĐTCBL-P4 gửi Cục Hải quan Bình Định thông báo kết quả xác minh các lô hàng thuốc lá đã được hãng tàu bàn giao cho người vận đơn là Công ty Dongxing Weinian. 

Quá sốc trước các văn bản do Cục ĐTCBL đưa ra, bà Dương Thị Hải Hà lập tức “phản pháo” tới Tổng cục Hải quan. Theo đó, bà Hà đưa ra lập luận cho rằng: “Ngày 08/8/2016 đại lý của hãng tàu Cosco tại Quy Nhơn đã phát lệnh giao hàng số 17/08 gửi cho đội quản lý container Cảng Quy Nhơn đề nghị giao lô hàng 2 container CBHU8896336 Vd UETU5199113 cho Công ty Phương Hải Anh. Và ngày 15/8/2016, hãng tàu MSC Việt Nam đã phát hành lệnh giao hàng số 1607B0035 đề nghị giao 2 container CXDU2157685 và TEMU8295201 cho Công ty Phương Hải Anh”.

“Bên cạnh đó, chúng tôi còn có thư xác nhận của người gửi hàng yêu cầu hãng tàu và các đại lý liên quan giải phóng, giao hàng ngay cho Công ty Phương Hải Anh. Nếu cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho mình và chứng minh tính trung thực của thư xác nhận người giao hàng, công ty chúng tôi sẽ đến văn phòng thừa phát lại của Sở Tư pháp để lập vi bằng trên thư điện tử. Lý do người giao hàng gửi thư xác nhận trên là vì những ngày qua, đối tác của chúng tôi (Tập đoàn Von Eicken GMBH sản xuất thuốc lá hoạt động tại 23 quốc gia trên thế giới) phàn nàn rằng, có tổ chức tự xưng là cơ quan chức năng của Việt Nam gửi cho công ty hoạt động tại nước ngoài mời về Việt Nam không đúng quy trình, không đủ vai trò thẩm quyền” - bà Dương Thị Hải Hà đưa ra nhận định.

Ngoài ra, bà Dương Thị Hải Hà còn bức xúc cho biết: “Nếu các cơ quan chức năng giữ nguyên cách xử lý vụ việc như hiện tại là đang làm khó cho doanh nghiệp chúng tôi, trong khi hàng chúng tôi là chuyển khẩu thì hàng hóa không làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam mà cảng đến cuối cùng thì do Công ty Dongxing Weinian làm thủ tục nên tên công ty chúng tôi được thể hiện là NOTIFY PARTY trên vận đơn, Công ty Dongxing Weinian không có trụ sở tại Việt Nam, không đăng ký hoạt động kinh doanh tại Việt nam thì làm sao họ được giao hàng tại Việt Nam”.

Không phải chỉ có thế, vào cuối giờ chiều ngày 04/10/2016, phía Công ty Phương Hải Anh nhận được giấy mời 9 giờ sáng ngày 05/10/2016 làm việc với Hải đội 2 để mở kho lấy mẫu. Do thông báo quá gấp gáp nên bà Dương Thị Hải Hà đang công tác Hà Nội không thể kịp có mặt tại Quy Nhơn theo thời gian ghi trong giấy mời. Tuy nhiên, khi kết luận khám lô hàng ngày 07/9/2016 còn chưa được ban hành, liên tiếp trong các ngày 05/10/2016 (2 lần mở niêm phong hải quan), 06/10/2016 (2 lần mở niêm phong hải quan) tại kho CFS của Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn, mặc cho sự vắng mặt của đại diện Công ty Phương Hải Anh, lực lượng Hải quan tỉnh Bình Định và Hải quan Hải đội 2 đã tiến hành khám xét hàng hóa trong kho của doanh nghiệp, mà không chứng minh được bất kỳ sai phạm gì của Công ty Phương Hải Anh.

Tạm thời chưa bàn tới nội dung kiểm tra của phía hải quan, chưa khẳng định Công ty Phương Hải Anh có vi phạm pháp luật hay không vì chưa có kết luận cuối cùng, nhưng cách kiểm tra, tạm giữ lô hàng hóa kéo dài nhiều tháng, và cách hành xử của lực lượng hải quan Bình Định và Hải đội 2 đã gây ra rất nhiều hệ lụy, phiền toái, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất kinh doanh gây thiệt hại đến uy tín kinh doanh, tài sản của doanh nghiệp.

Thanh tra Chính phủ “chỉ mặt” dấu hiệu sai phạm của Cục Điều tra chống buôn lậu

Quá uất ức với cách làm việc của Cục ĐTCBL, lần 1 khám hàng không phát hiện dấu hiệu sai phạm và chưa có câu trả lời rõ ràng, thỏa đáng cho doanh nghiệp thì lần 2 lại tiếp tục vào kho khám xét một cách bất thường, bà Dương Thị Hải Hà - Giám đốc Công ty Phương Hải Anh đã làm đơn tố cáo “Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan gây nhũng nhiễu, khó khăn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của doanh nghiệp” gửi tới Thanh tra Chính phủ.

Sau khi nghiên cứu hồ sơ và các tài liệu gửi kèm, ngày 12/10/2016, Cục Chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ đã ban hành văn bản số 502/CCTT-P2 về việc chuyển đơn tố cáo tới Tổng cục Hải quan.

Theo đó, Cục Chống tham nhũng nhận thấy, “Việc khám 4 container từ ngày 07/9/2016, không phát hiện sai phạm, không ban hành quyết định tạm giữ nhưng Cục Điều tra chống buôn lậu lại niêm phong hàng hóa tới nay (07/10/2016) không ban hành quyết định xử lý là chưa đúng quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và Hải quan. Việc này có thể ảnh hưởng tới chất lượng hàng hóa (thuốc lá) và hoạt động bình thường của doanh nghiệp.

Việc khám kho của doanh nghiệp khi chưa có yếu tố khẩn cấp mà không có sự chứng kiến và mở kho của doanh nghiệp là không phù hợp với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, có thể gây bức xúc cho doanh nghiệp và ảnh hưởng tới hình ảnh của cơ quan Hải quan (kết quả khám không phát hiện sai phạm).

Đề nghị Tổng cục Hải quan quan tâm đến ý kiến doanh nghiệp (Cv26/2016/PHA-TCHQ, ngày 26/9/2016, Cv29/2016/PHA-TCHQ, ngày 01/10/2016) và sớm xử lý dứt điểm vụ việc theo quy định của pháp luật.

Căn cứ quy định của pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo, Cục Chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ chuyển đơn (cùng tài liệu kèm theo) của bà Dương Thị Hải Hà, Giám đốc Công ty Phương Hải Anh để Tổng cục Hải quan xử lý theo thẩm quyền và thông báo kết quả về Cục Chống tham nhũng”.

Tuy vậy, cho tới nay, Cục Hải quan tỉnh Bình Định và Cục ĐTCBL (Tổng cục Hải quan) vẫn “phớt lờ” văn bản của Cục Chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ, khiến cho Công ty Phương Hải Anh cùng người lao động rơi vào cảnh lao đao, suy kiệt vì mất uy tín với bạn hàng và đối tác, vì đó mà hoạt động kinh doanh bị ngừng trệ, ảnh hưởng, lãnh đạo Công ty mất rất nhiều thời gian cho việc giải trình kéo dài, không thể tập trung cho công việc sản xuất kinh doanh, gây ra vô vàn khó khăn, dẫn đến nguy cơ thất thu tài sản và tài chính đối với Công ty Phương Hải Anh.

Thay vì tạo điều kiện về môi trường thuận lợi, cơ chế thông thoáng để khai thác tối đa dịch vụ cảng, kho, bến bãi cũng như sự giúp đỡ chia sẻ về mặt thủ tục, vậy nhưng cách hành xử của các cơ quan chức năng đã và đang “bóp nghẹt” loại hình kinh doanh đầy tiềm năng phát triển tại Việt Nam, mà Công ty Phương Hải Anh là doanh nghiệp đang đi đầu trong lĩnh vực này. Đẩy doanh nghiệp vào tình cảnh khó khăn vì phát sinh quá nhiều chi phí: Lưu containers, hàng hóa để ngoài nắng gắt chất lượng thuốc lá mất hết tinh dầu, tàu sắp vào lấy hàng để xuất thì cứ dập dềnh ngoài khơi gây nhiều thất thoát, lãng phí.

Nhưng quan trọng là niềm tin của hàng nghìn doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực xuất nhập khẩu đang xói mòn nghiêm trọng. Chính điều này hoàn toàn đi ngược với tinh thần của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là “Đừng coi doanh nghiệp là đối tượng quản lý mà là đối tượng phục vụ” và trái với tinh thần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển của Luật Doanh nghiệp.

Ánh Sáng/Hoanhap.vn

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top