Cây cầu thép vượt đường sắt dành cho người đi bộ tại xã Quang Trung, thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa vấp phải sự phản đối quyết liệt của dư luận vì sự lãng phí, phản cảm, kém hiệu quả trong đầu tư, khai thác, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Xót xa công trình xây dựng trên sự phản cảm
Có thể nói, đành rằng từ nhiều năm nay, người dân xã Quang Trung, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa khao khát có một cây cầu vượt; thế nhưng thay vì được xây dựng ở ngã tư Bỉm như dự kiến thì vị trí hiện tại của cây cầu thép vượt đường sắt đã khiến người dân tại thôn 3, 4, 5 xã Quang Trung vô cùng bức xúc bởi công trình tiền tỉ được dựng lên đang ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, sinh hoạt của họ.
Xã Quang Trung thuộc Thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa là một xã thuần nông nghèo nằm vắt ngang đường sắt và đường bộ QL 1A, phía Đông gồm 3 thôn với trên 430 hộ và hơn 1.700 nhân khẩu, đây là vùng canh tác chủ yếu của nhân dân trong xã, còn phía Tây là vùng bán sơn địa.
Trụ sở chính quyền xã Quang Trung và các công trình văn hóa, giáo dục, xã hội, diện tích đất canh tác đều nằm ở phía Đông Nam của đường sắt và đường bộ, nên khi xây dựng cầu vượt đường sắt cho người đi bộ đã bịt lối đi cũ, cản trở đến sản xuất, sự đi lại và hoạt động của nhân dân trong xã, nhất là sự bất cập đối với người lớn tuổi, phụ nữ và các cháu học sinh khi đến trường là rất khó khăn khi leo qua cầu vì độ dốc, độ cao của cây cầu.
Sự nguy hiểm của dân cư địa phương phải đối mặt gia tăng gấp bội khi xuống cầu là ngã tư QL 1A không đèn đỏ, không gác chắn, xe cộ lưu thông hỗn độn với tốc độ cao.
Lập luận về sự phung phí, lãng phí, bất cập về địa điểm xây dựng cây cầu, ông Nguyễn Văn K. – một người dân địa phương chỉ ra rằng, ngành giao thông vận tải Thanh Hóa và chính quyền thị xã Bỉm Sơn thường viện lý do là xóa “điểm đen” làm “lá chắn” để áp đặt lên dự án, nhưng kỳ thực, sau khi cây cầu được hoàn thiện thì người dân trong xã không biết xoay sở như thế nào.
“Khi xây dựng xong đơn vị thi công rời đi bỏ lại cho chúng tôi một đống sắt vô tác dụng. Không biết các cơ quan chức năng có tiến hành khảo sát kỹ càng hay không nhưng thật đáng trách vì họ đã không lấy ý kiến đầy đủ từ người dân chúng tôi. Chính vì thế các yếu tố địa hình, địa vật, về dân cư, sản xuất nông nghiệp, về kinh tế, văn hóa của xã có lẽ đã bị bỏ qua. Một cây cầu được xây dựng không vì dân thì là vì cái gì? Phải chăng những người làm dự án chỉ biết “đốt tiền”, xây cầu theo kiểu “sống chết mặc bày”, bỏ mặc người dân sống trong khó khăn, khổ sở” - ông K. nói.
Cũng như hàng trăm ý kiến khác, bà Trần Thị B. cho biết, việc xây dựng cầu là cấp bách; tuy nhiên, người dân không cần cây cầu dân sinh vượt đường sắt “vô trách nhiệm” như thế này.
Theo bà B. “dự án không những không phục vụ dân sinh mà lại còn có tác động ngược, làm cản trở, gây khó khăn cho hoạt động và phát triển kinh tế địa phương”.
“Công trình như thế có cần thiết tồn tại hay không? Vì khi đến trường học, đến UBND xã, ông bà già, trẻ nhỏ không leo được qua cầu, còn những người nông dân gồng gánh, trâu bò thì không được qua cầu. Đi bộ sang đường phải đi vòng hơn 1 cây số mới qua được. Mọi thứ phục vụ sản xuất phải thuê phương tiện chuyên chở, vừa mất thời gian, vừa tăng chi phí cho dân nghèo đồng chiêm chũng, khó khăn chồng chất khó khăn. Những người đồng ý, chấp thuận cho xây dựng cây cầu đừng đút chân gầm bàn nữa, nếu được thì mời họ xuống đây mới thấm thía được điều đó.” - bà Bé bức xúc.
Cũng theo người dân, sau khi hoàn thành, cây cầu vượt đường sắt hiếm khi có người sử dụng, đi lại. Người qua đường, phụ nữ, học sinh thường chui qua rào chắn để sang đường, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đường sắt.
Để tránh lãng phí, bất hợp lý, người dân đã kiến nghị với các cơ quan chức năng, ngành giao thông vận tải di dời cây cầu về địa điểm như dự kiến là nút giao ngã tư đồi Bỉm (hiện đã dựng rào chắn), cách vị trí hiện tại khoảng 600m. Đến nay, những người có trách nhiệm vẫn vô cảm với kiến nghị của người dân.
Lời cảnh báo từ những bài học cũ
Việc xây dựng cầu vượt bộ hành không phải là làm theo phong trào mà cần được nghiên cứu, xem xét thận trọng, kỹ lưỡng.
Sẽ không có gì để nói nếu những cây cầu, công trình dân sinh tiền tỷ phát huy được hiệu quả và công năng, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. Sự thất thoát, lãng phí lớn các nguồn lực và ngân sách như đã từng xảy ra chính là cảnh báo cho những công trình cầu, đường đã và đang được xem xét phê duyệt để triển khai.
Và dường như ngành GTVT Thanh Hóa đã quên đi bài học tại một số địa phương khác, trong đó có Hà Nội và TP.HCM đã triển khai xây dựng nhiều cầu vượt bộ hành, hầm chui, tiêu tốn tiền hàng trăm tỷ đồng, nhằm giải quyết tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông và đảm bảo an toàn tính mạng người dân trong việc đi lại tại các giao lộ, cổng trường học, bệnh viện, khu du lịch… Tuy nhiên khi đưa vào khai thác sử dụng, các công trình này không phát huy tác dụng và hiệu quả như mong muốn.
Thậm chí còn xảy ra tình trạng cầu vượt, hầm bộ hành bị bỏ không, vắng khách, dẫn đến nhiều công trình mới xây dựng được vài năm đã xuống cấp, xập xệ, trở thành nơi xảy ra tệ nạn mại dâm, hút chích ma túy.
Điều đáng quan ngại là, dù “sinh sau đẻ muộn” rất nhiều năm nhưng cầu thép vượt đường sắt dành cho người đi bộ tại xã Quang Trung, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa vẫn lặp lại bài học vết xe đổ như các công trình dân sinh khác đã đi vào phục vụ.
Bởi lẽ, dựa trên cơ sở nào để các cơ quan chức năng chỉ xây dựng cầu vượt đường sắt mà không xây dựng cầu vượt đường sắt - đường bộ vừa an toàn, vừa đảm bảo nhu cầu thiết yếu của người dân. Ai cũng nhận điều vô lý nhưng phải chăng do tư duy bảo thủ, manh mún, vô cảm, tắc trách của những người có trách nhiệm đã làm nên sự lãng phí ngân sách, vừa phản cảm, vừa gây bất lợi cho người dân?
Theo người dân địa phương, để khắc phục những tồn tại nêu trên, các cơ quan chức năng cần khảo sát thực tế để đưa ra những giải pháp phù hợp, phục vụ dân sinh ổn định, lâu dài, đi lại thuận lợi, an toàn, hiệu quả. Đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Để làm được việc đó, người dân cho rằng, Bộ Giao thông vận tải cần thành lập đoàn công tác, thanh tra, kiểm tra lại toàn bộ dự án (từ khâu lập dự án, thi công và hiện trạng) để làm rõ:
- Căn cứ nào chỉ xây lắp một mình cầu đường sắt (về địa hình, kinh tế, văn hóa, xã hội, đánh giá mức độ an toàn đối với việc lưu thông của người dân).
- Hiện trạng sử dụng của người đối với cầu vượt đường sắt như thế nào? Với việc xây dựng như hiện tại có phải là lãng phí ngân sách? Ngoài ra cũng cần làm rõ trách nhiệm của tập thể và các cá nhân có liên quan.
Ngoài ra, người dân xã Quang Trung cũng đề nghị các cơ quan chức năng thực hiện giải pháp tình thế là cho tháo dỡ ngay lập tức rào chắn duy trì bục đèn để hướng dẫn giao thông hoặc xây dựng cầu thép vượt cả đường sắt, đường bộ dưới 3 tấn để phục vụ cho xe máy, xe đạp và người đi bộ.