Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 5 tháng 7 năm 2019 | 13:56

Bài học sau “bão lửa” kinh hoàng ở Hà Tĩnh

Chưa bao giờ Hà Tĩnh lại liên tiếp xảy ra cháy rừng trên diện rộng với mức độ tàn phá khủng khiếp như những ngày qua. Những ngọn lửa kinh hoàng đã “nuốt” hàng trăm hecta rừng ở các huyện Nghi Xuân, Hương Sơn, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Đức Thọ và thị xã Kỳ Anh.

tr9.jpg
Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ kiểm tra công tác chữa cháy rừng tại thôn Ninh Thái, xã Trường Sơn (Đức Thọ).

 

Hoang tàn sau “bão” lửa

“Lần đầu tiên, địa phương chúng tôi xảy ra đám cháy kinh khủng như thế này. Mọi người cuống cuồng lo sợ, trẻ con thấy lửa khóc thét không chịu ngủ”, anh Trần Văn Minh, trú tại xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân vẫn chưa hết bàng hoàng kể lại.

Theo Phó chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân Phạm Tiến Hưng, vụ cháy rừng thông  thực sự rất nguy hiểm. Đây là rừng thông đã trồng gần 40 năm, đang kỳ thu hoạch, lại nằm sát khu dân cư. Nếu mấy ngày qua không có sự phối hợp kịp thời của các lực lượng vũ trang, cơ quan chức năng, quần chúng nhân dân, hậu quả có thể đã xảy ra với con người.

Ông Hoàng Quốc Huấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh, vừa từ hiện trường trở về với bộ đồ ướt sũng mồ hôi cho biết, tính đến trưa 1/7, toàn tỉnh xảy ra 67 điểm phát lửa; trong đó có 12 điểm gây cháy rừng, thiêu rụi hàng trăm hecta rừng tự nhiên, rừng phòng hộ và rừng sản xuất ở các huyện Hương Sơn,  Can Lộc, Cẩm Xuyên, Hương Khê, Đức Thọ, TX Kỳ Anh… Hà Tĩnh xác định mức độ thiệt hại của vụ cháy rừng lần này lớn nhất từ trước đến nay.

 

tr9a.jpg
Chưa bao giờ, Hà Tĩnh lại liên tiếp xảy ra cháy rừng trên diện rộng với mức độ tàn phá khủng khiếp như những ngày qua.

 

“Do diện tích rừng bị cháy quá lớn lại ở nhiều nơi nên công tác kiểm đếm còn kéo dài. Việc đánh giá mức độ thiệt hại có thể lên đến 2 tháng, thậm chí 3 tháng mới biết chính xác vì phụ thuộc vào sự phục hồi của rừng. Trong khoảng thời gian đó, nếu rừng không thể phục hồi, sẽ đề xuất phương án thanh lý theo quy định của pháp luật”, ông  Huấn nói.

Nâng cao tinh thần phòng, chống cháy rừng

Trực tiếp chỉ huy công tác chữa cháy rừng tại Hà Tĩnh, ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT), phân tích, vụ cháy tại thị trấn Xuân An cháy đi cháy lại nhiều lần, kéo dài trong nhiều ngày nên việc huy động lực lượng tại chỗ gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, thiết bị chữa cháy thô sơ, thiếu thốn cũng gây ra thực trạng lực lượng chữa cháy… đứng nhìn nhau.

“Tinh thần tham gia chữa cháy rừng của người dân và các lực lượng chức năng Hà Tĩnh là rất đáng biểu dương. Tuy nhiên, phương tiện, dụng cụ, chỉ huy chữa cháy rừng vẫn còn nhiều hạn chế. Máy thổi hạn chế, cưa xăng cần để mở đường băng cản lửa cũng thiếu nên nhiều người đành phải dùng cành cây dập lửa”, ông Trị nói.

 

tr9b.jpg
Các lực lượng di chuyển đồ đạc của người dân đến nơi an toàn.

 

Ngoài nguyên nhân khách quan như nắng nóng kéo dài, còn có các nguyên nhân chủ quan được Hà Tĩnh chỉ ra, đó là: Một số người dân sống gần rừng, ven rừng ý thức trách nhiệm chưa cao, không chấp hành pháp luật bảo vệ rừng. Trong thời gian cao điểm nắng nóng, một số khu vực rừng trọng điểm dễ cháy chưa được chủ rừng, chính quyền địa phương quan tâm đầu tư kinh phí để xây dựng các công trình phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) theo quy định.

Mặt khác, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sống gần rừng, ven rừng chưa thực hiện nghiêm túc các nội quy, điều kiện an toàn PCCCR; Ban chỉ đạo các cấp chưa bám sát cơ sở để đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các địa phương, chủ rừng tổ chức thực hiện các giải pháp PCCCR theo phương án được phê duyệt…; việc huy động lực lượng, phương tiện 4 tại chỗ, tham gia chữa cháy (cấp huyện, xã) còn lúng túng, bị động hiệu quả chưa cao; việc chỉ huy chữa cháy các cấp còn lúng túng, giải pháp tác nghiệp chữa cháy tại hiện trường chưa cụ thể; phương án huy động lực lượng ứng cứu khi có cháy lớn xảy ra của tỉnh đã ban hành, nhưng việc phối hợp điều hành, chỉ huy giữa các lực lượng thực sự lúng túng, hiệu quả chưa cao.

Thượng tá Võ Đăng Khoa, Phó trưởng phòng cảnh sát chữa cháy Công an Hà Tĩnh, đề xuất, với rừng trên núi, chính quyền nên quy hoạch làm đường băng cản lửa giữa các khoảnh rừng khác nhau.

"Trên núi Hồng Lĩnh không có đường băng từ trước, khi xảy ra cháy mới làm thì rất mất thời gian, nhiều lúc làm xong đường băng thì lửa đã lan ra khoảnh khác", ông Khoa nói.

 

tr9c.jpg
Hàng nghìn người vật lộn giữa cái nắng như đổ lửa để chữa cháy rừng.

 

Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, cho biết: “Tỉnh đang giao cho Chi cục Kiểm lâm rà soát, đánh giá lại đến tận hộ đang quản lý rừng. Theo đó, phối hợp điều tra, xác định rõ nguyên nhân, diện tích rừng thiệt hại; xem xét, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan; Tiếp tục tập trung cho công tác tuyên truyền, cảnh báo về công tác PCCCR; Thực hiện phòng cháy, trực cháy, báo cháy rừng ở mức cao nhất, với 100% quân số đảm bảo 4 tại chỗ…”

Trực tiếp chỉ đạo công tác PCCC tại Hà Tĩnh, chiều 1/7, sau khi thị sát, kiểm tra tình hình chữa cháy đồi Mồng Gà, xã Trường Sơn (Đức Thọ), Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, chưa thể sử dụng phương án dùng trực thăng để chữa cháy rừng vì nhiều lý do. “Trong mấy ngày qua, gió phơn Tây Nam thổi rất mạnh, tình trạng cháy rừng ở diện rộng nên việc huy động trực thăng khó khăn và không hiệu quả”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Phó thủ tướng lưu ý tỉnh Hà Tĩnh sau vụ cháy cần có phương án để khôi phục các khu rừng đã bị thiêu rụi. Cần làm tốt hơn công tác tuyên truyền đến người dân nâng cao tinh thần phòng chống cháy rừng, không được đốt rác, đốt thực bì trong thời tiết xảy ra nắng nóng.

Theo Phó thủ tướng, trong những ngày tới, nắng nóng tiếp tục diễn biến phức tạp, tình trạng cháy rừng có thể tiếp diễn nên Hà Tĩnh cần phải lên các phương án bố trí lực lượng, phương tiện và kinh phí cho các đơn vị tham gia chữa cháy. “Phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người dân khi xảy ra cháy nổ”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Để hỗ trợ PCCCR, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có quyết định hỗ trợ khẩn cấp cho các địa phương mua thêm các loại máy móc phục vụ công tác chữa cháy rừng.

 

 

Trà Giang
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top