Cứ sau mỗi mùa khai giảng, ngoài chuyện “lạm thu”, dư luận lại xôn xao chuyện ban đại diện cha mẹ học sinh là “cánh tay nối dài” cho nhà trường để thu các khoản tiền ngoài quy định. Không phải là không có nhưng cũng không phải là tất cả đều như vậy.
Đã từng có thâm niên trên 10 năm làm trong Ban đại diện cha mẹ học sinh của nhà trường và lớp từ cấp tiểu học đến cấp THPT cho 2 cậu con trai, tôi nhận thấy rằng sự hiện diện của Ban đại diện cha mẹ học sinh là hoàn toàn cần thiết, bởi thông qua Ban đại diện cha mẹ học sinh mọi hoạt động của nhà trường với phụ huynh học sinh được gắn kết hơn, đồng thời, việc theo dõi về quá trình học tập, rèn luyện đạo đức và quản lý con em mình sẽ chặt chẽ hơn.
Thường thì bắt đầu vào năm học mới, nhất là đối với các khối đầu cấp học, Ban giám hiệu nhà trường và các cô giáo chủ nhiệm thông qua việc tiếp nhận hồ sơ của học sinh cũng đã lựa chọn sơ bộ được phụ huynh học sinh để bầu vào Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp, sau đó sẽ lựa chọn trong số phụ huynh này đại diện cho khối để tham gia vào Ban đại diện cha mẹ học sinh của nhà trường.
Tham gia vào Ban đại diện cha mẹ học sinh là điều kiện rất tốt để phụ huynh thấu hiểu và chia sẻ những vất vả của các thầy cô giáo, đồng thời cũng hiểu rõ hơn về hoàn cảnh của từng học sinh trong lớp để cùng cô giáo làm tốt công tác giáo dục, rèn luyện đạo đức cho học sinh, hỗ trợ cho những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng ham học, động viên và khen thưởng kịp thời cho các học sinh để phong trào học tập trong lớp không ngừng được nâng lên. Tuy nhiên, nếu tham gia vào Ban đại diện cha mẹ học sinh mà không có kiến thức, không bản lĩnh, không có chính kiến của mình trước những đề nghị của hiệu trưởng, ban giám hiệu nhà trường thì cũng thành “cánh tay nối dài” thực sự.
Để Ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động có hiệu quả, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã ban hành Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22 tháng 11 năm 2011 Ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học, quy định rất rõ về tổ chức của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp và nhà trường, nhiệm vụ và quyền hạn của Ban đại diện cha mẹ học sinh, trách nhiệm và quyền của cha mẹ học sinh, hoạt động và kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp và nhà trường. Đây là cẩm nang để cho các Ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động theo đúng quy định, vấn đề là Ban đại diện cha mẹ học sinh phải mạnh dạn và không ngại ngần va chạm để không là “cánh tay nối dài”.
Còn nhớ trước đây khoảng năm 2006, khi cháu lớn chuyển cấp lên THCS, do có thời gian làm trong Ban đại diện nhà trường cấp TH, nên một số phụ huynh của lớp con tôi khi họp đã bầu tôi vào Ban đại diện cha mẹ của lớp 6, sau đó tôi được bầu vào ban đại diện cha mẹ của nhà trường.
Sau khi tìm hiểu và lắng nghe phụ huynh các khóa trước phản ánh, Trưởng Ban đại diện cha mẹ nhà trường là một vị phụ huynh có con em trước đây học tại trường này, nhưng đã ra trường hơn 10 năm, nhưng hiệu trưởng vẫn giữ vị phụ huynh này làm Trưởng Ban đại diện cha mẹ của trường. Nhận thấy có những điều “khuất tất” nên ngay trong buổi họp của Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường đầu tiên, tôi đã mạnh dạn đề nghị Trường Ban đại diện đương nhiệm không tham gia, để phụ huynh có con em đang theo học tại trường đảm nhiệm.
Năm học 2018 khi con trai thứ 2 của tôi thi đỗ vào Trường THPT TB, khi tham gia vào Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp, cứ mỗi lần nhà trường tổ chức họp Ban đại diện cha mẹ học sinh của nhà trường, tôi nhận thấy vị hiệu trưởng của trường này thường xuyên nêu những khó khăn, đồng thời, mong muốn phụ huynh học sinh toàn trưởng ủng hộ chủ trương và đóng góp kinh phí để nhà trường mua sắm.
Tôi đã thẳng thắn chỉ ra những khoản thu không đúng với những quy định trong Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường đã được Bộ Giáo dục & Đào tạo ban hành. Với sự cương quyết của mình và nhận được sự ủng hộ của rất nhiều Trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp, nhà trường đã thay đổi chủ trương cho phù hợp với quy định, không gây khó khăn cho phụ huynh học sinh.
Những kinh nghiệm được rút ra trong quá trình tham gia Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp cũng như nhà trường, một lần nữa tôi khẳng định vai trò của Ban đại diện cha mẹ học sinh là rất cần thiết, khi tham gia rất cần có những vị phụ huynh học sinh thẳng thắn, dám chỉ ra những khoản thu không hợp lý của nhà trường đề ra. Có như vậy, phụ huynh học sinh mới tin tưởng vào Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp và nhà trường và Ban phụ huynh học sinh không còn bị mang tiếng là “cánh tay nối dài” của nhà trường nữa.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.