Thời gian qua, báo chí - truyền thông đã và đang khẳng định vai trò rất quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống chính sách Nhà nước, giúp thanh lọc và tăng tính minh bạch, hiệu quả đối với các hoạt động trên thị trường bất động sản (BĐS).
Góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách
Thị trường BĐS đang có nhiều biến động, đặc biệt, thời điểm từ đầu năm 2020 đến nay bị tác động mạnh của đại dịch Covid-19 khiến số lượng giao dịch ở tất cả các phân khúc đều sụt giảm.
Theo báo cáo của Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, trong 2 tháng đầu năm 2020, kinh doanh BĐS là một trong 3 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm 2019. Không chỉ giảm số lượng doanh nghiệp “chào đời”, trong danh sách doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, số lượng doanh nghiệp kinh doanh BĐS tuy chiếm tỷ trọng nhỏ (2,6%) nhưng có tỷ lệ tăng cao nhất, lên tới 75,5%.
Về tình hình doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 2 tháng đầu năm 2020, một thông tin khá buồn, BĐS lại tiếp tục lọt top ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp giải thể tăng. Cụ thể, theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, lĩnh vực BĐS tuy chiếm tỷ trọng 5,2% trong tổng số doanh nghiệp giải thể nhưng có tỷ lệ tăng cao nhất, lên tới 53,7%.
Trước vấn đề này, đòi hỏi Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp hoạt động trong thị trường BĐS. Trong bối cảnh đó, vai trò của báo chí với công tác truyền thông được thể hiện rõ, nhiều bài viết phản ánh khó khăn của doanh nghiệp, khách hàng… Từ những bài viết này, các cơ quan quản lý Nhà nước đã kịp thời ban hành nhiều chính sách hỗ trợ về vốn, thuế…, để đảm bảo sự phát triển của doanh nghiệp.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (HoREA), nhận định, báo chí không chỉ là cầu nối giúp phổ biến cơ chế, chính sách, pháp luật từ cơ quan quản lý đến doanh nghiệp, nhà đầu tư, người tiêu dùng về tình hình BĐS mà qua đó còn tranh thủ chuyển tải các phản ánh, kiến nghị, nguyện vọng của nhà đầu tư, doanh nghiệp và người tiêu dùng đến cơ quan quản lý.
Từ những bài viết với các góc nhìn đa chiều, báo chí – truyền thông đã cung cấp những tin tức, bài viết, qua đó chuyển tải thông tin, đánh giá, phân tích về những vấn đề trên thị trường tới nhà đầu tư, doanh nghiệp, người tiêu dùng và cơ quan quản lý, góp phần làm tăng tính minh bạch, hiệu quả đối với các hoạt động trên thị trường BĐS. Điều đó giúp người tiêu dùng có sự lựa chọn chính xác, an toàn.
Liên quan đến việc hoàn thiện hệ thống chính sách Nhà nước đối với thị trường BĐS, Chủ tịch HoREA cho rằng, báo chí đang làm khá tốt chức năng vốn có của mình, điều này góp phần tác động rất lớn đến việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách của Nhà nước, trong đó có thị trường BĐS. Tất cả những vấn đề đó là nhờ sự “chắp cánh” của báo chí, từ đó sức mạnh lan tỏa. “Chính vì vậy, muốn tạo sự đồng thuận của xã hội, nhất thiết phải luôn coi trọng báo chí - truyền thông”, ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh.
Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Nguyễn Nam Hiền, Phó tổng giám đốc Hưng Thịnh Corp, cho rằng, bên cạnh các phương tiện truyền thông khác thì báo chí là kênh thông tin đóng vai trò “then chốt” và có sức ảnh hưởng hơn cả trong sự phát triển của thị trường BĐS. Đây là kênh thông tin đa dạng, trực quan và rất sinh động, phản ánh và phân tích nhiều khía cạnh của thị trường, mang đến cho nhà đầu tư, khách hàng những nguồn thông tin chuẩn xác, đáng tin cậy.
Ông Hiền đánh giá cao vai trò của báo chí, bởi nhiều vấn đề nhờ có báo chí phát hiện và vào cuộc, tích cực phản ánh mà thị trường BĐS trở nên tốt hơn như tình trạng sốt đất thời gian qua, hay các vấn đề như phòng cháy chữa cháy, quản lý vận hành nhà chung cư…
Giúp thanh lọc thị trường
Không chỉ dừng ở việc giúp hoàn thiện hệ thống chính sách Nhà nước, phản ánh của báo chí - truyền thông còn giúp cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan điều tra phát hiện nhiều sai phạm ở các doanh nghiệp hoạt động vi phạm pháp luật trên thị trường BĐS.
Cụ thể, báo chí - truyền thông đã thông tin khá sớm về dấu hiệu sai phạm của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba (Địa ốc Alibaba) xung quanh việc phân lô bán nền trái phép trên đất nông nghiệp; xây dựng hạ tầng khi chưa được phép của cơ quan chức năng; dấu hiệu lừa đảo khách hàng khi một khu đất bán cho nhiều người.
Từ những thông tin đó, Cơ quan CSĐT Công an TP. Hồ Chí Minh đã bắt tạm giam đối với Nguyễn Thái Luyện (34 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty Địa ốc Alibaba) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thời gian qua, báo chí đã có nhiều bài phản ánh liên quan đến các sai phạm của Tổng Công ty cổ phần Xuất - nhập khẩu Bình Dương (gọi tắt là Tổng công ty Bình Dương), tiền thân là Công ty Sản xuất - Xuất - nhập khẩu Bình Dương, doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Tỉnh ủy quản lý và được UBND tỉnh Bình Dương giao hơn 43ha đất để xây dựng Khu Đô thị thương mại và dịch vụ Tân Phú.
Năm 2012, Tổng công ty Bình Dương được giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khu đất 43ha và đây là tài sản Nhà nước (đất công – PV). Trên cơ sở đề xuất của Tổng công ty Bình Dương, Tỉnh uỷ Bình Dương chấp thuận cho Tổng công ty Bình Dương liên kết với Công ty Âu Lạc để thành lập công ty dự án là Công ty Tân Phú, trong đó Tổng công ty Bình Dương góp vốn 60 tỷ đồng, chiếm 30% vốn điều lệ doanh nghiệp làm dự án.
Về sau, do phát hiện Tổng công ty Bình Dương dùng giá trị quyền sử dụng đất chứ không phải tiền mặt để tham gia góp vốn nên Thường trực Tỉnh uỷ ra thông báo thu hồi chủ trương này.
Trước những sai phạm trên, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về “vi phạm quy định về sử dụng, quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo Điều 219 Bộ luật Hình sự để tiến hành điều tra.
Kết quả điều tra xác định, trong quá trình quản lý, sử dụng, Tổng công ty Bình Dương đã chuyển nhượng khu đất này cho Công ty Đầu tư xây dựng Tân Phú (Công ty Tân Phú) với giá 250 tỷ đồng (giá do các bên tự thỏa thuận).
Việc chuyển nhượng 43ha đất do Tổng công ty Bình Dương thực hiện không đúng quy định về thẩm định giá, đấu giá tài sản theo Nghị định số 91/2015 NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp; quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại doanh nghiệp, gây thất thoát số tiền 126 tỷ đồng so với bảng giá đất quy định của UBND tỉnh Bình Dương tại thời điểm chuyển nhượng năm 2016..
Chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân nhận xét, trong các cơ quan báo chí có nội dung phản ánh về lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Kinh tế nông thôn có nhiều tin, bài phản ánh rất sát thực tế. Có thể khẳng định, trên mặt trận nông nghiệp, Kinh tế nông thôn đã làm rất tốt vai trò cầu nối giữa nông dân với các nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà làm chính sách. Cơ quan báo chí nói chung và Kinh tế nông thôn nói riêng đã có nhiều cố gắng giúp nông dân. Cụ thể là nêu gương nông dân làm ăn hiệu quả, nêu những khó khăn cũng như thành quả của các mô hình kinh tế tập thể, trong thời gian gần đây còn liên tục phản ánh hình ảnh chân thực về khâu xuất khẩu gạo gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi Covid-19. Trên lĩnh thông tin BĐS, Kinh tế nông thôn làm tốt vai trò thông tin về đường lối, chính sách, thị trường BĐS, phản ánh các trường hợp có dấu hiệu sai phạm để qua đó giúp khách hàng có cái nhìn tổng quan về dự án mà khách hàng quan tâm về nơi an cư cũng như cơ hội đầu tư. |
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.