Đất đai ven sông Hậu rất trù phú do được phù sa bồi đắp hằng năm, phù hợp cho việc phát triển cây ăn trái. Tại Sóc Trăng, trên 30.000ha vườn cây ăn trái được khai thác từ lợi thế này.
Tuy nhiên, các vùng trồng cây ăn trái của Sóc Trăng cũng gặp trở ngại trong canh tác vào mùa nắng nóng, đặc biệt là từ tháng 2 đến tháng 4 dương lịch do ảnh hưởng từ hạn và xâm nhập mặn, đặc biệt là các khu vực như: Long Phú, Cù Lao Dung, Kế Sách. Vì vậy, ngay từ đầu mùa khô năm nay, nhà vườn Sóc Trăng đã chủ động nhiều phương án để bảo vệ vườn cây trước tác động cực đoan của thời tiết. Đặc biệt, vào những tháng cao điểm mùa khô.
Chủ động ứng phó
Mùa khô năm 2015 - 2016, vườn bưởi với diện tích gần 3ha của gia đình bà Lâm Thị Pho ở thị trấn Cù Lao Dung, huyện Cù Lao Dung là một trong những vườn cây bị thất thu khá lớn khi nước mặn lấn sâu vào nội đồng khiến cây bị vàng úa, khả năng cho trái kém. Từ đầu mùa khô năm 2019, gia đình đã có sự chủ động hơn trong công tác ứng phó khi thực hiện đào sâu hơn kênh mương dự trữ nước ngọt xung quanh vườn, kết hợp lắp đặt hệ thống tưới phun nhỏ giọt để tiết kiệm nước tưới trong giai đoạn hạn, mặn diễn ra gay gắt. Nhờ vậy, ngay trong mùa khô năm 2019 - 2020, vườn bưởi vẫn phát triển tốt với năng suất cho trái đạt 13-15 tấn.
Thời điểm hiện tại, độ mặn cao nhất đo được tại Cù Lao Dung đã đạt trên 16‰, nhưng nguồn nước ngọt dự trữ tại vườn bưởi của gia đình vẫn đảm bảo phục vụ được khả năng bơm tưới.
Bà Lâm Thị Pho cho biết: “Mỗi năm vào mùa mưa là mình cố gắng tích trữ nước đầy đủ trong kênh nội đồng tại vườn. Đến tháng 11, khi nước bắt đầu mặn là mình ngăn, mình đắp kênh lại liền. Nhờ lắp hệ thống này mà cây vẫn tươi tốt và cho trái, còn lúc chưa có hệ thống này là mùa khô không có bưởi cắt vì tới tháng Giêng là không ra bông nổi vì không có đủ nước tưới. Nhờ mình chủ động từ trước mà đến thời điểm này lượng nước ngọt dự trữ vẫn còn đủ khả năng cung cấp cho vườn bưởi”.
Không chỉ lắp đặt hệ thống tưới phun tiết kiệm nước mà giải pháp kĩ thuật chăm sóc vườn cây trước diễn biến phức tạp của thời tiết cũng được ông Trần Văn Thọ ở ấp An Phú (xã An Thạnh Tây, huyện Cù Lao Dung) tiến hành kĩ lưỡng ngay từ đầu mùa khô.
Để giảm sự bốc thoát hơi nước và nhu cầu nước tưới trong mùa khô hạn, vườn nhãn hơn 2ha được ông Thọ tiến hành tỉa cành, tạo tán, tủ gốc giữ ẩm cho cây trồng bằng rơm rạ, lục bình hoặc cỏ khô. Giai đoạn này ông cũng không xử lí ra hoa cho cây vì nhận thấy nguồn nước không đảm bảo cung cấp đầy đủ cho vườn cây trong giai đoạn đậu trái.
Ông Thọ chia sẻ thêm: “Mình tiến hành cắt tỉa cành như vậy để đỡ mất nước, rồi dùng bã đậy lên để khi tưới cho cây sẽ giữ được độ ẩm lâu hơn. Nếu không có bã đậy thì mặt đất rất mau khô dễ dẫn đến khô và chết cây”.
Tại Sóc Trăng, xâm nhập mặn đã bắt đầu xuất hiện từ tháng 12/2020 và tăng dần từ tháng cuối tháng 1/2021, độ mặn bắt đầu gay gắt hơn từ trung tuần tháng 3. Ảnh hưởng của mặn đối với cây trồng biểu hiện qua các triệu chứng cháy lá, làm giảm sinh trưởng phát triển, ảnh hưởng đến năng suất.
Củng cố đê bao và tích cực trữ nước ngọt
Ông Nguyễn Thành Phước, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng, khuyến cáo: “Bà con trồng cây ăn trái cần lưu ý dự trữ nước ngọt trong kênh, mương để tưới cho cây ăn trái trước khi nước mặn xâm nhập; lưu ý không tiến hành rải vụ cây ăn trái trong thời gian hạn hán nếu nguồn nuớc ngọt không đảm bảo cung cấp đầy đủ cho cây; không tiến hành trồng mới trong thời gian hạn và xâm nhập mặn; áp dụng kỹ thuật tưới tiên tiến tiết kiệm nước (tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa), tưới luân phiên đúng thời điểm và vừa đủ nước... Đối với vườn cây đã bị nhiễm mặn cần bón bổ sung phân Sulphate Kali (K2SO4), vôi bột lượng 500-1.000 kg/ha. Trên chân đất nhiễm phèn mặn nên bón thêm vôi nung (CaO), không nên bón các loại phân chua sinh lý như super lân, DAP…”.
Cây ăn trái là loại cây lâu năm với mức đầu tư khá lớn nên một khi bị thiệt hại sẽ khiến nhiều nhà vườn bị thất thu nặng nề về lợi nhuận kinh tế cũng như mất nhiều thời gian để phục hồi và sinh trưởng. Nếu độ mặn trên sông Hậu kéo dài ở mức gây thiệt hại thì Sóc Trăng sẽ có hơn 10.000 ha cây ăn trái bị suy kiệt do thiếu nước tưới. Vì vậy, ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nhà vườn cần tiếp tục củng cố chắc chắn hệ thống đê bao khống chế mặn và tích cực trữ nước ngọt khi có điều kiện; đặc biệt lưu ý đến nhà vườn hạn chế tối đa việc tưới nước có độ mặn gần hoặc trên 1‰, riêng một số cây mẫn cảm như: Sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, thì không được tưới nước có độ mặn từ 0,5‰ trở lên.