Những năm gần đây, Tây Ninh đã xuất hiện những mô hình nông nghiệp tuần hoàn. Tại đây, người dân gần như không bỏ thứ gì, ngược lại còn bắt rác thải 'đẻ' ra tiền.
Nông nghiệp tuần hoàn hay còn gọi là kinh tế tuần hoàn dường như là khái niệm khá mới mẻ với nhiều người, nhưng thực tế chính là mô hình vườn, ao, chuồng (VAC), nay ứng dụng thêm công nghệ cao.
Chất thải vẫn đầy giá trị
Tại trang trại bò sữa Tây Ninh (Long Khánh, Bến Cầu, Tây Ninh), nông nghiệp tuần hoàn bắt đầu từ việc xử lý các chất thải của bò.
Với 8.000 con bò, trung bình 1 tháng trang trại sinh ra 500 con bê. Một ngày lượng phân thải ra khoảng 50 tấn. Đồng thời, đàn bò cũng tiêu tốn 200 tấn thức ăn; nước uống, tắm cho bò, nước vệ sinh chuồng trại cũng lên tới gần 2.500 m3. Từ đó, trang trại đòi hỏi phải có một hệ thống thu gom, chứa và xử lý chất thải đồng bộ.
Mô hình nông nghiệp tuần hoàn tại Trang trại bò sữa Tây Ninh. Ảnh: Trần Trung.
Hơn 1.200 tỷ đồng đã được trang trại đầu tư để tạo hệ thống xử lý các chất thải khép kín. Theo đó, phân và nước thải được tái sử dụng để cung cấp cho các hầm biogas.
Phân từ hầm chứa biogas được ủ với các men vi sinh bón cho đồng cỏ để cung cấp thức ăn xanh cho đàn bò. Từ đó, môi trường của trang trại ngày được cải thiện, đàn bò khỏe mạnh hơn, từng bước hình thành một môi trường chăn nuôi lý tưởng như một resort.
Tương tự, mô hình khép kín, tuần hoàn tận dụng lợi ích của rau và cá trên cơ chế cộng sinh cá nuôi rau, rau nuôi cá, do Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP. HCM) chuyển giao kỹ thuật cho UBND tỉnh Tây Ninh cũng được xem là mô hình điển hình tại địa phương.
Mô hình khép kín, tuần hoàn, tận dụng lợi ích của rau và cá thực hiện tại TP. Tây Ninh. Ảnh: Trần Trung.
Mô hình thực hiện tại ấp Giồng Tre, xã Bình Minh, TP. Tây Ninh. Theo mô hình này, cá và rau được nuôi trồng trong cùng một hệ tuần hoàn.
Cá ăn thức ăn và tạo ra chất thải trong nước. Nước có chứa chất thải từ bể thủy sản được đưa vào hệ thống lọc cơ học và vi sinh. Nhờ sự tham gia của vi khuẩn có lợi, sẽ biến đổi nước thải từ bể thủy sản thành chất dinh dưỡng hữu cơ phù hợp cho cây trồng phát triển.
Mô hình vừa tiết kiệm chi phí phân bón và nguồn nhân lực, vừa tạo ra rau an toàn và đạt năng suất cao. Trung bình 1 ha trồng được 7.000 – 8.000 cây rau, mỗi cây nặng khoảng 200 – 300 gram, các bể cá được bố trí nuôi tùy theo mô hình. Trung bình một bể cả 3 tháng cho thu hoạch từ 500 – 1.000 kg.
Rau từ mô hình cũng là rau an toàn bởi trồng trong môi trường nước tuần hoàn, không hóa chất và phân bón. Rau có thể để được 15 - 20 ngày sau thu hoạch.
Xu hướng tất yếu
Theo TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm TP. HCM, việc phát triển nền nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường qua mô hình nông nghiệp tuần hoàn là một xu thế tất yếu. Quá trình sản xuất theo một chu trình khép kín, hầu hết các chất thải được quay trở lại làm nguyên liệu cho sản xuất.
Chất thải và phụ phẩm của quá trình sản xuất này là đầu vào của quá trình sản xuất khác. Mô hình nông nghiệp tuần hoàn tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm tối thiểu sự lãng phí, thất thoát và nhất là giảm tối đa chất thải ra môi trường.
Đây chính là điểm khác biệt lớn với nền kinh tế truyền thống chỉ quan tâm đến việc khai thác tài nguyên nhằm tối đa hóa sản lượng, vứt bỏ một lượng phế thải khổng lồ gây ô nhiễm môi trường.
Có thể nói, trong giai đoạn khó khăn vì bệnh dịch Covid-19 như hiện nay, doanh nghiệp thực hành theo mô hình này sẽ có khả năng duy trì được sự ổn định trong sản xuất và có khả năng vượt qua khủng hoảng để phát triển.
Bản chất của nông nghiệp tuần hoàn chính là tái sử dụng các phụ phẩm trong sản xuất thành nguyên liệu mới, thay vì tìm kiếm và khai thác tài nguyên thiên nhiên.
Mô hình trồng rau, nuôi cá 7 màu để phát triển cà cuống lấy tinh dầu tại Thị xã Trảng Bàng (Tây Ninh). Ảnh: Trần Trung.
Nông nghiệp tuần hoàn giúp giảm chi phí điều hành doanh nghiệp; tăng khả năng cạnh tranh và đưa tới cơ hội phát triển toàn cầu; giảm thiểu rủi ro về khan hiếm tài nguyên và biến động giá cả hàng hóa; giải quyết lợi ích doanh nghiệp, người tiêu dùng và xã hội.
"Nông nghiệp tuần hoàn cũng thúc đẩy sử dụng các sản phẩm và dịch vụ công nghệ cao, từ đó tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn tài nguyên; bảo đảm an ninh lương thực, an ninh nguồn nước; giảm sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu hóa thạch, không tái tạo được, như chính cách mà "ông lớn" ngành sữa là Vinamilk đang vận dụng”, TS Trần Đình Lý khẳng định.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, hiện nay tỉnh Tây Ninh có chủ trương phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Mô nông nghiệp tuần hoàn không khó, nhưng phải có một kiến thức nhất định. Đối với người có trình độ học vấn tốt nghiệp THCS vẫn có thể làm được. Tỉnh Tây Ninh kỳ vọng mô hình này sẽ đưa KH-CN về Tây Ninh để nhiều người cùng làm và cùng sử dụng sản phẩm sạch. |