Từ thôn Nhị Hà 3, xã Nhị Hà (Thuận Nam - Ninh Thuận), những trái xoài cát vườn nhà bà Phạm Thị Lợi vào Nam, có mặt ở chợ đầu mối Thủ Đức (TP. HCM), xuôi về miền Tây cạnh tranh với các nhà vườn ở thủ phủ xoài của cả nước và được các chủ vựa khen hết lời.
Điều này, khiến chủ nhân vườn xoài rộng 4ha, với 200 gốc xoài cát và 200 gốc xoài Thái tự hào.
Bí quyết chăm xoài đẹp
Đến thăm vườn xoài của bà Lợi, ai cũng trầm trồ, khen ngợi bởi cây nào quả cũng trĩu cành, bao bọc kỹ càng, quả bóng lộng, màu sắc bắt mắt. Nhiều quả xoài nặng gần 1kg. Một nửa số cây trong vườn đã 10 năm tuổi, số còn lại đã bước sang tuổi thứ 5. Tất cả đang trong thời kỳ cho thu hoạch.
Chia sẻ về kỹ thuật canh tác mang lại hiệu quả, bà Lợi cho biết: Vợ chồng bà thay phiên nhau thăm vườn để kịp thời phát hiện và phòng ngừa các loài sâu, bệnh hại cây. Toàn bộ vườn xoài được dọn cỏ sạch sẽ, vun gốc và xới đất thường xuyên. Định kỳ 3 tháng, bà bón phân bổ sung dinh dưỡng cho cây. Xoài sau khi trồng được 3 năm, đủ sức bà mới cho ra trái. Cây được tưới nước mỗi tuần một lần đến khi chuẩn bị ra hoa thì ngắt nước khoảng 3 tuần. Quá trình chăm sóc, nhận thấy cây xoài nào có vấn đề về “sức khỏe”, bà Lợi tuyệt đối không cho ra trái, dành thời gian điều trị chờ đủ sức mới bắt đầu kích thích ra trái. Nhờ vậy, bất cứ cây xoài nào trong vườn đều cho trái to và đẹp.
Hơn 1 năm nay, bà cùng chồng trao đổi kiến thức từ bạn bè, các hội, nhóm trồng xoài tại miền Tây tìm cách tự chế các loại chế phẩm sinh học, phân vi sinh để bón cho cây, giảm phụ thuộc vào phân hóa học. Chẳng những tốt cho môi trường, cách làm này giúp bà Lợi tiết kiệm gần 40 triệu đồng chi phí mua phân bón học hóa mỗi năm.
Hiện nay, bà đang ủ 4 loại phân vi sinh từ trứng gà tươi, cá nước ngọt, đậu nành và bắp chuối. Các loại phân đạm sau thời gian ủ 5 tháng được trộn chung với nhau rồi bón cho cây với liều lượng mỗi gốc một lít. Ngoài ra, bà còn sử dụng một số cây hoang dại sẵn có tại địa phương tạo ra chế phẩm sinh học phun xịt lên cây để phòng trừ các loài sâu bệnh và côn trùng.
Sử dụng phân vi sinh tự ủ thay thế cho phân bón hóa học, bà Lợi cho biết, cây xoài phát triển tốt, đạt năng suất cao, cho trái đẹp được thương lái đánh giá cao. Anh Nguyễn Quang Hiệp, một thương lái thu mua xoài trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, cho biết: Chúng tôi từng từ chối thu mua xoài tại nhiều nhà vườn không đạt yêu cầu về chất lượng. Riêng với vườn bà Lợi, chúng tôi rất yên tâm vì được chăm sóc rất kỹ, ít bị sâu bệnh, nấm hại nên hễ có là chúng tôi đặt cọc từ sớm.
Hướng đến sản xuất VietGAP
Mong muốn của bà Lợi là hướng đến sản xuất theo mô hình VietGAP, đảm bảo các tiêu chí an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng. Bà cũng sẵn lòng chia sẻ kiến thức cho các hộ dân trồng xoài khác trên địa bàn tỉnh để giúp nâng cao năng suất, chất lượng, tăng tính cạnh tranh cho nông sản địa phương, cùng nhau phát triển kinh tế.
Vụ xoài năm nay, một số cây xoài 10 năm tuổi được bà cho nghỉ để dưỡng sức nên thu nhập chỉ đạt khoảng 250 triệu đồng. Bà Lợi hy vọng, vụ xoài năm sau, khi 400 gốc xoài đồng loạt cho quả, giá cả ổn định, bà có thể thu về khoảng 400 triệu đồng.Những trái xoài cát vườn nhà bà Phạm Thị Lợi đẹp và có giá cao.