Với mong muốn phát triển kinh tế, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, anh Trần Ngọc Phong, Bí thư Chi đoàn thôn Tân Thủy, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, biến vùng đồi hoang thành vườn cây trĩu quả.
Sinh ra trong gia đình thuần nông, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Phong bắt tay vào phát triển kinh tế. Với lợi thế đất đai của gia đình, năm 2016, anh khai thác 1,5 ha đất đồi trồng thanh long ruột đỏ. Để thuận lợi cho việc chăm sóc cây trồng, Phong đầu tư gần 100 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới tự động. Tuy nhiên, do địa hình đồi núi cao, nguồn nước cung cấp lại ít nên toàn bộ hệ thống không sử dụng được, buộc phải khoan giếng và xây thêm các bể chứa nước dự trữ.
Chia sẻ với chúng tôi, Phong cho biết, ban đầu khởi nghiệp khá vất vả, do chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên cây phát triển chậm, thu nhập chẳng đáng là bao. Nhưng đất đai mênh mông là thế, mình lại là thanh niên sức dài vai rộng, chẳng lẽ lại khoanh tay ngồi nhìn cỏ mọc rồi than nghèo kể khổ. Nghĩ vậy, Phong lại vác cuốc lên đồi. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, anh tranh thủ lúc rảnh rỗi tìm đến những mô hình trồng cây ăn quả thành công ở trong và ngoài địa phương để học tập kinh nghiệm chăm sóc cây. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, anh trồng xen kẽ nhiều loại cây để có thêm thu nhập.
Nhờ chăm chỉ lao động, cần cù học hỏi kinh nghiệm và sáng tạo trong sản xuất, đất không phụ công người, sau một thời gian, vườn cây ăn quả của gia đình anh đã mang lại hiệu quả kinh tế khả quan.
Phong cho biết, mỗi năm, thanh long ruột đỏ cho thu hoạch trong 5 tháng liên tục, sản lượng tăng dần theo những năm tiếp theo, tuổi thọ của cây 20 - 25 năm, tùy theo công chăm sóc, giá bán trung bình 25.000 - 30.000 đồng/kg. Năm 2020, anh đã thu lãi trên 60 triệu đồng; năm 2021 thu xấp xỉ 100 triệu đồng.
Ngoài thanh long ruột đỏ, năm 2019, anh đầu tư 200 triệu đồng trồng thêm 1ha cam V2, 0,5 ha bưởi da xanh và 0,5 ha vải thiều. Mô hình được anh áp dụng theo quy trình sản xuất nông nghiệp sạch, từ việc tưới bằng nguồn nước hợp vệ sinh đến làm cỏ, chăm bón đều không sử dụng hóa chất.
“Thực tế cho thấy, so với một số loại cây trồng khác, trồng cam, bưởi da xanh cho thu nhập cao gấp nhiều lần, sản phẩm làm ra được thị trường ưa chuộng, đầu ra cũng thuận lợi. Tuy nhiên, đầu tư ban đầu không nhỏ, đặc biệt, người trồng phải nắm chắc kỹ thuật vì những loại cây này đòi hỏi chăm sóc cẩn trọng mới cho hiệu quả cao”, Phong cho hay.
Đến thời điểm này, Phong đã thu bán lứa quả bói đầu tiên, trên 1 tấn cam V2, 9 tạ bưởi da xanh, thu được trên 80 triệu đồng. Ngoài ra, vải thiều cũng mang về cho anh thu nhập 20 triệu đồng. Với thời gian khai thác khoảng 10 năm, mô hình hứa hẹn mang lại cho gia đình anh nguồn thu ổn định.
Chia sẻ về dự định của mình trong thời gian tới, Phong cho biết: “Cuối năm 2021, tôi sẽ đầu tư mở rộng diện tích trồng cam, bưởi thêm 1ha theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài nỗ lực của bản thân, rất mong có thêm sự đồng hành, hỗ trợ của chính quyền địa phương, các tổ chức, đoàn thể về các nguồn vốn vay ưu đãi, chuyển giao khoa học kỹ thuật và đầu ra cho sản phẩm”.
Không chỉ mạnh dạn trong phát triển kinh tế, Phong luôn năng động, đi đầu trong mọi hoạt động tại cơ sở. Trên cương vị là Bí thư Chi đoàn thôn, anh chú trọng công tác thu hút, tập hợp, đoàn kết đoàn viên, thanh niên tham gia vào tổ chức đoàn, hội bằng nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực như ra quân vệ sinh môi trường, trồng hoa và cây trên các tuyến đường hoa thanh niên; tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; tiên phong trong phong trào hiến máu tình nguyện; các hoạt động chăm sóc thiếu niên, nhi đồng tại địa phương. Đặc biệt, anh luôn tận tình giúp thanh niên trong xã về kỹ thuật, kinh nghiệm phát triển kinh tế, nhất là phát triển nông nghiệp bền vững.
Thành công bước đầu trong mô hình trồng cây ăn quả của anh Trần Ngọc Phong không chỉ phát huy được tiềm năng, lợi thế đất đai ở vùng gò đồi xã Vĩnh Thủy mà còn truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ về ý tưởng lao động sáng tạo, không ngại khó, ngại khổ trên hành trình khởi nghiệp.