Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 15 tháng 1 năm 2021 | 11:20

Biện pháp chống rét cho cây trồng

Rét đậm, rét hại đang ảnh hưởng đến các tỉnh phía Bắc và miền Trung. Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp, bà con nông dân cần lưu ý một số biện pháp phòng chống rét cho cây trồng.

1.jpg

 

Đối với mạ xuân 

Đối với diện tích đã gieo mạ, cần áp dụng các biện pháp như:

Phủ lên bề mặt luống mạ một lớp mỏng tro rơm rạ để giữ ấm, ẩm cho ruộng mạ.

Luôn giữ ẩm cho luống mạ, tuyệt đối không để mạ bị khô hạn. Nếu nhiệt độ xuống dưới 15 độ C, ban đêm đưa nước vào ruộng ngập 1/3-1/2 cây mạ, để giữ ấm chân mạ, ban ngày tháo nước ra.

Che phủ nylon cho mạ khi nhiệt độ ngoài trời <15 độ C. Cắm ngang luống mạ bằng các thanh tre mềm dài 2,5m, rộng 1,5 - 2cm để tạo vòm, cách 1-1,5m cắm 1 thanh tre. Vòm có đỉnh cao khoảng 40 - 50 cm so với mặt luống. Sau đó dùng nilon trắng loại khổ rộng 1,8 - 2,4m phủ lên khung, vùi phần mép của nilon vào đất, phải vùi thật kín để tránh gió lùa vào sẽ làm chết mạ.

Từ khi gieo đến khi mạ có 1 lá, mạ phải được phủ nilon kín hoàn toàn. Sau đó, tùy theo thời tiết mà che hoặc dỡ nilon cho phù hợp. Khi nhiệt độ >18 độ C, ban ngày mở 2 đầu luống để thoát hơi nước cho mạ, ban đêm che kín. Trước khi cấy 4 ngày, ban ngày cần mở 2 bên mép luống để luyện mạ, nếu trời ấm thì mở toàn bộ luống mạ; ban đêm đậy kín giữ ấm cho mạ.

Không bón phân đạm, NPK cho mạ, chỉ sử dụng phân chuồng hoai mục để bón lót và tăng cường bón thúc phân kali để tăng khả năng chống rét cho cây mạ. Ngoài ra có thể sử dụng các loại phân bón qua lá, các chế phẩm sinh học phun cho mạ để tăng khả năng chống chịu cho mạ.

Để đảm bảo cho cây mạ sinh trưởng tốt, tuyệt đối không gieo mạ những ngày nhiệt độ dưới 13 độ C. Hạt thóc giống đã nảy mầm cần bảo quản trong phòng kín, tưới nước ấm, phủ bao tải dứa hoặc bao tải gai để tránh khô mầm trước khi gieo.

Đối với những diện tích mạ đã đủ tiêu chuẩn cấy nhưng do điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại (dưới 13 độ C) thì ngừng cấy, giữ mạ lại chờ khi nào nhiệt độ ấm thì cấy.

Đối với lúa mới cấy và gieo thẳng (gieo sạ)

Không để ruộng lúa mới cấy bị hạn. Cần đưa nước vào ruộng, duy trì ở mực nước tối thiểu 2 - 3cm liên tục để giữ lúa ấm chân. Đối với diện tích lúa mới gieo sạ, không tháo nước vào ruộng, tăng cường bón tro bếp, phân lân. Tuyệt đối không được bón phân đạm, các loại phân bón lá vào những ngày rét đậm rét hại, nhiệt độ dưới 13 độ C.

Khi thời tiết ấm trở lại (nhiệt độ trên 18 độ C) cần tranh thủ bón thúc phân đạm, NPK, bổ sung thêm phân lân đồng thời tiến hành sục bùn để kích thích rễ phát triển. Duy trì mực nước nông để lúa sinh trưởng thuận lợi và đẻ nhánh sớm.

Đối với rau màu

Bón phân cân đối và đầy đủ giúp cây trồng khỏe mạnh. Bón nhiều phân kali, giảm phân đạm trong các đợt rét đậm giúp cây trồng tăng khả năng chống rét.

 

t20.jpg
Người dân TP. Lào Cai (Lào Cai) tưới nước rửa trôi sương trên rau bắp cải. Ảnh: Thúy Phượng

 

Tưới nước đủ ẩm trong những ngày rét đậm. Những ngày có sương muối giá buốt, dùng thùng ô doa hay vòi bơm tưới, phun trên mặt lá làm rụng, tan hạt sương, tránh hiện tượng cháy lá khi có ánh nắng.

Sử dụng màng phủ nông nghiệp vừa có tác dụng chống rét, giữ ấm cho cây trồng rất tốt còn có các ưu điểm khác như hạn chế cỏ dại, giữa ẩm, tiết kiệm phân bón và nước tưới, hạn chế côn trùng, sâu bệnh gây hại…

Đối với lạc, đậu tương, ngô xuân...: không gieo trồng trong những ngày giá rét, nhiệt độ thấp dưới 13 độ C kéo dài cho dù thời vụ đã đến.

Khi thời tiết ấm trở lại, cần tập trung chăm sóc (bón phân, tưới nước, xới xáo, phòng trừ sâu bệnh...) để cây trồng nhanh chóng phục hồi sinh trưởng.

Đối với cây ăn quả

Tăng cường bón phân, chăm sóc cho cây ăn quả: Tưới đủ ẩm cho cây ăn quả, nhất là các loại cây đã nhú nụ. Bón phân cho cây ăn quả sớm đầu tháng 2, bón cân đối giữa đạm, lân và kali theo tỷ lệ 1:1:1. Phân kali có tác dụng làm giảm độ nhớt trong chất nguyên sinh của tế bào chất giúp cho quá trình hoạt động sinh lý, sinh hoá trong cây được thuận lợi, hoạt động mạnh, cây hút được nước, dinh dưỡng và nước tăng khả năng chống rét.

 

t20a.jpg
Nông dân TX. Đông Triều chăm sóc, chống rét cho diện tích cây ăn quả đang chuẩn bị thu hoạch. Ảnh: Nguyễn Thanh.

 

Những cây ăn quả có bộ lá xanh thẫm biểu hiện thừa đạm bón thêm phân kali và lân su pe, không bón đạm. Có thể phun phân kali Multy-K qua lá 1-2 lần bổ sung kịp thời kali qua lá nhất là trong điều kiện thời tiết rét hại (nhiệt độ dưới 10 độ C cây ngừng hút dinh dưỡng và nước).

Tỉa thưa hợp lí cành la, cành vóng, cành vượt, cành bị sâu, bệnh hại đối với những cây chưa nhú nụ, làm bộ tán thông thoáng.

Có thể sử dụng chất tăng trưởng Vườn sinh thái đa năng hoặc loại chuyên dùng cho cây ăn quả phun cho cây. Đây là sản phẩm sạch, hoàn toàn không độc hại với cây trồng và người sử dụng. Phun cho cây ăn quả giai đoạn nụ 2 lần, mỗi lần cách nhau 10 ngày, trước khi nở hoa 3-5 ngày và khi đậu quả- quả non phun thêm 2-3 lần nữa, nồng độ 10ml/20lít nước/300m2 tán lá. Chất tăng trưởng Vườn sinh thái giúp cho cây đậu nhiều quả, quả to, chín sớm trước thời vụ 10-15ngày làm tăng giá trị sản phẩm.

Phòng trừ kịp thời các loại dịch sâu, bệnh mới phát sinh, gây hại:

Trong điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại chủ yếu có bệnh mốc sương, gây hại trên các loại cây vải, nhãn, xoài, cam, chanh, quít, bưởi. Cần phòng, trừ bệnh đốm lá, mốc sương bằng các loại thuốc nội hấp đặc hiệu trừ bệnh này như: Aliette 80WP; Alpine 80WP, Ridomin Gold 72%; Ricide 72WP... nồng độ 0,2%, phun 2-3 lần. Trước khi nở hoa 5-7 ngày và khi đậu quả bằng hạt đậu tương, phun cách nhau 15-20 ngày/lần. Các loại thuốc nội hấp này sau khi phun 4-6 giờ gặp mưa không cần phải phun lại, thuốc có hiệu lực kéo dài sau khi phun thuốc 15-20 ngày.


 


 

 

Ánh Nguyệt - Văn Duy
Ý kiến bạn đọc
Top