Ngày 2/2/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ký ban hành các thông tư số 01, 02, 03, 04, có hiệu lực từ ngày 20/3/2021, thay thế chùm thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV.
Nhiều giáo viên cho rằng, loạt thông tư thay thế của Bộ GD-ĐT là “Bỏ chứng chỉ này, lại bắt có chứng chỉ kia”, gây phiền hà, tốn kém về thời gian và tiền bạc.
Băn khoăn của nhiều giáo viên
Sau khi Bộ GD-ĐT ban hành chùm thông tư 01,02, 03, 04, có hiệu lực từ ngày 20/3/2021, thay thế các thông tư liên tịch năm 2015, cô giáo Đ.T.T.H, Phó hiệu trưởng một trường THCS trên địa bàn Hà Nội, cho biết, trong chùm thông tư mới này, Bộ GD-ĐT bỏ quy định về trình độ ngoại ngữ, tin học, chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của giáo viên các cấp và bỏ quy định về trình độ ngoại ngữ thứ hai đối với giáo viên dạy ngoại ngữ.
Đây là một trong những cải cách rất đáng hoan nghênh của Bộ GD-ĐT, việc bãi bỏ những chứng chỉ này là thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc bãi bỏ, cắt giảm những thủ tục không cần thiết.
Nhưng, cũng trong chùm thông tư mới này, Bộ GD-ĐT lại yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp (CDNN). Theo đó, giáo viên ở hạng nào phải có CDNN của hạng đó, nếu không thì sẽ bị xếp tụt hạng hoặc giữ mã ngạch cũ và hệ số lương cũ thấp so với hệ số lương mới.
“Cuối năm 2011, Sở GD-ĐT Hà Nội đã tổ chức một kỳ thi nâng hạng cho giáo viên. Sau kỳ thi nâng hạng này, tôi đã được nhận quyết định công nhận chức danh nghề nghiệp hạng 1, từ đó đến nay tôi được hưởng lương và chế độ ở mức chức danh này.
Nếu thực hiện theo quy định của chùm thông tư mới, không có CDNN, tôi sẽ bị tụt hạng từ hạng 1 xuống hạng 2, đồng nghĩa với việc tụt hạng thì lương của tôi cũng sẽ bị giảm. Như vậy, quyết định công nhận chức danh nghề nghiệp hạng 1 của tôi trước kia không còn có giá trị”, cô giáo này nói.
Một giáo viên khác tại Trường mầm non SC cho biết: Hiện nay, tôi đang hưởng lương và các phụ cấp khác theo chức danh nghề nghiệp hạng 4. Nhưng vừa qua nhà trường yêu cầu tôi phải đi học để hoàn thiện hồ sơ, thủ tục nâng hạng, tuy nhiên, tôi không có nhu cầu nâng hạng vì thời gian công tác đã lâu.
Cô giáo này nói: “Việc Bộ GD-ĐT ban hành chùm thông tư mới này chẳng khác nào bỏ chứng chỉ này, lại bắt phải có chứng chỉ kia, vừa tốn công sức lại vừa tốn tiền, chúng tôi phải đi học và đi thi nhưng không biết thi có đỗ để nhận được chứng chỉ hay không (?!), hay lại làm nảy sinh thêm các hiện tượng tiêu cực trong vấn đề này?”.
Theo giải thích của Bộ GD-ĐT, việc ban hành các thông tư mới là nhằm triển khai Luật Viên chức và cập nhật các yêu cầu mới của Luật Giáo dục năm 2019, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.
Tuy nhiên, thay đổi gì thì cũng phải bảo đảm được quyền lợi của cán bộ, giáo viên đang được hưởng, không nên phủ nhận những quyết định công nhận CDNN đã có. Đây là băn khoăn, trăn trở của nhiều giáo viên trong cả nước về chùm thông tư mới mà Bộ GD-DDT vừa ban hành này.
Hướng dẫn của Bộ GD-ĐT có thực sự tháo gỡ được vướng mắc?
Ngày 12/3/2021, Bộ GD-ĐT ban hành Công văn 971/BGDĐT-NGCBQLGD, về việc triển khai thực hiện mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập, giúp giáo viên hiểu rõ hơn về việc áp dụng các thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT.
Tuy nhiên, nội dung văn bản hướng dẫn có phần chưa rõ ràng, có chỗ còn mâu thuẫn về yêu cầu chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Có thể nêu một ví dụ để thấy nội dung văn bản hướng dẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng, đó là: “Yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng III” áp dụng đối với: giáo viên mầm non, tiểu học được tuyển dụng sau ngày thông tư 01,02 có hiệu lực thi hành và giáo viên mầm non hạng III cũ được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III mới, giáo viên tiểu học hạng III cũ được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III mới; giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông được tuyển dụng sau ngày thông tư 03,04 có hiệu lực thi hành.
Với hướng dẫn như thế này, giáo viên sẽ ngầm hiểu là chỉ có giáo viên mầm non hạng III cũ được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III mới, giáo viên tiểu học hạng III cũ được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III mới và những giáo viên được tuyển dụng sau ngày 20/3/2021 thì bắt buộc phải học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng III.
Những giáo viên còn lại được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp hạng III thì “chưa yêu cầu bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng III”.
Thực tế, thì tại điểm b, mục 3, Điều 3 của các thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT hướng dẫn các tiêu chí của giáo viên hạng III, trong đó yêu cầu: Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng III (đối với giáo viên mới được tuyển dụng vào giáo viên hạng III thì phải có chứng chỉ trong thời gian 36 tháng kể từ ngày được tuyển dụng).
Còn nhiều điểm, nội dung trong Công văn 971/BGDĐT-NGCBQLGD của Bộ GD-ĐT chưa rõ ràng, mâu thuẫn với nội dung trong chùm thông tư vừa được chính Bộ này ban hành và như vậy những vấn đề mà dư luận cũng như giáo viên các cấp học, những đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chùm thông tư mới trên phạm vi cả nước vẫn đang còn hoang mang, chưa yên tâm về việc thực hiện.
Trước phản ánh về những vướng mắc, bất cập của quy định sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và các chứng chỉ bồi dưỡng khác đối với viên chức, nhất là đối với giáo viên cơ sở đào tạo công lập trong việc thi thăng hạng, bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, ngày 20/3/2021, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GD-ĐT đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung quy định có liên quan đến các loại chứng chỉ dùng để xếp hạng giáo viên cho phù hợp. Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành tổng hợp, báo cáo cụ thể về các loại chứng chỉ đối với đội ngũ viên chức, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2021.
TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT), cho rằng, yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp là một trong những bất cập của lộ trình trả lương theo vị trí việc làm, bởi cơ quan quản lý đã áp dụng chung công thức cho tất cả ngành nghề. Không thể bắt một giáo viên công tác 10, 20 năm, chuyên môn tốt, nhiều kinh nghiệm tham gia các lớp bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp chỉ để chuẩn hồ sơ, hợp quy định. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo, bồi dưỡng còn nhiều bất cập. Một số nội dung được thiết kế để bồi dưỡng nhà quản lý chứ không phải dành cho giáo viên. Về học phí đào tạo, giáo viên cũng phải bỏ tiền túi để đi học, trong khi lương của thầy cô không cao. Đồng thời, trước không ít ý kiến các nhà giáo khi đạo đức nhà giáo xếp thành ba hạng 1, 2, 3 gây tổn thương với họ, đây không phải là đạo đức xếp thành ba hạng 1, 2, 3 mà là đạo đức nghề nghiệp. Do vậy, cần phân biệt đạo đức nghề nghiệp và đạo đức nhà giáo nói chung được quy định trong luật. |
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.