Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 20 tháng 6 năm 2016 | 2:34

Báo chí và doanh nghiệp: Hai đội xung kích trong phát triển đất nước

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mong rằng trong thời gian tới, báo chí và doanh nghiệp tiếp tục đồng hành, hợp tác, tôn trọng và hỗ trợ lẫn nhau, vì lợi ích chung của cộng đồng, vì thương hiệu doanh nghiệp, vì sản phẩm Việt Nam, để cùng phát triển đất nước...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu Chương trình Nhà báo đồng hành cùng doanh nghiệp, doanh nhân lần thứ hai. Ảnh: Trần Hải

Vừa qua, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi gặp gỡ đoàn nhà báo tham dự Chương trình Nhà báo đồng hành cùng doanh nghiệp.

Báo cáo với Thủ tướng, ông Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, nói: Vấn đề phát triển doanh nghiệp luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm đặc biệt và là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế nói chung, cũng như phát triển văn hóa, xã hội của đất nước. Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc gặp mặt với doanh nghiệp  ngày 29-4 vừa qua, báo chí đã có nhiều hành động thiết thực để xây dựng đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân của Việt Nam phát triển bền vững. Với tính chất là tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, nhiều năm qua, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức thường xuyên các hoạt động xã hội có ý nghĩa thiết thực, kết nối doanh nghiệp với các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền, các tổ chức xã hội; kết nối doanh nghiệp trong nước với nước ngoài. Điều này ngày càng khẳng định vai trò của báo chí đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, khẳng định mối quan hệ hai chiều, gắn bó, hỗ trợ lẫn nhau. Trong bối cảnh khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước, báo chí càng trân trọng, đánh giá cao sự hỗ trợ, ủng hộ to lớn của các doanh nghiệp , doanh nhân. Báo chí và cộng đồng doanh nghiệp tham gia giám sát việc thực hiện các chính sách của Chính phủ, đặc biệt trong việc cải cách thủ tục hành chính. Báo chí còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cho doanh nghiệp, cầu nối để doanh nghiệp hội nhập kinh tế quốc tế. Trên lĩnh vực tuyên truyền phát triển kinh tế, báo chí vừa phát hiện, tuyên truyền biểu dương những doanh nghiệp có cách làm hay, kinh nghiệm tốt, những doanh nhân nỗ lực vượt qua khó khăn để cống hiến cho cộng đồng, cho đất nước..., vừa phát hiện, đấu tranh phê phán những hoạt động sản xuất, kinh doanh không lành mạnh, vi phạm pháp luật, hủy hoại môi trường... Báo chí cũng đã chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp, phản biện những chính sách của Nhà nước đối với doanh nghiệp và phản biện những cách làm của chính các doanh nghiệp, vì sự phát triển và lợi ích chung của đất nước.

Phát biểu tại buổi gặp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Mục đích của cuộc gặp gỡ này là thắt chặt mối quan hệ tốt đẹp, sự hiểu biết, hỗ trợ lẫn nhau giữa báo chí và doanh nghiệp vì mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước”.

Đánh giá cao vai trò quan trọng của báo chí trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, Thủ tướng cho rằng, đất nước càng dân chủ bao nhiêu thì sự công khai, minh bạch, tiếng nói của báo chí càng quan trọng bấy nhiêu. Đây là tiếng nói của công luận, là sức mạnh của báo chí. Sức mạnh này để phục vụ sự phát triển đất nước, trong đó, góp phần xây dựng đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam ngày càng lớn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu một số nhiệm vụ đối với các nhà báo, cơ quan báo chí: thực hiện tốt sứ mệnh của báo chí, bảo đảm thông tin nhanh nhạy, khách quan, trung thực, luôn theo sát từng biến động trong dòng chảy đời sống, nhất là đời sống kinh tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; thực hiện tốt vai trò cầu nối của báo chí, kịp thời chuyển tải thông tin, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thủ tướng mong muốn báo chí cần làm tốt hơn vai trò là diễn đàn cổ vũ, động viên các doanh nghiệp, doanh nhân phát huy sáng tạo; chia sẻ với doanh nghiệp về những khó khăn, trở ngại, phiền hà đối với quá trình sản xuất, kinh doanh; phát hiện, biểu dương những điển hình, nhân tố mới, sản phẩm tốt, đồng thời phát hiện, phê phán tiêu cực, sai trái, góp phần xây dựng đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân lớn mạnh.

Thủ tướng cho rằng, báo chí cần tiếp tục đóng góp để thực hiện thông điệp Chính phủ đưa ra tại Nghị quyết 35 là tạo động lực mới cho doanh nghiệp phát triển. Thông điệp đó cần được chuyển tải mạnh mẽ trong xã hội, nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp mới, để đến năm 2020, có khoảng 1 triệu doanh nghiệp.

Báo chí cũng cần góp phần đổi mới nhận thức xã hội, tạo nên sự đồng thuận, cảm thông, chia sẻ của xã hội đối với doanh nghiệp, doanh nhân, tôn vinh, động viên doanh nhân đóng góp tài năng xây dựng đất nước. Cho rằng, doanh nghiệp có nhiều mối lo như lo cho người lao động, sản phẩm, phát triển ổn định…, Thủ tướng chia sẻ “đó là những mối lo lớn mà chúng ta cần tôn trọng, làm cho xã hội hiểu, đừng tạo rào cản, để doanh nghiệp yên tâm”.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp chủ động cung cấp thông tin cho báo chí tốt hơn, thường xuyên hơn. “Tôi mong rằng, thời gian tới, báo chí và doanh nghiệp tiếp tục đồng hành, hợp tác, tôn trọng và hỗ trợ lẫn nhau, vì lợi ích chung của cộng đồng, vì thương hiệu doanh nghiệp, vì sản phẩm Việt Nam, để cùng phát triển đất nước chúng ta”.

Nhân dịp này, Thủ tướng gửi lời thăm hỏi thân thiết, lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến các nhà báo lão thành, lãnh đạo các cơ quan báo chí, những người làm công tác báo chí nhân dịp kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6).

Tại buổi gặp, ý kiến phát biểu của các nhà báo và doanh nghiệp đều khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ gắn bó, đồng hành giữa báo chí và doanh nghiệp. Báo chí coi doanh nghiệp, doanh nhân là nguồn đề tài phong phú, đa dạng, là nguồn cảm hứng để sáng tạo tác phẩm có tính thực tiễn cao; là kênh thông tin phản ánh chính sách có đi vào thực tiễn hay không. Trong đó có các đề tài về đầu tư, kinh doanh, lợi nhuận, vốn, công nghệ, thị trường tiêu thụ sản phẩm, doanh nhân… luôn tạo ra sự thu hút độc giả. Bên cạnh đó, báo chí cũng nêu lên các bài học về thất bại của doanh nghiệp, những doanh nghiệp trốn thuế, sản xuất hàng giả, hàng nhái, gây tác động xấu đến xã hội... để cảnh tỉnh, đấu tranh, nhằm xây dựng một môi trường kinh doanh ngày càng lành mạnh, hiệu quả.

Các doanh nghiệp đánh giá cao vai trò của báo chí trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu, tìm kiếm thị trường, nắm bắt thông tin về chính sách pháp luật của Nhà nước. Đồng thời cũng mong muốn báo chí và doanh nghiệp phối hợp tốt hơn, từ cơ chế cung cấp thông tin, xử lý thông tin đến việc tuân thủ pháp luật của Nhà nước, hướng doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đúng đắn, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện, hành vi tiêu cực, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng và minh bạch.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng thì Hội Nhà báo Việt Nam sẽ cùng với Phòng Thương mại và Công nghiệp tích cực phối hợp tổ chức thêm các các hoạt động thiết thực, trong đó Hội Nhà báo Việt Nam  sẽ chỉ đạo các cấp Hội Nhà báo và hội viên luôn gắn bó, đồng hành cùng doanh nghiệp, trên tinh thần hai bên cần có nhau…”, ông Thuận Hữu hứa với Thủ tướng.

Theo người viết, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định: Báo chí là đội quân xung kích của cách mạng. Trong thời bình, Người cũng cho rằng: Giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế, tài chính vững vàng, thịnh vượng. Đại hội XII vừa rồi khẳng định: Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế.

Như vậy, báo chí và doanh nhân là đội xung kích trong phát triển kinh tế.

PVTS

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • "Không làm thay, không đùn đẩy trách nhiệm sắp xếp công ty nông, lâm nghiệp"

    Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ ra rằng, công tác sắp xếp đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn. Trong đó tiến độ sắp xếp, đổi mới còn chậm, còn vướng mắc.

  • Mua bán sầu riêng chưa đủ tuổi: Lợi bất cập hại

    Mua bán sầu riêng chưa đủ tuổi: Lợi bất cập hại

    Thay vì mua sầu riêng đủ tuổi như mọi năm thì nay một số thương lái còn đến tận vườn mua sầu riêng non, lợi chưa thấy nhưng hại đã hiện hữu.

  • Chăn nuôi xanh để phát triển bền vững

    Chăn nuôi xanh để phát triển bền vững

    Chăn nuôi hiện đóng góp tới 26,7% GDP của toàn ngành Nông nghiệp, song cũng tạo ra hơn 60 triệu tấn chất thải rắn mỗi năm, gây áp lực lớn cho môi trường. Việc xây dựng chuỗi "chăn nuôi xanh" không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính mà còn tạo ra tăng trưởng bền vững hơn cho doanh nghiệp ngành chăn nuôi.

Top