Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 19 tháng 3 năm 2021 | 20:40

Bộ Nông nghiệp và PTNT làm việc với Hội Làm vườn Việt Nam

Chiều nay, 19/3, tại trụ sở Hội Làm vườn Việt Nam, diễn ra buổi làm việc giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT và Hội Làm vườn Việt Nam.

Tham dự có ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, đại diện các cục, vụ, trung tâm của Bộ; Chủ tịch, Phó chủ tịch, trưởng các ban chuyên môn của Hội; Tổng Biên tập, Phó Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế nông thôn.

162222042_732637784069260_223384066709002255_n.jpg
Toàn cảnh buổi làm việc.

 

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, thông tin: Trong 5 năm gần đây, các cấp Hội đã kết nạp mới trên 34.000 hội viên. Hội đã phối hợp với nhiều tổ chức chính trị-xã hội, xã hội- nghề nghiệp như: Hội Nông dân Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam, các viện, trường, các đơn vị trong ngành Nông nghiệp và PTNT, thu hút được nhiều chủ trang trại, chủ doanh nghiệp, các nhà khoa học, quản lý, các nhà giáo có uy tín, kinh nghiệm và tâm huyết, kể cả đương nhiệm và đã nghỉ hưu tham gia vào các hoạt động Hội.

Mô hình Câu lạc bộ trang trại ở  Hội Làm vườn các địa phương lập ra đã tập hợp các chủ trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp chủ động kết nối với nhau, nhằm chia sẻ kinh nghiệm về thị trường, giống, vốn, ứng dụng công nghệ vào sản xuất và phát triển thị trường tiêu thụ nông sản.

Các đơn vị trực thuộc (Ban dự án, các trung tâm) đã triển khai tốt các dự án được các bộ, ngành, tổ chức quốc tế giao. Văn phòng Hội duy trì liên hệ chặt chẽ và đáp ứng kịp thời các yêu cầu của địa phương về thông tin, công tác thi đua, khen thưởng...

Đẩy mạnh công tác cải tạo vườn tạp, đào tạo, tập huấn và xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ phát triển kinh tế vườn.

Cụ thể, nhiều mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản được các Hội vận động hội viên, nông dân xây dựng đã hình thành nhiều  vùng sản xuất tập trung, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, tuân thủ các  quy trình thực hành nông nghiệp tốt. Đặc biệt, ở các tỉnh phía Nam, nhiều loại cây ăn quả  đặc sản như: thanh long, vú sữa, măng cụt, nhãn, vải, bưởi da xanh… nhờ áp dụng quy trình an toàn đã được cấp chứng chỉ GlobalGAP, VietGAP… Các mặt hàng này đã và đang được xuất sang thị trường Nhật, Mỹ, châu Âu, nơi có yêu cầu cao về vệ sinh an toàn thực phẩm.

a.jpgÔng Nguyễn Xuân Hồng, Chủ tịch Hội báo cáo tại buổi làm việc.

 

Triển khai thực hiện Nghị quyết liên tịch với Bộ Nông nghiệp và PTNT, đã có trên 70% tỉnh Hội  ký kết với  Sở Nông nghiệp và PTNT về kế hoạch phối hợp thực hiện Nghị quyết liên tịch. Thông qua ký kết Nghị quyết liên tịch, tổ chức Hội các cấp đã trở thành đối tác quan trọng và được ngành Nông nghiệp phối hợp hoặc giao thực hiện trực tiếp một số dự án, đề tài, vai trò của các tổ chức Hội đã được phát huy đáng kể.

Bên cạnh đó, Hội đã chủ trì hoặc tham gia  thực hiện một số hoạt động hợp tác quốc tế như đi dự các hội nghị, hội thảo ở nước ngoài, tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, hội thảo trong nước với sự hỗ trợ kinh phí của các dự án hợp tác quốc tế về phát triển nông nghiệp bền vững, nông nghiệp hữu cơ, làm vườn hữu cơ… hoặc các dự án trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn. Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam hiện nay là Chủ tịch Mạng lưới Phát triển nguồn nhân lực nông thôn châu Á.

Về phương hướng hoạt động của Hội trong thời gian tới, Chủ tịch Nguyễn Xuân Hồng chia sẻ: "Hội sẽ tích cực đẩy mạnh và nâng cao chất lương công tác vận động hội viên, nông dân phát triển kinh tế vườn theo hướng phát triển nông nghiệp hàng hóa hiệu quả, chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần xóa nghèo, vươn lên làm giàu. Củng cố và phát triển tổ chức, tăng cường năng lực của hội viên thích ứng với tình hình mới". 

a3.jpg
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu tại buổi làm việc.

 

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá cao những kết quả mà Hội Làm vườn Việt Nam đạt được trong thời gian qua,  đồng thời đề nghị Hội cần tiếp tục tuyên truyền, vận động và lan tỏa phong trào làm kinh tế vườn theo hướng nông nghiệp hàng hóa, từng bước phát triển nghề làm vườn hữu cơ, theo hướng nông nghiệp tuần hoàn, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, xây dựng nông thôn mới giàu đẹp, đô thị văn minh, hiện đại.

Thứ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hội để xây dựng các nội dung hoạt động cụ thể, thiết thực, có tính khả thi cao, phù hợp với năng lực của Hội, các chương trình, dự án của Trung ương và địa phương.

Với mục tiêu tăng cường phối hợp trong quá trình chỉ đạo, tổ chức và thực hiện nhiệm vụ công tác giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT và Hội Làm vườn Việt Nam, hai bên cần tổng kết Nghị quyết liên tịch giai đoạn 2013-2020; trao đổi, thống nhất nội dung, tiến tới ký kết Nghị quyết liên tịch giai đoạn 2021-2025 nhằm tiếp tục thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới vào phát triển kinh tế VAC (vườn, ao, chuồng), góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, từng bước phát triển sản xuất hàng hóa quy mô hộ gia đình và trang trại theo hướng chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và hiệu quả, bền vững. Đẩy mạnh phong trào thi đua phát triển, nhân rộng các điển hình nông dân làm kinh tế giỏi, thực hiện xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu, xây dựng nông thôn mới...

 

 

 

  

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top