Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 10 tháng 12 năm 2020 | 9:25

“Càng khó khăn thì càng phải thi đua”

Thực hiện lời dạy của Bác “Càng khó khăn thì càng phải thi đua”, trong những năm qua, toàn dân đã tích cực tham gia thi đua phấn đấu, chung sức, đồng lòng thực hiện thắng lợi mục tiêu kép mà Chính phủ đề ra là kiểm soát được đại dịch và phát triển KT-XH.

 

001.jpg
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chủ tịch Hội đồng Thi đua - khen thưởng trung ương và các đại biểu dự lễ khai mạc - Ảnh: TTXVN

Sáng nay (10/12), Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X chính thức khai mạc tại Hà Nội.

Với chủ đề: “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X với sự tham dự của 2.300 đại biểu, gồm 280 đại biểu khách mời và 2.020 đại biểu chính thức.

Thi đua là cội nguồn sức mạnh của phát triển

Phát biểu khai mạc Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, phong trào thi đua yêu nước như những làn sóng trào dâng, kết tinh sức mạnh, mang theo khí thế lịch sử hào hùng của cha ông và dân tộc ta. Năm 2020, phải được xem là năm thành công nhất của nước ta trong 5 năm qua về tinh thần và ý chí vươn lên trong mọi khó khăn, thử thách.

Trong 5 năm qua, phong trào thi đua yêu nước đã phát triển ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng chưa từng thấy, với nhiều nội dung phong phú, hình thức sinh động. Chúng ta đã thấy nhiều hình ảnh cảm động, nhân văn, những tấm gương đa dạng trong nhiều lĩnh vực, từ người chiến sĩ lực lượng vũ trang đến người dân, người già, trẻ nhỏ đều có tấm lòng đối với đất nước trong lúc khó khăn, dịch bệnh diễn ra. “Chúng ta đã làm những việc mà thế giới cảm động, khâm phục”, Thủ tướng nhấn mạnh. Có thể nói, các phong trào thi đua của chúng ta đã góp phần quan trọng vào việc động viên sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, khơi dậy được tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc; hun đúc ý chí mạnh mẽ, khát vọng hùng cường của dân tộc ta. Thi đua giờ đây đã trở thành điều rất quen thuộc trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Tinh thần thi đua, vượt lên chính mình chính là cội nguồn sức mạnh của sự phát triển.

Mặc dù còn những tồn tại, hạn chế và gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nhờ sự nỗ lực rất lớn và quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật, tô đậm thành tựu của 35 năm đổi mới với những bước tiến vượt bậc. Liên tiếp trong 4 năm 2016-2019, chúng ta đã thi đua hoàn thành xuất sắc các mục tiêu kinh tế-xã hội đề ra, đứng trong tốp 10 nước tăng trưởng cao nhất thế giới, là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất.

Năm 2020 đánh dấu một bước ngoặc lớn trong lịch sử 100 năm gần đây của nhân loại khi đại dịch Covid-19 gây ra những tác hại vô cùng lớn đến kinh tế và sự xáo trộn trong đời sống xã hội của hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. Tuy nhiên, nhờ sự đoàn kết, đồng lòng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, của sự hòa quyện giữa "ý Đảng và lòng dân", chúng ta đã thi đua và giành thắng lợi trong việc thực hiện "mục tiêu kép", vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế.

Đến thời điểm hiện nay, khi nhiều nước trong khu vực và trên thế giới bị rơi vào suy thoái sâu, Việt Nam là nền kinh tế vẫn duy trì được tăng trưởng dương. Dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, giảm thiểu số người chết và những thiệt hại về kinh tế, an sinh xã hội được bảo đảm, văn hoá, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đạt nhiều kết quả ấn tượng.

 

003.jpg
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, phong trào thi đua yêu nước như những làn sóng trào dâng, kết tinh sức mạnh, mang theo khí thế lịch sử hào hùng của cha ông và dân tộc ta.

 

“Từ đây chúng ta hiểu thêm rằng, mức độ thành công được xác định không chỉ bởi những gì chúng ta đã đạt được, mà bởi cả những trở ngại chúng ta đã vượt qua”, Thủ tướng nói. Với những kết quả đặc biệt đó, không thể không cho rằng, năm 2020 phải được xem là năm thành công nhất của nước ta trong 5 năm qua về tinh thần và ý chí vươn lên trong mọi khó khăn, thử thách. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với tương lai đất nước không ngừng được củng cố và nâng cao. Những lúc khó khăn nhất, gai góc nhất là dịp để mỗi chúng ta thể hiện bản sắc của tinh thần dân tộc, sự đoàn kết, “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”; tô điểm cho bản lĩnh, ý chí, khí chất của con người Việt Nam, không thử thách nào mà dân tộc ta không thể vượt qua.

Thủ tướng nêu rõ, trong mỗi chặng đường phát triển của đất nước, phong trào thi đua yêu nước như những làn sóng trào dâng, kết tinh sức mạnh, mang theo khí thế lịch sử hào hùng của cha ông và dân tộc ta. Thi đua là động lực thúc đẩy mỗi cá nhân tự làm mới mình, luôn nỗ lực ngày thêm tiến bộ, tự giác vươn lên giành lấy thành quả mới trong lao động, học tập, sản xuất kinh doanh. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Thi đua, khen thưởng là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới”.

Xây dựng nông thôn mới về đích sớm

Báo cáo kết quả phong trào Thi đua yêu nước 5 năm qua, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương cho biết, phong trào có hiệu quả thiết thực nhất và để lại dấu ấn, làm thay đổi bộ mặt, diện mạo của nông thôn Việt Nam trong thời gian qua là phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Hàng loạt mô hình mới, sáng tạo được thực hiện hiệu quả và nhanh chóng được nhân rộng ra cả nước như mô hình “Mỗi xã một sản phẩm” xuất phát từ tỉnh Quảng Ninh được nhân rộng thành chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2018-2020; mô hình “Xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu” tại tỉnh Hà Tĩnh, Phong trào “Sáng, xanh, sạch đẹp” của các tỉnh Đồng bằng sông Hồng; phong trào “Cánh đồng mẫu lớn có sự liên kết 4 nhà” của các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long và Đông Nam bộ; phong trào “Điểm sáng biên giới” của các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc; phong trào “Làng quê không rác thải”, “Đường hoa thay cỏ dại” ở các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên...

Trong 10 năm, đã có hàng vạn hộ gia đình tự nguyện hiến gần 45 triệu m2 đất, đóng góp hàng chục nghìn tỷ đồng và gần 60 triệu ngày công lao động để xây dựng các công trình công cộng, phúc lợi ở địa phương, góp phần về đích sớm gần hai năm các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2020. Có 61% xã, 26% đơn vị cấp huyện và 12 tỉnh, thành phố có 100% xã về đích nông thôn mới. Một số nơi đã xây dựng được mô hình nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và đang nhân rộng để phấn đấu đến 2025 đạt 10% số xã nông thôn mới kiểu mẫu.

 

00.jpg
Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng Nhà nước và các đại biểu thực hiện nghi lễ chào cờ. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

 

Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước xuống dưới 3%; so với đầu nhiệm kỳ có 32,5% xã vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, 50% huyện thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

Các phòng trào tiêu biểu có thể kể đến phong trào “Phòng giao dịch khách hàng kiểu mẫu”, “Trạm biến áp kiểu mẫu”, “Đường dây kiểu mẫu” của mảng công thương, giao thông. Phong trào “Cùng nông dân bảo vệ môi trường”, “Áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP)”, “Quản lý bảo vệ rừng tận gốc” của khối ngành nông nghiệp. Phong trào “Thi đua thực hiện thành công tái cơ cấu ngân hàng”, “Lao động giỏi, sáng tạo, quản lý tốt”... của khối tài chính, ngân hàng. Các phong trào thi đua đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Tâm tư đại biểu

Với mỗi đại biểu, được dự Đại hội lần này là niềm vinh dự, tự hào, nhưng cũng là nguồn động viên to lớn để họ tiếp tục làm việc, cống hiến tốt hơn. Ông Quàng Văn Phích (70 tuổi, nông dân điển hình làm kinh tế giỏi ở bản Thanh Chính, xã Noong Luống, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) cho biết: "Tôi rất phấn khởi. Đến đây gặp được nhiều người, tôi cũng sẽ tìm hiểu xem những anh em làm kinh tế giỏi để biết, về nhà mình sẽ áp dụng, cùng bà con phát triển kinh tế của địa phương".

Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn (Tổng công ty Gia Long, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang) Bà Nguyễn Thị Lan Dung, kể câu chuyện về kinh nghiệm xây dựng doanh nghiệp chế biến, sản xuất các sản phẩm nông sản cho người dân địa phương như dong riềng, rượu nếp Quảng Nguyên, rượu mận Xín Mần, gạo già dui Xín Mần…

Chia sẻ về các thành quả đã đạt được của doanh nghiệp sau 20 năm thành lập, bà Nguyễn Thị Lan Dung cho biết: “Doanh nghiệp được thành công bước đầu như hôm nay xuất phát từ chính sự cảm thông với nỗi vất vả của bà con trong vùng. Tâm nguyện của tôi là muốn giúp cho bà con nông dân có điều kiện phát triển kinh tế nên tôi quyết định thành lập ở địa bàn vùng sâu vùng xa. Sau thời gian 20 năm thành lập, công ty của chúng tôi đã kết nối được nhà nông, doanh nghiệp và nhà khoa học, bằng cách là bao tiêu những sản phẩm tại địa phương và sản xuất ngay tại địa phương. Nếu là một doanh nhân mà không xuất phát từ tinh thần yêu nước thì sẽ không chọn địa bàn vùng sâu vùng xa để kinh doanh".

Nhà sáng chế Đinh Phú Hiệp (39 tuổi, đại biểu tỉnh An Giang) chia sẻ: "Lần đầu được dự Đại hội Thi đua yêu nước khiến tôi thấy rất vinh dự và tự hào. Tại đây, có nhiều đoàn đại biểu đến từ nhiều địa phương khác nhau, mỗi đại biểu thể hiện một phong cách và vẻ đẹp riêng. Tôi đã có cơ hội gặp gỡ với nhiều đại biểu. Đặc biệt, khi hát quốc ca cùng với 2.300 đại biểu thì tôi thấy rất xúc động".

 

Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đặt mục tiêu đến năm 2025 có trên 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có ít nhất 40% số xã nông thôn mới nâng cao, 10% số xã nông thôn mới kiểu mẫu, đến năm 2025 không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí. Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” đưa tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì giảm từ 1 đến 1,5% hàng năm.

 

 

 

 

D.T
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top