Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 17 tháng 8 năm 2017 | 10:17

Căng thẳng Mỹ-Triều leo thang liệu có khiến “bom rơi, đạn nổ”?

Những lời lẽ cứng rắn mà Mỹ và Triều Tiên dành cho nhau suốt thời gian qua khiến giới quan sát không khỏi lo ngại nguy cơ chiến tranh bùng nổ.

Mỹ chưa muốn “đụng binh đao”

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, lời đe dọa sẽ khiến Triều Tiên đối mặt với “bão lửa và thịnh nộ” của Tổng thống Mỹ Donald Trump không hàm nghĩa ông sẽ dội “mưa bom bão đạn” vào Triều Tiên như giới quan sát vẫn lo ngại.

cang thang my va trieu tien leo thang lieu co dan den chien tranh hinh 1
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Chuyên gia phân tích chính trị của đài RIA Novosti Dmitry Kosyrev nhận định, cho đến nay, cả Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đều chưa vạch ra bất kỳ kế hoạch cụ thể nào nhằm tấn công vào các mục tiêu trên đất Triều Tiên.

Ông Kosyrev cho rằng, cũng như “bão lửa và cơn thịnh nộ”, lời đe dọa “súng đã lên nòng” của Tổng thống Trump chỉ là “nói suông” về mặt quân sự. Trên thực tế, Washington đang toan tính các biện pháp khác nhằm buộc Triều Tiên từ bỏ tham vọng hạt nhân và tên lửa của mình.

“Ông Trump từng tuyên bố rằng, các giải pháp quân sự [cho vấn đề Triều Tiên-ND] đã sẵn sàng. Súng đã nên nòng và sẵn sàng khai hỏa nếu Triều Tiên có những hành động khinh suất. Hy vọng ông Kim Jong-un sẽ nghĩ lại. Tuy nhiên, ông ấy không hề đề cập đến bất kỳ một hành động cụ thể nào từ phía Mỹ”, ông Kosyrev nhấn mạnh.

Điều này càng được củng cố bằng việc trong cuộc trao đổi với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Tướng Joseph Dunford, Tổng Tham mưu trưởng Liên quân thay vì đề cập đến các giải pháp quân sự lại coi ngoại giao và kinh tế là ưu tiên hàng đầu trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên.

Cùng chung quan điểm này, cả Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis cùng chia sẻ trên Wall Street Journal rằng: “Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang gây áp lực về ngoại giao và kinh tế lên Triều Tiên để đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Mỹ không có ý định lật đổ chế độ tại Triều Tiên hay tìm cách đẩy nhanh quá trình thống nhất hai miền Triều Tiên. Chúng tôi cũng không có ý định gây thêm tổn thất cho người dân Triều Tiên vốn đã chịu quá nhiều đau khổ”.

Trung Quốc là mục tiêu của “bão lửa và thịnh nộ” ?

Chính vì thế theo ông Kosyrev, lời đe dọa về “bão lửa và thịnh nộ” của Tổng thống Trump chủ yếu là dành cho Trung Quốc, cụ thể là việc Trung Quốc đã “không gây sức ép đủ với Triều Tiên” như ông Trump mong đợi.

Hơn thế nữa, Tổng thống Mỹ cũng không chấp thuận đề xuất “cùng đóng băng” của Trung Quốc, trong đó, Triều Tiên sẽ dừng ngay việc phát triển tên lửa và hạt nhân để đổi lấy việc Mỹ và Hàn Quốc dừng các cuộc tập trận chung. Ông Trump cho rằng vị thế của Mỹ và Triều Tiên là hoàn toàn khác nhau và Trung Quốc không thể “mặc cả tay đôi” với Mỹ.

Theo ông Kosyrev, trên thực tế, Mỹ đang cân nhắc đơn phương áp đặt “một lệnh trừng phạt bổ sung” nhằm vào các công ty và ngân hàng có quan hệ thương mại với Triều Tiên trong đó các thực thể đến từ Trung Quốc sẽ là “mục tiêu nhắm đến đầu tiên”.

Theo chuyên gia tại Ngân hàng Freshfields Bruckhaus Deringer, Jessica Bartlett, các ngân hàng Trung Quốc “chẳng thể làm gì hơn là buộc phải tuân thủ”: “Mỹ có thể sử dụng “vũ khí tối thượng” là cấm những ngân hàng này được giao dịch bằng USD- đồng nghĩa với việc khiến cho những ngân hàng này phải chấm dứt hoạt động ngoại thương của mình.

Trong khi đó, theo ông Kosyrev, có thông tin cho rằng, Mỹ và Triều Tiên đang chuẩn bị kỹ lưỡng cho một cuộc đối thoại song phương: “Nhiều thông tin gần đây cho thấy, Mỹ và Triều Tiên đang hướng tới một cuộc đối thoại trực tiếp với nhau.

Những gì Tổng thống Mỹ Trump làm vào thời điểm này là rất đúng với phong cách của ông ấy, đó là nâng cao vị thế của Mỹ nhằm tạo ưu thế trước khi bước vào các cuộc đàm phán”.

Học giả Michael Madden- một chuyên gia về Triều Tiên tại Viện Nghiên cứu Mỹ-Hàn thuộc Đại học Johns Hopkins danh tiếng của Mỹ- cũng đồng tình với nhận định này.

“Triều Tiên luôn rất thận trọng về mặt câu chữ trong bất kỳ tuyên bố nào của mình. Tuy nhiên, khi xem xét hai tuyên bố gần đây của Các Lực lượng Chiến lược Triều Tiên, có thể thấy rằng, ngôn ngữ của họ mơ hồ một cách bất thường.

Đặc biệt cụm từ “chúng tôi đang cân nhắc một cách nghiêm túc” xuất hiện thường xuyên trong cả 2 văn bản. Điều này cho thấy họ vẫn chưa có bất kỳ động thái nào để chuẩn bị cho khả năng có thể xảy ra chiến tranh với Mỹ”, học giả Michael Madden nói.

Cũng theo chuyên gia này, kế hoạch “dùng tên lửa tấn công đảo Guam của Mỹ vào giữa tháng 8 mà Triều Tiên mới công bố” cũng chỉ là cách răn đe Mỹ trước thềm đàm phán của nhà lãnh đạo Triều Tiên bởi chính ông Kim Jong-un cũng đã lên tiếng xác nhận đã “hoãn kế hoạch này để theo dõi sát sao nhất cử nhất động của Mỹ trước khi đưa ra quyết định cuối cùng”.

Chính vì thế, các chuyên gia nhận định, vấn đề Triều Tiên hiện nay chủ yếu sẽ phải dựa vào “nghệ thuật thương thuyết” của Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, họ cũng bày tỏ hoài nghi về khả năng thành công của ông Trump và cho rằng, những nỗ lực của Tổng thống Mỹ chỉ khiến Bắc Kinh xích lại gần hơn với Bình Nhưỡng./.

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Từ những cây trồng áp dụng quy trình VietGAP mang hiệu quả kinh tế cao, người dân Thừa Thiên - Huế đã tích cực tham gia hợp tác xã (HTX) để sản xuất theo chuỗi giá trị.

  • Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Ngày 22/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hải Phòng giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới.

  • HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…

Top