Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 5 tháng 7 năm 2022 | 14:9

Cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn FSC: Cách làm của Tuyên Quang

Tuyên Quang hiện có hơn 35.000ha rừng được cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC (Forest Stewardship Council - Hội đồng quản lý rừng quốc tế), dự kiến trong năm 2022, có trên 19.000ha được cấp mới.

Đây là thành công lớn trong công tác bảo vệ và phát triển rừng bền vững ở Tuyên Quang.

Hiệu quả nhiều mặt

Bà Bùi Thị Thu Hà, Đội trưởng đội Lâm nghiệp Khuôn Do (Công ty TNHH Lâm nghiệp Sơn Dương) cho biết, đội có hơn 200ha rừng, trong đó 168ha  có rừng, với 68 hộ đang liên kết. Rừng được cấp chứng chỉ FSC từ năm 2016 đến nay. 

Ngoài hiệu quả về xã hội và môi trường thì rừng FSC mang lại hiệu quả về kinh tế cũng cao hơn. Trung bình mỗi khối gỗ FSC giá bán ra tăng 50.000-70.000 đồng so với gỗ thường, đặc biệt đầu ra ổn định do doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Người dân tham gia liên kết, mỗi chu kỳ (5 năm) trồng thu về khoảng 80 triệu đồng/ha. Trung bình mỗi hộ dân dân nhận liên kết  5-7ha rừng,  hộ nhiều liên kết tới 40ha.

 

1.jpg
Chị Nguyễn Thị Khôi, anh Anh Đặng Văn Phong (ở giữa) trao đổi về những lợi ích khi rừng được cấp chứng chỉ FSC.

 

Anh Đặng Văn Phong ở thôn Khuân Ráng, xã Phúc Ứng (Sơn Dương) cho biết, trước đây, chưa có FSC, rừng chỉ cho thu 40-50 triệu đồng/ha, nay lên tới 70-80 triệu đồng/ha. Hiện gia đình liên kết trồng hơn 10 ha rừng, trung bình mỗi năm thu hoạch 2ha, thu về 140-160 triệu đồng.

Chị Nguyễn Thị Khôi ở thôn Vĩnh Sơn, xã Tân Thanh (Sơn Dương) tâm sự, từ năm 2016 (khi được cấp chứng chỉ rừng FSC) đến nay, gia đình đã liên kết trồng gần 10ha, trong đó đã thu hoạch 5ha, thu về 70-80 triệu đồng/ha. So với làm nông nghiệp thì làm lâm nghiệp hiệu quả hơn, trong khi tham gia liên kết trồng rừng vẫn có thời gian làm công việc khác.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tiến Khanh, Phó giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Sơn Dương, cho biết, giai đoạn 2016-2020, Công ty có 2.480ha được cấp FSC, số lượng gỗ bán ra hơn 52.000m3, giá trị thu được tăng hơn 5 tỷ đồng so với trước khi chưa có chứng nhận FSC. Giai đoạn 2021-2026, diện tích được cấp FSC nâng lên 3.244,4ha. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá gỗ bán ra chỉ tăng 45.000-80.000 đồng/m3 so với gỗ trồng thường.

“Giờ đây, nhận thức của cán bộ, nhân viên, người dân đã có chuyển biến nhất định, không có hiện tượng vứt bao nylon, mà thay vào đó được dọn sạch sẽ, không gây hại tới môi trường. Ý thức người dân về đầu tư thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng được nâng lên; chủ rừng thực hiện đầy đủ chế độ an toàn lao động, chế độ tiền lương với người lao động…”, ông Khanh cho biết thêm.

Thành công từ cách làm bài bản

Ông Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Sơn Dương, cho biết, để được cấp chứng chỉ rừng, lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang rất quyết tâm, mà trực tiếp là Sở Nông nghiệp và PTNT. Sở đã tổ chức một đoàn đi dọc một số tỉnh miền Trung để học cách triển khai để được cấp chứng chỉ rừng.  Sự vào cuộc của Công ty Woodsland, khi đầu vào, đầu ra của họ cần phải có FSC, họ đã cho ứng tiền trước để thực hiện, sau đó trừ dần.

Ổn định đầu ra cho sản phẩm là rất quan trọng. Nhưng quan trọng nhất vẫn là chính quyền. Chính quyền có quyết tâm làm không? Lãnh đạo địa phương phải quyết tâm, sau đó giao nhiệm vụ cho các cơ quan liên quan. Bên cạnh đó, họ tìm đầu ra khi có đối tác. Ví dụ, gắn kết với nhà máy giấy, gắn kết với đơn vị chế biến đầu ra của gỗ, những người này họ cần nhất, muốn nhất nên họ sẽ tích cực tham gia.

Ông Thái cho biết thêm, phải có Nghị quyết từ Tỉnh uỷ, Uỷ ban giao cho các sở, các huyện, các xã thực hiện. Thực hiện thành công bởi có sự chỉ đạo từ trên xuống, đây là nhiệm vụ chính trị, đã đưa vào Nghị quyết là phải làm. Ở Tuyên Quang làm rất quyết liệt.

Trao đổi với phóng viên, ông Triệu Đăng Khoa, Phó chi cục trưởng chi Cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang, cho biết, tỉnh hiện  có 35.615,15ha rừng được cấp FSC, dự kiến trong năm 2022 có thêm 19.000ha. Để đạt được kết quả này, mấu chốt thực ra là cách triển khai, mình phải tuyên truyền thật tốt, muốn tuyên truyên truyền tốt phải chỉ đạo theo hệ thống từ tỉnh đến huyện, xuống xã. Cách tổ chức thực hiện phải bài bản, từ văn bản của Trung ương mình phải cụ thể hoá bằng văn bản ngắn của tỉnh, xuyên suốt bằng một kế hoạch của Sở Nông nghiệp và PTNT và thành lập một tổ chuyên gia, tổ này phải tham mưu cho Sở, cho tỉnh ký những văn bản thuộc thẩm quyền.

 

2.jpg
Hiện Tuyên Quang có 35.615,15 ha rừng được cấp FSC, dự kiến trong năm 2022 sẽ có thêm 19.000 ha.

 

“Phải hối thúc các bên liên quan thực hiện kế hoạch. Kế hoạch của sở, của tỉnh nhưng người thực hiện là huyện, là xã, là các doanh nghiệp thì mình phải hối thúc họ. Chủ tịch phải vào trận, chỉ đạo thành lập Ban Chứng chỉ rừng cấp huyện, cấp xã. Dần dần bộ phận thường trực của huyện, của tỉnh, của xã mới trở thành các chuyên gia, các chuyên gia tự học lẫn nhau thông qua các lớp bồi dưỡng ngắn hạn”, ông Khoa nhấn mạnh.

Theo ông Khoa, phải có doanh nghiệp đồng hành, doanh nghiệp đồng hành phải có nhu cầu chứng chỉ, người ta làm xong phải tiêu thụ  sản phẩm từ rừng được luôn, sản phẩm có chứng chỉ ra phải có người mua, đây là mấu chốt. Bên cạnh đó, khi tuyên truyền cho người dân và bản thân những cán bộ đi làm phải có niềm tin.

Gợi mở cấp chứng chỉ FSC cho ngành cao su

Thống kê năm 2020, nước ta có hơn 932.000ha  cao su, trong đó có  gần 729.000ha đến tuổi khai thác mủ. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu cao su thiên nhiên đạt gần 3,3 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu sản phẩm cao su đạt 3,7 tỷ USD. Đến nay, Việt Nam có khoảng 97.300ha cao su đã đạt chứng chỉ Hệ thống chứng chỉ rừng Quốc gia (VFCS) - hệ thống đã được tổ chức chứng chỉ rừng quốc tế (PEFC) công nhận.

Tuy nhiên, theo Forest Trends, con số diện tích cao su đạt chứng chỉ bền vững hiện còn rất hạn chế, đặc biệt Việt Nam chưa có diện tích cao su nào đạt chứng chỉ FSC cho thấy một số hạn chế hiện nay của ngành. Các hạn chế này do nhiều công ty cao su chưa quan tâm thỏa đáng tới việc sản xuất cao su có chứng chỉ, do hạn chế về nguồn thông tin hoặc/do hiện chỉ ưu tiên trọng tâm vào các thị trường xuất khẩu chưa đòi hỏi các loại hình chứng chỉ.

 

Nhiều doanh nghiệp trên thế giới đã công bố chính sách phát triển ngành cao su bền vững và cam kết tiêu thụ, mua bán, cung cấp nguyên liệu cao su thiên nhiên, gỗ cao su được quản lý bền vững và có chứng nhận. Đây là xu thế tất yếu của ngành cao su đang hội nhập theo thị trường thế giới. Ngành cao su Việt Nam dù muốn hay không cũng phải điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững của thế giới.

Nói một cách khác, chỉ khi rừng cao su của Việt Nam được quản lý bền vững về kinh tế, môi trường, xã hội thì ngành cao su mới có thể duy trì và phát triển được thị phần về mủ và gỗ cao su trên thị trường quốc tế; huy động thêm vốn đầu tư; duy trì và phát triển đầu tư ra nước ngoài. Mặt khác, hiện nay, nhu cầu của thị trường về gỗ cao su có chứng chỉ rừng quốc tế rất lớn, tạo cơ hội tăng thêm thu nhập cho chủ rừng cao su nhờ giá bán gỗ cao su có chứng chỉ cao hơn gỗ cao su không có chứng chỉ.

 

Được biết, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đang tích cực làm việc với Tổ chức FSC để thống nhất lộ trình tái kết nối và triển khai thực hiện theo lộ trình tái kết nối với mục đích phấn đấu đến cuối năm 2022 có thể hợp tác đầy đủ, toàn diện với FSC trong việc thực hiện hệ thống quản lý rừng bền vững theo hệ thống FSC song song với duy trì và thực hiện chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo PEFC (Chương trình Chứng nhận chứng chỉ rừng).

Cách làm bài bản, bước đầu đã thành công trong việc triển khai, thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ FSC ở Tuyên Quang có thể gợi mở cho ngành cao su về cách làm.

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top