Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 19 tháng 7 năm 2018 | 9:49

Cát Tường cần lắm một cây cầu!

Tại thôn Cát Tường, xã An Mỹ (Bình Lục-Hà Nam) có cây cầu dân sinh xuống cấp cực kỳ nghiêm trọng nhưng hàng ngày những người dân trong thôn vẫn phải qua lại thường xuyên rất nguy hiểm đến tính mạng.

Điều đáng nói, cây cầu này chỉ cách Khu lưu niệm Cát Tường - nơi ghi dấu Bác Hồ về thăm tỉnh Hà Nam động viên người dân đắp đập cứu hạn năm 1958 chỉ có vài mét.
 
Phóng viên tìm hiểu được biết, nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm đã xảy ra tại cây cầu tạm này, khiến người dân nơi đây không khỏi lo lắng. Nhiều năm nay, người dân trong thôn luôn mong ước có một cây cầu kiên cố để đảm an toàn khi lưu thông, nhất là khi mùa mưa bão đang cận kề.
 

Những tấm gỗ trên mặt cầu do thời gian đã mục và dơi xuống sông để lại những khoảng trống trên mặt cầu rất nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại 

 

Chứng kiến tận mắt mới thấy thật khó có thể tin nổi một cây cầu xuống cấp trầm trọng như thế này mà hàng ngày có hàng trăm lượt người và các phương tiện giao thông qua lại…
 
Theo người dân địa phương, đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra khi lưu thông qua cầu. Điển hình cách đây 2 năm, một cháu bé 15 tuổi đi xe đạp qua đây đã bị ngã xuống sông và chết đuối. Những tưởng sự việc đau lòng đó sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh để các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cấp thiết tu sửa.
 
Thế nhưng, từ đó đến nay tình trạng của cây cầu vẫn không được cải thiện, hàng ngày nó vẫn phải oằn mình chống chọi khiến cho cầu đã hỏng nay càng hỏng hơn.
 

Câu cầu trông như vỏ đỗ 

 

Theo quan sát của phóng viên, cây cầu dân sinh bắc qua sông Sắt tại thôn Cát Tường có chiều dài khoảng 40m. Thành cầu không có lan can, toàn bộ mặt cầu đều được ghép từ những miếng gỗ qua thời gian đều đã mục nát, nhiều chỗ sàn gỗ rơi xuống sông để lại khoảng trống trên cầu, các trụ cột bằng bê tông đã vỡ, nhưng dầm sắt đều đã hoen gỉ, đoạn mặt cầu nhiều chỗ đã vặn nghiêng về một bên...
 
Không ai có thể dám chắc, lúc nào thì những thanh gỗ, những trụ sắt kia sẽ đổ sụp xuồng lòng sông Sắt? Mặc dù biết là nguy hiểm, nhưng vì muốn rút ngắn một đoạn đường, nhiều người dân vẫn bất chấp nguy hiểm, đánh cược tính mạng của mình băng qua cây cầu xuống cấp trong nỗi sợ hãi, bất an.
 
Người dân thôn Cát Tường, cho biết: Cầu dân sinh của thôn Cát Tường bắc qua sông Sắt chính là vị trí của công trình đắp đập để lấy nước cứu hạn cho hàng ngàn mẫu lúa của địa phương - nơi ghi dấu sự kiện Bác Hồ đã về thăm Hà Nam cách đây 50 năm. Sau khi hệ thống thủy lợi nội đồng kết hợp giao thông nông thôn của địa phương đã dần được hoàn chỉnh, bảo đảm chủ động nguồn nước tưới, tiêu cho hoa màu. Để đảm bảo giao thương đường thủy, chính quyền địa phương đã phá bỏ con đập để thuận tiện cho tàu bè lưu thông. Đồng thời, cho xây dựng cây cầu tạm bắc qua sông đúng vị trí của con đập để người dân trong thôn đi lại và thuận tiện cho hoạt động sản xuất.
 
Được xây dựng từ những năm 1958 và đã xuống cấp trầm trọng nhưng không hiểu vì lý do gì mà cây cầu không được tu sửa mặc dù người dân đã được thông báo về kế hoạch xây dựng lại cây cầu này.
 

Những thanh sắt qua thời gian đã hoen gỉ. 

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND xã An Mỹ cho biết: Cầu dân sinh Cát Tường trước đây do UBND xã quản lý. Sau đó, giao lại cho người dân trong thôn thầu thu vé. Tuy nhiên, nguồn thu được không đáng kể nên người dân cũng không thầu nữa. Không có kinh phí, chính quyền địa phương cũng đành nhìn cây cầu ngày một xuống cấp.
 
Cũng theo lãnh đạo xã An Mỹ, nghe nói cách đây 2 năm, UBND huyện Bình Lục thông báo về kế hoạch xây một cây cầu mới khoảng 12 tỷ đồng thay thế cây cầu đã xuống cấp. Tuy nhiên, từ đó đến nay dự án này vẫn chưa thấy triển khai, mong ước về cây cầu mới vẫn chỉ là thông tin được truyền miệng.
 
Liên quan đến vấn đề này, ngày 28/6/2018, UBND huyện Bình Lục đã ban hành công văn số 387 gửi UBND xã An Mỹ về việc cấm các phương tiện lưu thông qua cầu Cát Tường. Nội dung công văn nêu rõ: Hiện nay, cầu dân sinh Cát Tường thuộc thôn Cát tường xã An Mỹ, bắc qua sông Sắt đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng, nguy cơ tai nạn giao thông cao. Để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại, UBND huyện Bình Lục yêu cầu UBND xã an Mỹ thông báo cho nhân dân cấm người và phương tiện lưu thông, đồng thời lắp đặt biển báo cấm. Nếu xảy ra tai nạn đối với người và phương tiện tham gia giao thông trên cầu chủ tịch UBND xã hoàn toàn chịu trách nhiệm.
 

Biết là rất nguy hiểm nhưng người dân nơi đây vẫn phải đi qua hàng ngày 

 

Việc ra văn bản cấm người dân qua cầu Cát Tường của UBND huyện Bình Lục là cần thiết, kịp thời, tuy nhiên đây không phải là giải pháp lâu dài. Vì theo người dân cầu Cát Tường đã gắn với ký ức của bao thế hệ người dân trong thôn hình ảnh Bác Hồ về động viên bà con đắp đập giữ nước cứu hàng nghìn mẫu ruộng của người dân bị hạn. Dù lưu lượng người và phương tiện qua cầu không lớn, song không vì thế mà bỏ mặc cây cầu không tu sửa, nhất là khi trên cầu đã xảy ra tai nạn.
 
Vì vậy, để đảm bảo an toàn tính mạng của người dân khi lưu thông qua đây cũng như tạo sự đồng bộ về cảnh quan cho khu lưu niệm Cát Tường - Khu di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia. Các cơ quan chức năng của huyện Bình Lục nói riêng và UBND tỉnh Hà Nam nói chung cần nhanh chóng có biện pháp cải tạo hoặc xây mới cây cầu trong thời gian sớm nhất, tránh những tại nạn đáng tiếc có thể xảy ra nhất là khi mùa mưa bão đang cận kề.
 
 
 
 
 
Hà Nam
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top