Trong những ngày khai thác đánh bắt hải sản xa bờ, ngư dân các tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận, Cà Mau, Bà Rịa - Vũng Tàu… chẳng may ốm đau, tai nạn lao động đều được các bác sĩ, y sĩ ở các đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 cấp cứu, khám, chữa bệnh miễn phí.
Nhiều ngư phủ đã chết lâm sàng do sức ép của nước hoặc bị bệnh hiểm nguy nhưng được các y - bác sĩ cấp cứu kịp thời. Họ đã được cứu sống trong niềm vui vỡ òa xúc động.
Ở nơi chân trời Tổ quốc ấy, các y - bác sĩ Trường Sa luôn được coi là những người hồi sinh cho ngư dân biển, đảo.
Cứu chữa vô điều kiện
“Đối với các bác sĩ, y sĩ ở Trường Sa và Nhà giàn DK1, chúng tôi gọi là Mẹ hiền. Gọi vậy để kính trọng và biết ơn. Chúng tôi luôn coi các bác sĩ là những người thân thiết. Nếu không có các anh thì biết bao người đã bỏ mạng ở biển khơi rồi”, ông Nguyễn Thanh Dũng, một ngư dân bị nhồi máu cơ tim được bác sĩ đảo Song Tử Tây cứu nạn nói oang oang trong máy điện thoại. Câu chuyện hy hữu được bác sĩ đảo Song Tử Tây cứu sống bây giờ đã vào dĩ vãng, nhưng nhắc đến lần đi câu mực ấy, ông Dũng nghẹn ngào kể trong xúc động.
Cho đến bây giờ, gần 2 năm kể từ ngày gặp nạn, song ông Dũng không thể nào quên được cái đêm khổ cực ấy. Đó là đêm 21/7/2017, tàu câu mực của ông Dũng mang biển số QNg 90188TS cùng hơn chục thành viên đang câu mực ở phía Bắc, cách đảo Song Tử Tây gần chục hải lý. Sóng yên biển lặng, chiếc ghe nhỏ bé như lá tre bập bềnh giữa biển đêm. Trong khi tất cả đang mải mê câu mực, bỗng phía mũi tàu tiếng ông Dũng thét lên rồi ngất xỉu. Mọi người soi đèn thấy ông nằm xoài trên mũi tàu, mặt tím tái, miệng mím chặt. Mọi người vội đưa ông vào khoang tàu xoa dầu và hô hấp nhân tạo. Linh tính mách bảo chuyện chẳng lành, tài công của tàu quyết định cho tàu chạy khẩn cấp vào đảo Song Tử Tây. Tài công trực tiếp lên máy I-com sóng cực ngắn gọi đảo Song Tử Tây và xin được cứu giúp.
Khi nghe tín hiệu cấp cứu từ ghe của ngư dân, chiến sĩ thông tin báo cáo đảo trưởng. Ngay lập tức, kíp trực quân y được triển khai cấp cứu, chuẩn bị tình huống xấu nhất xảy ra. Một tổ cơ động ra cầu cảng đón các ngư dân. Ngư dân Nguyễn Thanh Dũng được nhanh chóng chuyển vào phòng cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Tại đây, bác sĩ đảo Song Tử Tây do Đại úy Kiều Đức Vinh chẩn đoán ông Dũng bị nhồi máu cơ tim cấp tính. Bằng tất cả tinh thần trách nhiệm của người thầy thuốc, bác sĩ Vinh cùng tổ quân y đã làm các thủ thuật chuyên môn, vừa hô hấp nhân tạo, ép đẩy lồng ngực; vừa truyền dịch và dùng thuốc trợ tim đặc biệt. Sau hơn một giờ đồng hồ, ông Dũng đã thoát khỏi cơn nguy kịch nhưng sức khỏe không ổn định. Theo chỉ định của bác sĩ Vinh, ông Dũng được nằm điều trị tại bệnh xá của đảo. Sau 17 ngày được bác sĩ Vinh và kíp quân y cứu chữa, ngư dân Nguyễn Thanh Dũng đã bình phục hoàn toàn và tiếp tục trở lại tàu câu mực.
Trong niềm vui của người thoát nạn, nắm chặt tay Đại úy, bác sĩ Kiều Đức Vinh trước lúc rời đảo, ông Dũng xúc động: “Cho tôi xin nhận anh là người trong gia đình nhé. Nếu không có các anh, tôi đã bỏ mạng ở biển rồi. Gia đình tôi luôn biết ơn các anh. Các anh thực sự là Mẹ hiền của ngư dân gặp nạn”.
Bà Phạm Thị Của, vợ của ông Dũng, ở xã Bình Chánh (Bình Sơn - Quảng Ngãi) vẫn chưa hết xúc động khi kể lại cho tôi nghe cảm xúc khi biết tin chồng phát bệnh tim đột ngột được các bác sĩ Trường Sa cứu sống: “Anh biết không, khi nghe tin chồng tui bị nhồi máu cơ tim, chân tay tui rụng rời. Ba đứa con bỏ cơm. Tui cầu mong cho ông ấy bình an trở về. Tui không muốn ba đứa con tui mồ côi bố. May mà có các bác sĩ Trường Sa cứu sống. Gia đình tui cảm ơn các anh nhiều lắm”.
Một lần bệnh xá đảo Trường Sa Đông tiếp nhận ngư dân Nguyễn Thành Trung, 36 tuổi, thuyền viên của tàu QNg 95490TS, quê Bình Phước (Bình Sơn - Quảng Ngãi) bị đau ruột thừa. Anh được Bệnh xá trưởng, Đại úy, bác sĩ Nguyễn Duy Ngọc và các y sĩ mổ thành công, đem lại sự sống. Sau đó, bệnh xá đảo tiếp tục cấp cứu thành công bệnh nhân Phạm Tiễn 46 tuổi, ở huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) bị tai nạn trên biển.
Nói về bệnh nhân Trung, bác sĩ Ngọc cho biết: “Khi bệnh nhân được chuyển lên đảo thì đã ở tình trạng có khả năng vỡ ruột thừa. Chúng tôi khẩn cấp điện xin chỉ thị cấp trên. Ngay đầu giờ chiều, ca mổ được tiến hành. Do bệnh nhân đau nhiều giờ nên ruột thừa đã viêm thành mủ và quặn ngược, rất khó xử lý. Bằng mọi cách phải cứu sống bệnh nhân, chúng tôi làm với tất cả lương tâm của người thầy thuốc. Sau một tiếng từ lúc gây mê, ca mổ đã thành công”.
- Ngư dân bị tai nạn và bệnh gì là chủ yếu thưa anh?
- Chủ yếu là viêm ruột thừa, bí tiểu, tiện và gãy chân, tay, do lặn sâu xuống lòng biển. Chúng tôi phát hiện nhiều ngư dân bị viêm ruột thừa cấp tính vì lặn xuống biển do sức ép của nước. Nếu bị bí tiểu để lâu sẽ dễ nhiễm trùng và nguy cơ vỡ bàng quang, nguy hiểm đến tính mạng. Chẳng cần điều kiện nào, hễ có ngư dân bị đau ốm, tai nạn là chúng tôi sẵn sàng cứu chữa.
Khắc phục khó khăn
Mặc dù các bệnh xá ở đảo Trường Sa Lớn, Song Tử Tây và Sinh Tồn đều đã được nâng cấp về phòng khám - chữa bệnh, song cơ sở vật chất y cụ còn thiếu, nhất là thiếu các thiết bị chuyên ngành phẫu thuật như đèn chiếu sáng, dụng cụ thụt tháo, thuốc gây mê, phòng để phẫu thuật cũng chưa bảo đảm đúng tiêu chuẩn. Khí hậu khắc nghiệt, việc bảo quản các y cụ cũng gặp nhiều khó khăn bởi nhiễm hơi nước biển mặn, trong khi đó công tác khám - chữa bệnh cho quân dân trên đảo phải bảo đảm thường xuyên.
Nói về yêu cầu bảo đảm cho một kíp mổ giữa Trường Sa, bác sĩ Nguyễn Duy Ngọc cho biết: “Nguyên tắc mổ là không được để gió thổi vào vết thương, nghĩa là mổ trong phòng kín có điều hòa nhiệt độ, trong khi đó phòng mổ ở đây chỉ có quạt, đây cũng là một khó khăn. Trước khi mổ ruột thừa phải siêu âm, xét nghiệm xem ruột thừa đã vỡ hay chưa và xác định vị trí ruột thừa viêm chỗ nào, song ở Trường Sa còn thiếu nhiều y cụ, bởi vậy, thành công của ca mổ yếu tố quyết định vẫn là bản lĩnh, trình độ và tâm đức của bác sĩ”.
Theo thống kê của Cục Hậu cần Hải quân, Quân y Trường Sa đã khám, điều trị, cấp thuốc cho tổng số hơn 4.800 lượt người, trong đó 2.120 lượt ngư dân dân ra đây đánh bắt hải sản; cấp cứu, mổ, phẫu thuật cho hơn 40 ngư dân, 17 quân nhân làm nhiệm vụ tại đảo.
Việc tiến hành một ca phẫu thuật, dù là phẫu thuật giản đơn ở đất liền đã là một bài toán đối với bác sĩ. Vậy mà giữa Trường Sa nắng gió, thiếu thốn máy móc hiện đại, quân, dân huyện đảo và ngư dân ra đây đánh bắt hải sản bị đau ốm, tai nạn vẫn được cứu chữa kịp thời, đem lại sự sống cho người bệnh.
Sau những giọt mồ hôi của bác sĩ Trường Sa là niềm vui và sự sống của quân dân huyện đảo. Ở đó, giữa bác sĩ và người bệnh không có khoảng cách, chỉ có tình người, tình đời hòa vào nhau giữa ngàn trùng sóng biếc. Để rồi trong mỗi chuyến ra khơi đánh cá, sau mỗi chặng hải trình nhọc nhằn với những tấn cá đầy khoang, điều đọng lại trong lòng ngư dân không chỉ là những chiến sĩ kiên cường trước bạt ngàn nắng gió, mà còn có những chiến sĩ khoác áo blu trắng ngày đêm hồi sinh cho ngư dân biển, đảo.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.