Trong bản thân mỗi người phụ nữ đều có nhiều, rất nhiều mong muốn lẫn ý tưởng muốn làm trong cuộc sống, tuy nhiên, không phải ai trong số họ cũng có thể biến những điều đó thành hành động, với một ngàn lẻ một lý do khác nhau.
Ba người phụ nữ dưới đây, bằng niềm đam mê của mình, đã vượt qua khó khăn để làm những việc mà họ muốn và thành công.
Tạo ra các giống lúa chịu hạn mặn
Bà không ngại khó, khổ trong hành trình rong ruổi trên khắp những cánh đồng lúa ngập mặn ở miền Tây, sẵn sàng lội ruộng để cấy lúa, chọn lúa nhằm lai tạo ra các giống lúa năng suất cao, chống chịu hạn mặn.
Đó là TS. Phạm Thị Thu Hà, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu di truyền và giống (Trường ĐH Tôn Đức Thắng, TP.HCM). Ngày 12/12/2019, TS. Hà là 1 trong 3 nhà khoa học nữ xuất sắc năm 2019 được Hội đồng khoa học L’Oréal – UNESCO For Women in Science tại Việt Nam vinh danh.
TS. Phạm Thị Thu Hà được vinh danh qua đề án nghiên cứu về phát triển các giống lúa chịu mặn thông qua chọn lọc bằng dấu chuẩn phân tử và phổ biến chúng ở các vùng bị ảnh hưởng của điều kiện mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long. Mục tiêu của đề án nghiên cứu là tận dụng các công cụ nhân giống hiện đại, chẳng hạn như lai chéo hỗ trợ đánh dấu (MAB), để phát triển các giống lúa chịu mặn có năng suất cao thích nghi với điều kiện ở miền Nam.
Đề án này có ý nghĩa quan trọng trong tình hình vùng sản xuất lúa gạo ở miền Nam phải đối mặt với tình trạng nhiễm mặn, gây ra vấn đề nghiêm trọng cho những người nông dân nghèo tài nguyên phải phụ thuộc vào sản xuất lúa gạo để sinh kế. Việc phát triển các giống lúa năng suất cao hiện đại phù hợp với điều kiện nhiễm mặn sẽ giúp cải thiện đáng kể cuộc sống của nông dân trên những vùng đất này.
TS. Phạm Thị Thu Hà tốt nghiệp tiến sĩ Ngành di truyền và chọn giống, Đại học Hiroshima, Nhật Bản năm 2018; là tác giả và đồng tác giả hơn 60 bài báo khoa học; trong đó có hàng chục bài báo thuộc danh mục ISI, hơn 20 báo cáo khoa học tại các hội nghị trong nước, quốc tế; và là tác giả một số giống được phát triển thích nghi tốt với các môi trường sinh thái khác nhau như: OM6600, OM11267 (MNR1), OM11271 (MNR5) OM7398, OM10041, OM7345, OM10252, OM10375 và OM8927.
Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ từ Nhật, TS. Phạm Thị Thu Hà đã chọn Trường ĐH Tôn Đức Thắng để bước tiếp con đường nghiên cứu nông nghiệp, giống và di truyền; nơi đây giúp bà thực hiện ước mơ trở thành giảng viên-nghiên cứu trong môi trường đại học đã có đẳng cấp quốc tế; đang có nhiều tâm huyết không chỉ muốn phát triển giáo dục đại học nước nhà lên ngang tầm các nước tiên tiến nhất trên thế giới mà còn muốn phát triển Khoa học di truyền và ngân hàng giống nông nghiệp riêng cho đất nước.
Chủ tịch công ty luôn tự nhận mình “là một thương lái”
Từng bán 400 tấn cam một ngày ở chợ Long Biên, từng mua cả một nông trường cam của Trung Quốc những năm 2000, xuất khẩu hàng trăm tấn vải thiều/ngày…, nhưng bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Công ty Bagico Bắc Giang vẫn luôn tự nhận mình “là một thương lái”.
Với gần 20 năm làm trong ngành nông nghiệp cũng như giao thương với người Trung Quốc, bà Thực là người hiểu hơn ai hết những điểm mạnh – yếu của nông sản Việt, cũng như nỗi cay đắng khi thấy những nông sản của nước mình bị đối tác “coi thường”.
Với lòng tự ái của một người con đất Việt và cái nôi nông nghiệp của miền Bắc - Bắc Giang, bà Thực chưa bao giờ nguôi ý định tìm ra chiến lược - giải pháp để nâng tầm nông sản Việt, giúp người nông dân Việt không những thoát nghèo mà còn giàu lên trên chính mảnh đất của mình.
Sau nhiều năm chiêm nghiệm cũng như nghiên cứu nền nông sản của các quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực này, như Israel hay Trung Quốc, theo bà Thực, để nông sản Việt Nam bật lên, trở thành thương hiệu mạnh trên thế giới, chúng ta cần quay về phát triển nền nông nghiệp bản địa - đề cao những giống cây mà chỉ Việt Nam mới có hoặc sản xuất tốt nhất, đồng thời tận dụng công nghệ số để sản xuất - marketing (quá trình kinh doanh tạo mối quan hệ và làm hài lòng khách hàng) - sale (bán hàng).
“Chúng ta cần nghiên cứu phát triển giống các loại hạt, rau và thảo dược bản địa có giá trị cao dựa vào ngân hàng giống Việt Nam, sản xuất theo hướng hữu cơ, đi theo hướng chế biến sâu nhằm nâng cao chuỗi giá trị. Hiện, ở các viện giống và cây trồng của Việt Nam có tới vài trăm loại lúa màu”, bà Thực đề nghị.
Hiện tại, công nghệ sản xuất của Trung Quốc không còn sấy khô nữa mà đã chuyển qua sấy “thăng hoa” theo kỹ thuật mới nhất của thế giới. Thế nên, chúng ta cũng không thể lạc hậu hơn họ. Cũng như thế, những công cụ sản xuất ở Trung Quốc rất rẻ mà lại tốt, nếu so với công cụ từ nhiều nước khác, có khi rẻ hơn tới ½ lần. Ví dụ như hệ thống tưới nhỏ giọt, họ tính theo giá nguyên liệu hạt nhựa và thiết kế dựa vào yêu cầu của khách hàng, sau đó tính thêm tiền công mà họ sản xuất.
Để một nông sản từ vườn của người nông dân Việt Nam đến tay người tiêu dùng Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, chúng phải trải qua 12 bước và rất nhiều khâu trung gian. Theo đó, giá của nông sản Việt không chỉ đội lên cao mà chất lượng lại còn sụt giảm do hư hại trong quá trình vận chuyển. Nếu nông sản Việt có truy xuất nguồn gốc rõ ràng và đi theo đường chính ngạch hoặc thương mại điện tử xuyên biên giới, chắc chắn mọi chuyện sẽ khác.
“Nếu theo đúng chiến lược đó, thì rõ ràng là nông nghiệp vùng cao, như Tây Nguyên, Đông Bắc và Tây Bắc có tiềm năng rất lớn. Thứ nhất là thổ nhưỡng và khí hậu ở những vùng đó rất tuyệt vời, phù hợp với rất nhiều loại cây trồng bản địa có giá trị cao. Thứ hai, đất đai ở những vùng đó chưa bị ô nhiễm. Thứ ba, vì nằm ngay cửa ngõ biên giới nên hoạt động xuất khẩu sẽ rất thuận lợi.
Nếu người dân ở Tây Bắc và Đông Bắc thay vì trồng lúa ở các ruộng bậc thang bằng trồng rau đặc sản của mình, thu nhập của người dân sẽ tăng gấp 3", bà Thực khẳng định.
Làm nông sản sạch để phục vụ cuộc sống của chính mình
Quyết định “rẽ ngang” sang nông nghiệp của CEO (Tổng giám đốc điều hành) Nguyễn Thị Bảo Hiền khiến Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hiền Lê tiêu tốn nhiều trăm tỷ đồng và chưa thu được đồng lợi nhuận nào. Nhưng người phụ nữ này có một niềm tin mãnh liệt với con đường đã chọn…
Sau nhiều năm làm ăn với các “ông lớn” Nhật Bản, Hàn Quốc, với vai trò là nhà cung cấp linh kiện điện tử, bao bì…, bà Hiền đã đi một nước cờ lớn khi lấn sân sang làm nông nghiệp. Tay ngang, không am hiểu nhiều về lĩnh vực mới, bà Hiền mất tới 5 năm để tìm hiểu, với hàng trăm chuyến đi, hàng chục cuộc gặp gỡ với các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, châu Âu… trước khi làm thật.
“Tại Trung Quốc, tôi từng đến những nơi mà người dân cũng làm nông nghiệp, nhưng họ rất giàu. Nhìn họ, tôi thật thèm khát và thầm nghĩ, tại sao nông dân nước mình không được như vậy”, bà Hiền trải lòng về quyết định rẽ ngang của mình.
Từ khát khao làm giàu trên chính đồng ruộng quê hương mình, bà Hiền bắt tay hành động ngay. Lần lượt các nhà máy chế biến rau quả mọc lên bề thế tại Hải Dương và các vùng sản xuất lớn tại Hải Phòng, Ninh Bình, Bắc Giang..., cung cấp các loại nông sản như khoai sọ, đậu tương, vải thiều… cho khách hàng Nhật Bản, Anh...
Những ngày cuối năm 2018, 20ha trồng đậu tương xuất khẩu mà Hiền Lê đầu tư tại thôn An Hòa, xã Tân Tiến (An Dương - Hải Phòng) đang trong cao điểm thu hoạch để kịp thời vận chuyển về nhà máy chế biến, đóng gói tại Hải Dương và sau đó xuất sang thị trường Nhật Bản.
“Khó khăn lớn nhất là dồn điền đổi thửa, bởi một bộ phận nông dân vẫn còn tư duy cũ, cách làm cũ rất manh mún, như vậy khó mà tiến xa. Từ kinh nghiệm quy tụ ruộng đất trong thời gian qua tại Hải Phòng, tôi nhận thấy, nếu tập trung sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn thì hiệu quả rất cao, đặc biệt, khi có được sự đồng thuận giữa chính quyền xã với bà con nông dân để cùng chia lửa với doanh nghiệp”, bà Hiền chia sẻ.
Bà Hiền tâm sự: “Nghề nghiệp chính của tôi là luyện cán thép, điện tử, bao bì, không hề liên quan đến nông sản. Có cơ hội đi nhiều, tôi nhận thấy, công nghệ chế biến đang là khoảng trống của nông nghiệp Việt Nam, nếu đầu tư cho chế biến sâu thì dư địa thị trường rất lớn, doanh nghiệp lẫn nông dân đều được lợi. Còn trước hết, khi làm nông sản sạch, quan trọng nhất là phục vụ cho chính cuộc sống của chúng ta, được ăn sạch, uống sạch, nông dân được giàu có, thì đó là khao khát của tôi”.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.