Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 23 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 17 tháng 7 năm 2014 | 1:53

Có hay không việc cao ốc Hei Tower tự ý điều chỉnh công năng thu lời?

KTNT - Cư dân tòa nhà Hei Tower phản ánh chủ đầu tư dự án là Công ty CP Đầu tư điện lực Hà Nội vi phạm Hợp đồng mua bán căn hộ đối với khách hàng bởi đã đơn phương điều chỉnh công năng sử dụng 3 tầng văn phòng, hội trường thành nhà ở và đã mở bán để thu lời. Tuy nhiên, chủ đầu tư khẳng định chỉ thực hiện chuyển đổi khi có đầy đủ thủ tục pháp lý.
Theo thiết kế bao đầu, dự án Toà nhà hỗn hợp văn phòng cho thuê và nhà ở tại số 1, phố Nguỵ Như Kon Tum, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội (Tòa nhà Hei Tower) có quy mô 25 tầng, trong đó từ tầng 1 đến tầng 2 là trung tâm thương mại, từ tầng 3 đến tầng 5 là văn phòng và từ tầng 6 đến tầng 25 là nhà ở. Dự án có tổng số 300 căn hộ để bán, được thiết kế từ 81m2 đến 177,7m2, với tổng diện tích 54.701m2 sàn và mật độ xây dựng là 42%. 
Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, chủ đầu tư dự án Hei Tower - Công ty CP Đầu tư điện lực Hà Nội đã đơn phương chuyển đổi gần 4.500m2 sàn văn phòng thuộc 3 tầng (3, 4, 5) của toà nhà sang diện tích căn hộ để bán trong khi chưa nhận được sự đồng tình ủng hộ của khách hàng mua trước đó. 
Công năng, thiết kế 3 tầng đế của tòa nhà được dùng làm trung tâm thương mại và dịch vụ, tầng thượng là khu bể bơi và phòng tập Gym... với nhiều tiện ích, vừa tạo không gian tòa nhà, vừa phục vụ lợi ích trực tiếp cho cuộc sống các cư dân sau này nhưng đã bị chủ đầu tư bỏ qua, thay vào đó, mở rộng thêm 61 căn hộ nữa để bán…
Trước đề nghị của một số khách hàng đã mua căn hộ tại Toà nhà Hei Tower, ông Nghiêm Xuân Dục, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư điện lực Hà Nội, cho biết: Công trình toà nhà hỗn hợp văn phòng cho thuê và nhà ở là tòa nhà hỗn hợp gồm các chức năng thương mại, văn phòng cho thuê và nhà ở để bán. Dự án được triển thực hiện đầu tư trong giai đoạn khó khăn của thị trường bất động sản (2011-2014). Nhưng để thực hiện như cam kết với khách hàng đã mua căn hộ, chúng tôi vẫn cố gắng dồn hết nguồn lực và thậm chí vay vốn ngân hàng để thi công tòa nhà. Đến nay, công trình về cơ bản sắp hoàn thành, các nhà thầu đang hoàn thiện nốt một số hạng mục sử dụng chung và thực hiện bàn giao dần căn hộ cho khách hàng. Với phần diện tích văn phòng chủ đầu tư mới xây dựng xong phần thô và hệ thống kính bao ngoài.
Ông Dục cho biết thêm: Cho đến thời điểm này, chúng tôi còn tồn đọng gần 30% diện tích căn hộ, tập trung vào các căn góc có diện tích từ 163 - 178m2, hơn 60% diện tích thương mại, toàn bộ diện tích văn phòng và hội trường cho thuê. Chúng tôi đang phải đối mặt với tình trạng khó khăn về tài chính: nợ đọng của khách hàng, hàng tồn kho, áp lực trả lãi và trả gốc ngân hàng khi đến hạn... Do vậy, chúng tôi buộc phải đứng trước các lựa chọn điều chỉnh mà Nhà nước cho phép: Chia căn hộ lớn thành căn hộ nhỏ; chuyển đổi 3 tầng văn phòng và hội trường cho thuê thành căn hộ diện tích hợp lý để bán hoặc thực hiện cả 2 phương án trên. Nếu vì lợi ích riêng của chủ đầu tư thì chúng tôi sẽ thực hiện cả 2 phương án trên. Phương án chia nhỏ căn hộ sẽ làm tăng mật độ cư dân sử dụng thang máy, sử dụng hạ tầng kỹ thuật cơ bản như điện, nước trên một hệ thống trục cấp… Sau khi cân nhắc giữa lợi ích chung, lợi ích riêng, chúng tôi quyết định chọn phương án chuyển đổi 3 tầng văn phòng và hội trường cho thuê thành nhà ở là phương án ít ảnh hưởng nhất đến lợi ích và sinh hoạt của dân cư trong tòa nhà.
Liên quan đến việc quyết định chia nhỏ khu văn phòng và hội trường cho thuê thành các căn hộ để bán, chủ đầu tư đã căn cứ vào quy định nào của pháp luật để tiến hành? Ông Dục thẳng thắn cho hay: "Đứng trước khó khăn của doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã có Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Cụ thể với doanh nghiệp bất động sản: “Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản chủ động điều chỉnh hoạt động kinh doanh, tái cơ cấu doanh nghiệp cho phù hợp, như: Giảm giá bán, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa cho phù hợp với khả năng chi trả của thị trường; áp dụng các phương thức bán hàng linh hoạt, khuyến khích chuyển sang hình thức cho thuê, thuê mua chuyển sang nhà ở xã hội, sử dụng đúng mục đích các khoản vay và huy động vốn từ khách hàng, thực hiện công khai, minh bạch, đúng cam kết tiến độ, tạo niềm tin với khách hàng”.


Ông Dục còn cho biết thêm: Hiện nay chúng tôi đang làm việc với các cơ quan có thẩm quyền để thực hiện các thủ tục chuyển đổi công năng 3 tầng văn phòng, hội trường thành nhà ở theo đúng các thủ tục mà luật pháp quy định. Chúng tôi chỉ thực hiện chuyển đổi khi có đầy đủ các điều kiện về pháp lý. 
Một vấn đề nữa được đề cập là theo khách hàng mua căn hộ phản ánh, chủ đầu tư đã đơn phương điều chỉnh công năng các tầng 3,4,5 từ văn phòng hội trường thành nhà ở là vi phạm khoản 16.6.1 điều 16 Hợp đồng kinh tế giữa 2 bên? Về vấn đề này, ông Dục cho rằng: Để chuyển đổi công năng sử dụng diện tích văn phòng, hội trường thành nhà ở là một vấn đề lớn, liên quan đến nhiều cơ quan chức năng, không chủ đầu tư nào có thể đơn phương thực hiện, trừ khi họ làm bừa và trái pháp luật.
Chúng tôi cũng đã có văn bản hỏi ý kiến khách hàng đã mua căn hộ tại Tòa nhà, hiện có 177 hộ gia đình đồng ý trên tổng số 232 khách hàng đã ký hợp đồng với chúng tôi; còn một số khách hàng ở tỉnh xa thì chúng tôi đã gửi văn bản hỏi ý kiến và chưa nhận được phản hồi. Có rất ít khách hàng, chỉ khoảng 10 hộ không đồng ý. Tháng trước đã từng có một nhóm tập hợp 15 khách hàng viết đơn kiến nghị, sau khi chúng tôi giải thích, 15 hộ gia đình đã ký vào văn bản đồng ý với chúng tôi. Với nhóm khách hàng vừa khiếu nại, chúng tôi cũng đã nhận được đơn này. Theo quy trình giải quyết, chúng tôi sẽ gặp gỡ khách hàng để trao đổi. Dựa trên những căn cứ pháp luật và tình hình thực tế hiện nay, tôi tin tưởng rằng chúng tôi và nhóm khách hàng này cũng sẽ tìm được tiếng nói chung.
Với thiết kế ban đầu của Tòa nhà là thương mại, văn phòng cho thuê và khối căn hộ với 300 căn hộ tại 6 đến tầng 25, Chủ đầu tư quyết định chuyển đổi công năng sử dụng các tầng 3, 4, 5 của dự án thành 61 căn hộ thì vấn đề được đặt ra là có làm suy giảm tiện ích nói chung của Toà nhà và làm giảm lợi ích của các hộ dân sinh sống tại đây không?
Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư điện lực Hà Nội, cho rằng: Theo quan điểm của chúng tôi, việc chuyển đổi công năng sử dụng nói trên không có ảnh hưởng xấu nào đến quyền, lợi ích của 300 hộ dân sinh sống từ tầng 6 đến tầng 25, bởi hệ thống kỹ thuật trong 61 căn hộ mới này sẽ được sử dụng từ hệ thống kỹ thuật riêng của khu văn phòng đã đầu tư xong và được điều chỉnh phù hợp với các điều kiện hiện trạng của Tòa nhà hiện nay.
Chủ đầu tư đã tính toán để điều chỉnh phù hợp về hệ thống hạ tầng kỹ thuật: cấp thoát nước, cấp điện, giao thông trục ngang và trục đứng, thông gió, PCCC, xử lý rác… và các hệ thống hạ tầng xã hội: chỗ để xe, nhà trẻ, phòng sinh hoạt cộng đồng… cho phù hợp với việc chuyển đổi của 61 căn hộ nói riêng và toàn bộ dân cư tòa nhà nói chung.
Để được chấp thuận việc chuyển đổi công năng 3 tầng văn phòng và hội trường thành căn hộ, chúng tôi phải giải trình, chứng minh sự đáp ứng các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của Tòa nhà phục vụ 300 căn hộ hiện có và 61 căn hộ bổ sung trước sự yêu cầu, giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý có thẩm quyền.
Thực ra, với diện tích khối văn phòng là hơn 4.500m2, nếu chủ đầu tư cho thuê thì có khoảng 40 công ty sử dụng, lúc đó lượng nhân viên làm việc tại tòa nhà khá đông (khoảng vài trăm người), kéo theo việc sử dụng chỗ để ô tô và xe máy hàng ngày, ngoài ra còn khách hàng đến giao dịch, cũng tạo ra áp lực nhất định lên hệ thống hạ tầng tòa nhà và khó kiểm soát về trật tự an ninh. Đặc biệt, hai hội trường cho thuê nếu liên tục được tổ chức sự kiện, hội nghị, hội thảo… thì dẫn đến sự đông đúc thường trực tại tòa nhà. Việc chuyển đổi thành căn hộ đôi khi lại mang tính tích cực và đem lại môi trường sống ổn định, yên tĩnh, văn minh hơn cho dân cư sinh sống tại đây. Chúng tôi vẫn giữ nguyên 2 tầng thương mại không xin chuyển đổi mặc dù vẫn còn tầng 2 chưa cho thuê để đảm bảo không giảm đi tiện ích của toà nhà.
Ngoài ra, việc khách hàng phản ánh về tiến độ thi công chậm đã dẫn đến việc bàn giao nhà bị chậm so với cam kết tại Hợp đồng, ông Dục diễn giả: Tòa nhà khởi công ngày 11/2/2011, theo Hợp đồng chúng tôi phải hoàn thành thi công và bàn giao căn hộ vào tháng 31/3/2014. Nếu nội thất căn hộ thi công theo đúng thiết kế ban đầu thì chắc chắn chúng tôi đã hoàn thành bàn giao đúng tiến độ cam kết. Trên thực tế, hơn 50% khách hàng sau khi ký Hợp đồng mua nhà đã đến xin sửa chữa nội thất cho phù hợp với gia đình họ ngay trong quá trình thi công. Vì cảm thông với nguyện vọng của khách hàng và tránh lãng phí, chúng tôi đã đồng ý với đề xuất của khách hàng.
"Việc sửa chữa bên trong căn hộ kéo dài khi khách hàng tự điều chỉnh 3 lần, một số khách hàng mới mua căn hộ lại tiếp tục xin sửa chữa, ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ bàn giao căn hộ và cả những hạng mục sử dụng chung như: sân vườn, sảnh cầu thang, tầng hầm… Mặt khác, khi các căn hộ chưa nhận nhà, chúng tôi chưa được nhận tiền thanh toán, công ty càng thiệt hại nhiều hơn trong khi vẫn đang nợ tiền ngân hàng và hàng tháng phải trả lãi", ông Dục khẳng định.
Thanh Thắng

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Tại Hội nghị Meet The Experts lần thứ 15 với chủ đề “Phát triển bền vững và yếu tố wellness” diễn ra mới đây, các đơn vị, nhân sự, chủ đầu tư đã cùng trau dồi kiến thức chuyên môn, cập nhật thông tin thị trường và xu hướng mới nhất trong ngành bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng vốn gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua.

  • Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Theo báo cáo của Savills, phân khúc văn phòng hạng A trên toàn cầu ghi nhận mức tăng. Tại Việt Nam, phân khúc này tiếp tục là phân khúc được ưa chuộng.

  • TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    Thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo thành phố vừa giao Sở Xây dựng rà soát, hệ thống lại nhiệm vụ được giao, tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan thực hiện các nội dung về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội quy định tại khoản 3, Điều 6 của Nghị quyết.

Top