Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 29 tháng 1 năm 2018 | 10:39

Coi trọng liên kết chuỗi trong lâm nghiệp, động viên ngư dân bám biển dịp Tết

Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố ven biển về việc theo dõi hoạt động của tàu cá và thăm hỏi, động viên ngư dân sản xuất trên biển dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng bày tỏ triển vọng của mối liên kết trong chuỗi sản xuất và chế biến gỗ.

Coi trọng liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm lâm nghiệp theo hướng bền vững

Ngày 26/1/2018, tại TP. Hồ Chí Minh, Tổng cục Lâm nghiệp đã phối hợp với các Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, Hiệp hội gỗ và Lâm sản Bình Định, Hiệp hội Chế biến gỗ và Thủ công mỹ nghệ Đồng Nai tổ chức thành công “Lễ mừng xuất khẩu lâm sản Việt Nam năm 2017 về đích trước kế hoạch và triển vọng ngành chế biến gỗ giai đoạn 2018 – 2020”.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trao bằng khen cho những đơn vị đạt thành tích xuất sắc.

Mặc dù trong năm 2017, ngành chế biến gỗ còn gặp nhiều khó khăn do tình hình thời tiết không thuận lợi và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt về thị trường, song với sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự hỗ trợ của các cấp, các ngành và đặc biệt là sự cố gắng, nỗ lực của các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến gỗ, xuất khẩu lâm sản Việt Nam lần đầu tiên cán mốc 8 tỷ USD, tăng 10,2% so với năm 2016, về đích trước 3 năm so với chỉ tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2006 – 2020. Gỗ và sản phẩm gỗ đã trở thành ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 6 của Việt Nam, chiếm 6% thị phần thế giới, đứng đầu trong khối ASEAN và đứng thứ hai Châu Á và thứ 5 thế giới.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường hoan nghênh và đánh giá cao nỗ lực không ngừng nghỉ của cộng đồng doanh nghiệp, tinh thần lao động hăng say của đội ngũ công nhân và người lao động, nhờ đó mà ngành chế biến gỗ đã đạt được những kết quả tích cực trong năm vừa qua. Bộ trưởng nhấn mạnh, năm 2018 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Kế hoạch 5 năm 2016-2020 của cả nước và của ngành lâm nghiệp với mục tiêu phấn đấu đạt 4 tỷ USD tiêu thụ nội địa và 10 tỷ USD xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ vào năm 2020 theo như Kế hoạch hành động Phát triển thị trường gỗ và sản phẩm gỗ giai đoạn 2014-2020 đã được Bộ phê duyệt với điểm đối mới là coi ngành lâm nghiệp là ngành kinh tế-kỹ thuật liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm lâm nghiệp, từ quản lý, bảo vệ, phát triển đến sử dụng rừng, chế biến và thương mại lâm sản

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo ngành lâm nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp cần tập trung đẩy mạnh việc trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, từ tạo giống, trồng, chăm sóc rừng đến công nghệ chế biến nhằm nâng cao năng suất, giá trị rừng trồng, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu ngày càng tăng cho ngành chế biến gỗ phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, cần chủ động khai thông thị trường thương mại quốc tế; hoàn thành việc ký kết và phê chuẩn Hiệp định VPA/FLEGT, chủ động hợp tác thương mại hợp tác quốc tế với Nga, Úc và Hàn Quốc; thu hút nguồn vốn ODA và FDI từ Chính phủ, tổ chức phi Chính phủ và các tổ chức quốc tế thông qua các hiệp định, chương trình, dự án quốc tế; Bảo vệ thị trường nội địa hợp lý, phát triển thị trường xuất khẩu lâm sản phù hợp với luật pháp quốc tế; Đẩy nhanh quá trình xây dựng và vận hành Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp của Việt Nam và Hệ thống chứng chỉ quản lý rừng bền vững quốc gia được quốc tế công nhận để đảm bảo gỗ trong toàn bộ chuỗi cung ứng của Việt Nam là hợp pháp đáp ứng qui định của Hoa Kỳ, EU, Úc…về trách nhiệm giải trình nguồn gốc gỗ hợp pháp.

Nhân dịp này, Bộ Nông nghiệp và PTNT tặng Bằng khen cho 3 tập thể và 5 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu lâm sản trong năm 2017 và trao kỷ niệm chương cho 10 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu lâm sản tiêu biểu trong năm 2017.

Động viên ngư dân bám biển dịp Tết Mậu Tuất

Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố ven biển về việc theo dõi hoạt động của tàu cá và thăm hỏi, động viên ngư dân sản xuất trên biển dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng ngư dân vẫn kiên cường bám biển.

Năm 2017, ngành khai thác thủy sản tiếp tục gặp nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến dị thường của mưa bão. Tình hình trên biển hiện nay đã chuyển sang giai đoạn mới với diễn biến nhanh, phức tạp, chứa đựng nhiều nhân tố bất ổn, khó dự đoán, mức độ quốc tế hóa cao và tác động trực tiếp, nhiều mặt tới tình hình SX trên biển của ngư dân.

Hiện đang mùa vụ chính của vụ cá Bắc năm 2017-2018, đồng thời là thời điểm chuẩn bị hàng hải sản phục vụ sau Tết Nguyên đán. Do vậy, trong những ngày của dịp Tết Mậu Tuất 2018, sẽ có nhiều tàu cá, ngư dân bám biển SX trên khắp các vùng biển xa, vừa làm kinh tế, vừa tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biển đảo của Tổ quốc.

Để kịp thời động viên tinh thần cho ngư dân, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố ven biển chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện một số nội dung: Tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết, tình hình khai thác hải sản của ngư dân trên các vùng biển để kịp thời hỗ trợ ngư dân yên tâm SX một cách an toàn, hiệu quả; tổ chức thăm hỏi, động viên tinh thần, vật chất cho các hộ gia đình nghèo, các gia đình có ngư dân tham gia bám biển trong dịp Tết, đặc biệt là các hộ ngư dân chịu ảnh hưởng và thiệt hại do cơn bão số 10 và 12 năm 2017 đang tham gia bám biển.

Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, đoàn thể có liên quan tổ chức tốt lễ ra quân, lễ cầu ngư khai thác hải sản sau Tết; tổ chức tuyên truyền, phản ánh kịp thời các ngư dân bám biển, khai thác hải sản đạt hiệu quả trong dịp Tết Nguyên đán...

Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đề nghị các tỉnh tổng hợp chi tiết danh sách các ngư dân bám biển trong dịp Tết Nguyên đán để Bộ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Lo tiêu phát triển thần tốc

Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), chỉ trong 7 năm (2010-2017), diện tích hồ tiêu tăng lên gấp 3 lần. Trước sự phát triển quá nhanh này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, có nhiều vấn đề bất cập sau câu chuyện thần tốc như thế.

Trước hết, diện tích tăng chóng mặt đến mức không kiểm soát được. Nông dân cứ có cây giống là trồng. Quy trình kỹ thuật lại không đảm bảo, trồng bất cứ chỗ nào mà không cần biết thổ nhưỡng nơi đó có thích hợp hay không.

Thứ hai, vấn đề nghiên cứu khoa học công nghệ và chuyển giao chưa tương xứng. Một ngành hàng mang lại tỷ đô la mà chưa có giống đạt chuẩn thì quá bất cập.

Thứ 3, sự phát triển của các doanh nghiệp từ thu mua, chế biến, xuất khẩu không tương xứng với tiềm năng của ngành hàng. Hiệp hội Hồ tiêu cũng đã có những cố gắng nhưng với năng lực kiểm soát hơn 50% thị trường thế giới mà lại để rơi vào giai đoạn quá bấp bênh như thế này.

Do vậy, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị, ngành Hồ tiêu nhất trí không tăng mà phải giảm diện tích vì sản xuất là để hiệu quả chứ không phải chạy đua năng suất. Đề nghị các địa phương, cùng với các chính sách khuyến nông, phải kiên quyết tuyên truyền để người dân thay đổi nhận thức, không nên trồng nếu thấy không hợp, tiêu đã chết thì không trồng lại, nhường diện tích cho các cây trồng khác có hiệu quả cao hơn.

Đối với công tác quản lý nhà nước, Bộ trưởng đề nghị, các đơn vị chỉ đạo của Bộ phải sớm tập trung vào công tác giống; gắn liền chặt chẽ khâu điều hành, nghiên cứu với nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường. Tăng cường quản lý với vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, khuyến khích chuyển sang sử dụng phân bón hữu cơ. Sớm tổng kết từng tiểu vùng để đánh giá quy trình kỹ thuật.

Căn cứ hiện trạng sản xuất và dự báo cung cầu thế giới, Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp Việt Nam đã đưa ra 3 phương án quy hoạch diện tích hồ tiêu đến các mốc 2020, 2025 và 2030. Cụ thể, phương án 1: tăng trưởng thấp, Việt Nam đáp ứng khoảng 35-40% thị phần thế giới. Phương án 2: phát triển ở mức trung bình, đáp ứng khoảng 41-45% thị phần thế giới. Phương án 3 là phát triển ở mức cao, đáp ứng 46-50% thị phần như hiện nay. Tương ứng, với phương án 1, diện tích hồ tiêu nước ta duy trì ở mức 70.000-80.000ha, phương án 2 là 85.000-95.000ha; phương án 3 là 100.000-115.000ha.

Theo Cục Trồng trọt, diện tích hồ tiêu trong nước nên duy trì ổn định ở mức 100.000-120.000ha.

Khánh Nguyên (tổng hợp)

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh Hóa thu ngân sách đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ

    Thanh Hóa thu ngân sách đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ

    Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tỉnh Thanh Hóa năm 2024, tại phiên họp thường kỳ tháng 11/2024, thu ngân sách Nhà nước tỉnh Thanh Hóa dự kiến đạt hơn 50 nghìn tỷ đồng, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ.

  • Du lịch sinh thái ở Cà Mau: Tiềm năng và vận hội

    Du lịch sinh thái ở Cà Mau: Tiềm năng và vận hội

    Cà Mau được thiên nhiên ưu đãi với địa lý, thiên nhiên án ngữ vùng cực Nam của Tổ Quốc. Nơi đây tồn tại 3 hệ sinh thái ngập nước ngọt, lợ, mặn riêng biệt, tạo nên một môi trường phát triển kinh tế thuận lợi. Đối với du lịch, môi trường tự nhiên của tỉnh này đang là tiềm năng, vận hội mới cho ngành công nghiệp không khói phát triển.

  • Kỳ vọng của Quỹ tín dụng nhân dân đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới

    Kỳ vọng của Quỹ tín dụng nhân dân đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới

    Bài viết này tập trung vào chính sách bảo hiểm tiền gửi (BHTG) đối với hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) trong nền kinh tế thị trường; vai trò của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) đối với hệ thống QTDND trong thời gian qua, những đóng góp tích cực và những mặt còn hạn chế.

Top