Vừa qua, Huyện uỷ Củ Chi đã tổ chức Hội nghị quán triệt Chỉ thị số 23/CT/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố.
Tham dự có lãnh đạo Thảnh uỷ TP. Hồ Chí Minh cũng lãnh đạo Huyện uỷ, UBND huyện Củ Chi và các xã, thị trấn trên địa bàn.
Tại hội nghị ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi triển khai kế hoạch nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn huyện. Cụ thể, theo ông Dũng trong thời gian tới huyện sẽ tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện sớm sai phạm, không để sai phạm về trật tự xây dựng kéo dài.
Cùng với đó, huyện cũng tập trung xử lý dứt điểm các trường hợp được cấp phép nhà ở sử dụng sai mục đích, công năng để làm nhà kho nhà xưởng và các trường hợp xây dựng nhà liên kế sai nội dung Giấy phép xây dựng được cấp.
Mặt khác, công tác quy hoạch phải thực hiện tốt việc công bố quy hoạch, công khai các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch nông thôn mới, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất làm cơ sở để quản lý đất đai và xây dựng.
Báo cáo tại hội nghị, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Củ Chi, ông Nguyễn Thái Bình cho biết, ngoài việc địa bàn rộng dẫn tới khó khăn trong quản lý, thì hiện nay có nhiều trường hợp người dân lập hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép xây dựng nhà và bản vẽ thiết kế chia thành nhiều căn nhỏ. Tuy nhiên, sau khi xây dựng xong có khả năng phát sinh các trường hợp chuyển nhượng căn hộ bằng giấy tay hoặc qua hình thức lập vi bằng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người mua nhà sau này, đồng thời ảnh hưởng đến vấn đề an sinh xã hội trên địa bàn.
Cũng theo ông Bình, huyện còn có các trường hợp người dân lập hồ sơ đề nghị cấp phép xây dựng nhà ở với diện tích xây dựng lớn (>500m2); với kết cấu: cột, khung kèo bằng thép, nền bê tông, vách xây gạch hoặc bằng tôn, mái tôn, có khẩu độ lớn và có kết cấu giống nhà xưởng, nhà kho. Đối với dạng công trình này đã chuyển mục đích sang đất ở, phù hợp quy hoạch, đảm bảo mật độ xây dựng, đảm bảo về quy chuẩn, tiêu chuẩn cũng như đảm bảo các phòng chức năng của 1 căn nhà ở (phòng khách, phòng ngủ, bếp…). Tuy nhiên, sau khi xây dựng xong một số lại chuyển sang dạng nhà kho, nhà xưởng, sử dụng sai công năng nhà ở.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Trần Lưu Quang, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh đã đánh giá cao huyện Củ Chi khi đã tổ chức hội nghị quán triệt Chỉ thị quan trọng này. Cũng theo ông Quang, số liệu của UBND TP. Hồ Chí Minh trong thời gian từ 2017 đến giữa năm 2019, tổng số công trình xây dựng sai nội dung giấy phép xây dựng và công trình xây dựng không phép nhưng đủ điều kiện cấp phép xây dựng khoảng 5.800 trường hợp. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2019 đã có 1.550 công trình không phép, sai phép, sai quy hoạch. Theo thống kê, năm 2017 bình quân là 7,8 vụ/ngày, năm 2018 là 6,6 vụ/ngày. Cũng tại hội nghị, ông Trần Lưu Quang đề nghị lãnh đạo UBND huyện Củ Chi phải quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành và triển khai có hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự xây dựng.
Kết luận tại hội nghị, ông Trương Văn Thống, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện Củ Chi đã tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh. Cũng theo ông Thống, trong thời gian tới, huyện Củ Chi sẽ xử lý nghiêm một số công trình sai phạm trên địa bàn.
Trong khuôn khổ hội nghị, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo huyện uỷ, UBND huyện Củ Chi, Bí thư và Chủ tịch các xã, thị trấn trên địa bàn đã ký cam kết không để xảy ra các vi phạm về hoạt động xây dựng trên địa bàn quản lý.
Trước đó, Chỉ thị số 23/CT/TU, Ban Thường vụ Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh yêu cầu chính quyền các cấp thành phố chấm dứt tình trạng xây dựng không phép, trái phép mà không bị xử lý theo pháp luật trước Đại hội đảng các cấp quận huyện. Các cấp uỷ quận huyện, phường xã, thị trấn tổ chức sinh hoạt chính trị trong toàn đảng bộ và mỗi chi bộ về việc không để xây dựng không phép và trái phép, mỗi đảng viên cam kết với tổ chức đảng nơi sinh hoạt không vi phạm pháp luật về đất đai, quy hoạch và xây dựng; các bí thư, chủ tịch UBND quận huyện, phường xã, thị trấn cam kết với cấp uỷ trên trực tiếp về việc lập lại trật tự xây dựng trước tháng 6/2020.
Ban Thường vụ Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh cũng chỉ đạo chính quyền thành phố thực hiện một số giải pháp quan trọng, trong đó có việc tổ chức lại lực lượng thanh tra xây dựng và quản lý trật tự xây dựng trên toàn thành phố, thực hiện liên thông trong cấp phép xây dựng về điều kiện đất đai, quy hoạch và thiết kế công trình xây dựng, trên cơ sở đó ban hành quy chế phối hợp để lập biên bản xử lý vi phạm, chuyển cơ quan thanh tra chuyên ngành xử lý sai phạm về quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.