Ông Nguyễn Văn Hoạt ở thôn Nga Sơn (xã Lộc Nga, thành phố Bảo Lộc) đã áp dụng kỹ thuật trồng sầu riêng khá đặc biệt, đảm bảo vườn cây cho năng suất ổn định và giữ được môi trường trong sạch, giúp trái bán được giá cao hơn trên thị trường.
Giống như bà con địa phương, ban đầu ông Hoạt cũng trồng cà phê. Năm 2000, nhận thấy tiềm năng của cây sầu riêng, ông trục cà phê, xuống giống 100 cây sầu riêng Thái giống Monthong trên mảnh đất 1ha. Sau hơn 20 năm, vườn sầu riêng của ông Hoạt đã trở thành vườn đẹp nhất nhì đất Lộc Nga, với 70 cây lớn đang cho quả hàng năm.
Mỗi năm, vườn sầu riêng của ông Hoạt cho thu hoạch trung bình 15 tấn trái, với giá trung bình 55 ngàn đồng/kg. Với 70 cây sầu riêng, trừ chi phí, cũng mang lại cho ông 500 - 600 triệu đồng, nguồn thu nhập không nhỏ trên một diện tích đất vừa phải.
Ông Hoạt chia sẻ, ông canh tác vườn sầu riêng theo hướng sạch, giữ năng suất và chất lượng ổn định.
Theo ông Hoạt, cây sầu riêng muốn năng suất tốt, trái ngon cần chú ý tới bộ rễ và bộ lá. Bộ rễ là gốc của cây, rễ khỏe sẽ giúp bộ lá khỏe, cây ra hoa kết quả tốt. Vì vậy, ông giữ bộ rễ cho cây sầu riêng rất kỹ. Để làm được điều đó, đất phải có độ pH ổn định, vì vậy ông sử dụng phân bón rất cân đối, chú trọng phân hữu cơ. Mỗi năm, ông bỏ tầm 75 kg phân hữu cơ cho mỗi gốc sầu riêng, chia làm 3 đợt theo chu kì sinh trưởng của cây. Sầu riêng cần độ ẩm, nhất là vào mùa nắng. Vì vậy, ông kéo nước tưới tới tận từng gốc, tưới xoay, nước phun rộng tới 3m. Theo ông, tưới rộng giúp làm mát vườn, hạn chế nhện đỏ và một số côn trùng gây hại.
Một kỹ thuật khá đặc biệt được ông Hoạt áp dụng thường xuyên trong canh tác mà ông sẵn sàng chia sẻ cho mọi người, đó là kỹ thuật đảo đất. Theo ông Hoạt, bộ rễ của cây sầu riêng ưa ẩm, vì vậy ông không làm cỏ mà để lại một lớp cỏ dày phủ trên mặt vườn. Cỏ giúp giữ ẩm, làm mát đất, làm nơi cho côn trùng gây hại cư trú, không gây hại cho bộ rễ sầu riêng. Khi cỏ quá cao, ông dùng máy cắt sơ chứ không sử dụng thuốc phun diệt cỏ. Về đảo đất, sau 3 - 4 năm canh tác, khi thu hoạch xong, ông cho máy cày toàn vườn, lật lớp đất màu ở dưới lên trên và tranh thủ bón phân. Ông cho biết: “Sau 3 - 4 năm tôi đảo đất vườn 1 lần. Đảo đất phải chọn thu hoạch sầu riêng xong, cày vào mùa nắng, cày xong tranh thủ bón phân tưới vườn. Đảo như vậy giúp lớp cỏ mới mọc đẹp, đất vườn tơi xốp, thoáng khí, giúp sầu riêng phát triển rất tốt”.
Hiện tại, ông Hoạt đang trồng thêm 30 cây sầu riêng với mật độ thưa, sau đó trồng chuối xen vào vườn. Theo ông Hoạt, cây chuối có tàu lá lớn, bóng mát nhiều, tạo môi trường tốt nhất cho sầu riêng con sinh trưởng. Chuối lại cho thu hoạch hàng năm, đúng phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, sau 2 năm sầu riêng phát triển, có thể chặt chuối, để cây sầu riêng có đủ sáng.