Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công vẫn rất thấp là do công tác chuẩn bị dự án kém, chất lượng không cao, chủ yếu mang tính hình thức, qua loa.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội những nội dung này.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trả lời nhóm vấn đề lĩnh vực kế hoạch và đầu tư. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Hoàn thiện thể chế liên quan đến đầu tư công
Tại phiên chất vấn, đại biểu Âu Thị Mai (Tuyên Quang) nêu câu hỏi: "Theo báo cáo của Chính phủ, đến ngày 31/10/2021, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cũng như việc giải ngân vốn ODA còn đạt thấp so với kế hoạch; đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân của việc giải ngân chậm và giải pháp gì để thúc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 và những năm tiếp theo. Giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy giải ngân vốn ODA?"
Về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá giải ngân vốn đầu tư công là một vấn đề được rất nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm, đã được nêu tại các kỳ họp của Quốc hội nhiệm kỳ trước.
Tuy nhiên, đến nay, vấn đề này chưa được giải quyết triệt để và tỷ lệ giải ngân vẫn rất thấp, đặc biệt là năm 2021 với cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Các nguyên nhân được vị tư lệnh ngành nêu ra là do công tác chuẩn bị dự án kém, chất lượng không cao, chủ yếu mang tính hình thức, qua loa. Sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư mới bắt đầu thực hiện mất thời gian lặp lại và điều chỉnh nhiều lần. Bên cạnh đó, giải phóng mặt bằng là câu chuyện muôn thuở chưa thể giải quyết ngay được.
“Nếu các quyết định của Luật Đất đai không được giải quyết triệt để thì công tác giải phóng mặt bằng vẫn bị vướng mắc như nguồn gốc đất đai, rồi giá đền bù, tranh chấp, khiếu kiện, ý thức người dân. Rất nhiều vấn đề đang bị ảnh hưởng, làm chậm tiến độ của công tác đấu thầu, không được bố trí vốn đối ứng chung," Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ.
Cũng theo Bộ trưởng, riêng năm 2021 có nguyên nhân cụ thể là dịch COVID-19 dẫn đến giãn cách xã hội, ảnh hưởng đến vấn đề về nguyên, nhiên vật liệu, thiếu lao động, các chi phí tăng cao. 2021 cũng là năm đầu tiên Chính phủ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn; đầu năm nước ta triển khai Đại hội Đảng lần thứ XIII, bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp...
Về phân cấp trong đầu tư công, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ các địa phương có thẩm quyền quyết định từ chủ trương đầu tư tất cả các nhóm dự án A, B, C; tới việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn. Việc điều chỉnh chủ trương đầu tư, phê duyệt giá trị vốn chi tiết, điều chỉnh kế hoạch cũng đã phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương.
Như vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiện chỉ còn có 3 chức năng chính là xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn đảm bảo đúng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.
Cùng với đó, xây dựng nguyên tắc, tiêu chí về báo cáo Quốc hội cho Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và xây dựng các nguyên tắc để điều hành trong kế hoạch hằng năm.
“Tất cả các vấn đề lựa chọn, phê duyệt, điều chỉnh, kéo dài dự án, giao vốn chi tiết đã giao, phân cấp triệt để cho các bộ, ngành, địa phương. Sau khi được Quốc hội thông qua các dự án, Thủ tướng sẽ giao vốn một lần và theo một khoản cho các bộ, ngành, địa phương, giao ngay từ trước ngày 30/11 của năm trước. Tất cả việc giao chi tiết, triển khai thực hiện giải phóng mặt bằng, đấu thầu để chuẩn bị dự án, thủ tục là của các bộ, ngành, địa phương. Tôi xin nói lại một lần nữa cho rõ vấn đề này để xem vướng mắc đang nằm ở đâu và trách nhiệm thuộc về ai. Hiện có khoảng 30/63 tỉnh, thành có tỷ lệ giải ngân dưới 60%," Bộ trưởng khẳng định.
Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng công tác này cần được thực hiện quyết liệt, nghiêm túc hơn đặc biệt là với các nghị quyết của Chính phủ, gần đây nhất là Nghị quyết 63 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Cùng với đó là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, đấu thầu...
Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ cũng phải có những hướng dẫn về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc thúc đẩy giải ngân; tất cả phải được thực hiện đồng bộ từ cấp Trung ương.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang rà soát lại những vấn đề vướng mắc trong luật với tinh thần tiếp tục hoàn thiện các thể chế liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công. Các địa phương và các bộ, ngành cũng cần nghiêm túc thực hiện mới giải quyết được tận gốc vấn đề.
Phân cấp trách nhiệm của Trung ương và địa phương
Tranh luận về chuyển nguồn vốn đầu tư công, trách nhiệm của Trung ương và địa phương với vấn đề này, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) đề nghị Bộ trưởng làm rõ trách nhiệm trong chuyển nguồn vốn đầu tư công thời gian qua.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng dự án giao cho cơ quan nào thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm. Dự án của địa phương thì địa phương phải chịu trách nhiệm, dự án của Trung ương thì Trung ương phải chịu trách nhiệm. Dự án Trung ương có cấu phần liên quan đến địa phương và đã trao cho địa phương thì địa phương phải chịu trách nhiệm.
Cũng theo trưởng ngành Kế hoạch và Đầu tư, trong Đề án tách bồi thường, hỗ trợ tái định cư ra khỏi dự án đầu tư công sắp tới sẽ trình Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình riêng phần giải phóng mặt bằng giao cho địa phương và địa phương có thể dùng cả ngân sách của Trung ương để thực hiện, hoặc có thể dùng cả ngân sách địa phương để thực hiện giải phóng mặt bằng, như vậy sẽ linh hoạt, chủ động và nhanh hơn. Bộ trưởng cho rằng, nếu tách được và giao hẳn cho địa phương thì sẽ phân biệt rõ ràng trách nhiệm Trung ương hay địa phương đối với dự án của Trung ương trên địa bàn.
Đề nghị làm rõ việc Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu ý kiến, giải ngân chậm là do địa phương chứ không phải do Bộ, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, những dự án quan trọng quốc gia thuộc nhóm A do bộ, ngành, Trung ương thẩm định. Như vậy, việc chậm là trách nhiệm của bộ, ngành Trung ương chứ không phải địa phương.
“Địa phương nào giải ngân chậm thì xử lý địa phương đó. Nhưng về thẩm định của bộ, ngành Trung ương đối với những dự án quan trọng quốc gia chậm thì ai chịu trách nhiệm đây? Bộ trưởng cần làm rõ trách nhiệm cho rõ?" đại biểu nêu câu hỏi.
Cũng theo đại biểu Phạm Văn Hòa, dự án chưa phê duyệt xong, thậm chí mới thẩm định sơ bộ, chưa thẩm định chính thức đã kèm theo vốn. Dự án chưa xong thì không thể giải ngân, nên đây là bất cập cần điều chỉnh.
Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết các dự án nhóm A do địa phương thẩm định; đối với dự án quan trọng quốc gia là Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trình lên Thủ tướng.
"Chúng tôi luôn nỗ lực không để chậm một ngày, một giờ nào. Còn quy trình thủ tục gồm nhiều bước, lấy ý kiến nhiều cơ quan để tổng hợp lại có thể chậm, chúng tôi rút kinh nghiệm và cố gắng cao nhất," Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu.
Sẽ rà soát các dự án ODA kém hiệu quả, lãng phí
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về sử dụng vốn đầu tư phát triển và vốn ODA thời gian qua, đại biểu Trần Quang Minh (Quảng Bình) cho rằng công tác này còn chưa hiệu quả, lãng phí, thậm chí là vi phạm pháp luật.
Về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng đối với một số dự án ODA, ngoài việc phải thực hiện theo quy trình, thủ tục và pháp luật trong nước còn phải làm thêm các quy trình, thủ tục của nhà tài trợ. Như vậy, phải làm đồng thời hai việc, mỗi việc lại mất rất nhiều thời gian, trong thời gian giãn cách vừa qua, chỉ một thay đổi nhỏ như thay đổi tên, địa giới, phạm vi diện tích… cũng rất khó thực hiện.
Lao động và chuyên gia lao động ở các dự án sử dụng vốn đầu tư phát triển và vốn ODA phải có giấy phép. Chuyên gia phải có xác nhận tư cách; những “động tác” này đều phải có các thủ tục. Do đó, các dự án ODA hiện nay đang giải ngân rất chậm. Thêm vào đó là nhiều nguyên nhân như khâu nhập khẩu máy móc gặp khó khăn, chuyên gia lao động bị cách ly, không được di chuyển giữa địa phương này đến địa phương kia… Một số dự án ODA có khâu triển khai, lựa chọn và tổ chức thực hiện chưa tốt dẫn đến lãng phí.
Thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng với các ngành, địa phương rà soát lại những dự án nào có vướng mắc có thể tháo gỡ nhằm thúc đẩy tiến độ, đảm bảo hiệu quả. Những dự án nào không thực sự hiệu quả, không còn phù hợp sẽ bàn với nhà tài trợ để "đóng" các dự án này, không để kéo dài và lãng phí.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.