Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 23 tháng 7 năm 2021 | 11:10

ĐBSCL nhân rộng “Gian hàng 0 đồng” trong thời gian giãn cách

Trong 5 ngày đầu các tỉnh ĐBSCL thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đã điễn ra nhiều hoạt động trong công tác phòng, chống, ngăn chặn dịch. Đặc biệt, là người nghèo, lao động tư do được nhiều địa phương quan tâm, chăm lo.

 “Gian hàng 0 đồng” giúp cho nhiều người nghèo An Giang giảm bớt một phần khó khăn trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

 

An Giang khai trương “Gian hàng 0 đồng” giúp người nghèo

Ngày 22/7, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang phối hợp với các đơn vị khai trương “Gian hàng 0 đồng” giúp người nghèo. Theo đó, “Gian hàng 0 đồng” được đặt tại Ban Chỉ huy Quân sự TP Long Xuyên (phường Mỹ Hòa), bao gồm các mặt hàng rau, củ quả các loại, trứng vịt, dưa chua, nước chấm, gạo, mì gói… Mỗi phần quà trị giá 500.000 đồng là kinh phí do các nhà hảo tâm đóng góp nhằm hỗ trợ cho các hộ gia đình nghèo vượt qua khó khăn trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Khi đến nhận hàng người dân đều ý thức được sự lây lan của dịch nên cầm phiếu chờ tới lượt và khi được nhận quà đều đứng xếp hàng cách xa 2m để đảm bảo an toàn. Tới nhận quà ai nấy đều vui bởi trong lúc dịch bệnh khó khăn được sẻ chia đúng lúc.

Theo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang, dự kiến sẽ trao tặng 1.000 phần quà đến hết ngày 1/8/2021. Đối với người già yếu, người neo đơn, người có hoàn cảnh khó khăn không đến gian hàng nhận trực tiếp các sĩ sẽ đưa hàng hóa đến nhà trao tặng.

Ở một diễn biến khác, để đảm bảo đời sống cho người lao động đang gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, UBND tỉnh An Giang thống nhất hỗ trợ người bán vé số lẻ số tiền 1.500.000 đồng/người.

Đối tượng là người lao động cư trú hợp pháp và đang mưu sinh bằng nghề bán lẻ vé số lưu động trên địa bàn tỉnh An Giang. Phương thức hỗ trợ 1 lần cho người lao động. Nguồn kinh phí được trích từ nguồn tài chính của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xổ số Kiến thiết An Giang.

Cần Thơ triển khai mô hình “mang chợ ra phố”

Nhằm giúp người dân mua sắm hàng hóa thực phẩm thiết yếu với giá bình ổn trong thời gian giãn cách xã hội, Sở Công thương TP. Cần Thơ chủ trì, phối hợp cùng Sở Giao thông vận tải, UBND quận Ninh Kiều tổ chức mô hình “mang chợ ra phố”.

Theo đó, mô hình “mang chợ ra phố” bước đầu triển khai tại đường Trần Văn Hoài, đường Nguyễn Văn Cừ (quận Ninh Kiều) và phường Hưng Thạnh (quận Cái Răng), với số lượng 5 - 10 gian hàng ở mỗi điểm. Chợ chuyên bán các mặt hàng thiết yếu như: gạo, rau, củ, thịt, cá, hải sản… với giá bán được niêm yết công khai.

 

 Khi người bán, người mua tại điểm chợ này phải tuân thủ thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 giữ khoảng cách, đeo khẩu trang..., (Ảnh: VOV).

 

Mô hình là hoạt động nối tiếp điểm bán hàng bình ổn giá trên địa bàn Cần Thơ, qua đó, giúp bà con có chỗ mua hàng thuận tiện, cũng như duy trì một phần việc làm cho người dân, tiểu thương bị ảnh hưởng do các chợ truyền thống, chợ tự phát, chợ dân sinh phải dừng hoạt động.

Trước mắt, Sở Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với UBND các quận, huyện, nhất là quận Bình Thủy, thực hiện mô hình “mang chợ ra phố”. Trong quá trình thực hiện, người bán - người mua phải tuân thủ nguyên tắc 5K và đảm bảo phòng chống dịch Covid-19. Để đạt hiệu quả cao, Sở Công thương mong muốn Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam TP. Cần Thơ, các tổ chức đoàn thể cùng hỗ trợ, vận động các doanh nghiệp, siêu thị trên địa bàn cùng tham gia, hưởng ứng…

 

 Tại mỗi gian hàng đều có bảng niêm yết giá đầy đủ, đảm bảo không thay đổi.

 

Đến điểm chợ trên đường Trần Văn Hoài, quận Ninh Kiều mua cá và rau, anh Trương Văn Út, ở phường Ba Láng, quận Cái Răng cho biết, so với giá ở các siêu thị, cửa hàng tiện ích thì ở đây chỉ rẻ hơn chút, nhưng khá thuận tiện cho người dân. Nhất là các mặt hàng thịt, cá, rau… có đủ, không cần phải lên mạng đặt và chờ giao hàng như những ngày vừa qua.

Hiện, Cần Thơ có 105 chợ truyền thống, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, thành phố tiếp tục tạm dừng hoạt động chợ đầu mối, chợ truyền thống, chợ dân sinh, chợ tự phát tại các quận, huyện. Do vậy, mô hình “mang chợ ra phố” được đánh giá là hiệu quả, hợp với công tác phòng dịch.

Cà Mau cần chủ động theo phương châm “4 tại chỗ"

Mới đây, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 làm việc với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Cà Mau.

Sau khi kiểm tra, nắm tình hình thực hiện công tác phòng, chống dịch tại một số khu vực ông Tuyên cho rằng, Cà Mau phải hết sức chủ động theo phương châm “4 tại chỗ, không để tình trạng chạy theo dịch, mua sắm trước các trang thiết bị y tế. Cần thống kê nhân lực, kỹ thuật viên, sinh phẩm để sẵn sàng chống dịch cũng như hỗ trợ cho các tỉnh khác. Nắm chặt năng lực cách ly ở các cơ sở như: khách sạn, cơ sở lưu trú, trường học, ký túc xá sinh viên, để sẵn sàng huy động cho các khu cách ly.

Trong tổ chức chỉ đạo phòng, chống dịch, Cà Mau nên phân công từng đồng chí Ban Thường vụ Tỉnh ủy, gắn với từng nhiệm vụ, trách nhiệm trên từng địa bàn. Việc phân công trên áp dụng tương tự ở cấp huyện, cấp xã - phường - thị trấn. Cùng với đó, cần phát huy tốt vai trò tổ Covid cộng đồng, tất cả hộ dân phải ký cam kết phòng, chống dịch…

 

 Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, kiểm tra tại Khu cách lý tập trung Trường Chính trị tỉnh Cà Mau.

 

Liên quan đến năng lực điều trị, hiện Cà Mau mới bảo đảm 40 giường cho bệnh nặng và 350 giường cho bệnh nhân nhiễm Covid-19, Thứ trưởng Y tế yêu cầu nâng công suất điều trị lên ít nhất 1.000 bệnh nhân. Mở rộng khu cách ly tập trung hơn 10 nghìn người, không để lây chéo trong khu cách ly, phải làm tốt công tác bàn giao sau cách ly.

Cùng với đó, các địa phương trong tỉnh phải thực hiện nghiêm túc, không ra đường quá 2 người trong gia đình. Riêng vấn đề trong thời gian giãn cách nhưng vẫn có rất nhiều người từ tỉnh khác về Cà Mau, Thứ trưởng Tuyên cho biết sẽ chỉ đạo rà soát, chấn chỉnh lại.

Về vấn đề quản lý doanh nghiệp, khu công nghiệ cần thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch; tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Tiến hành xét nghiệm sàng lọc công nhân (kinh phí do doanh nghiệp chi trả). Doanh nghiệp nào đủ điều kiện thì mới cho hoạt động.

Để bảo đảm cơ sở vật chất phòng, chống dịch, Cà Mau đang tiến hành mua thêm máy xét nghiệm PCR, nâng công suất từ 700 mẫu đơn lên 1.400 mẫu; Test nhanh bố trí 13 cơ sở; tiếp tục trình Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập thêm 1 bệnh viện dã chiến, để có 2 bệnh viện dã chiến ở Cà Mau, công suất 300 giường, cùng với 240 giường điều trị tại các bệnh viện tuyến tỉnh và huyện.

Theo kế hoạch, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Cà Mau đã xây dựng kế hoạch tiêm chủng 11.700 liều vaccine trong tuần sau. Tập huấn cho hơn 2.000 cán bộ với 200 tổ tiêm chủng để phục vụ cho chiến lược tiêm chủng mở rộng.

Cần Thơ đề xuất xây dựng bệnh viện quy mô 100 giường

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, thành phố vừa nhận được đề xuất xây dựng Bệnh viện (BV) Hồi sức Covid-19 quy mô 100 giường của BV Đột quỵ - Tim mạch Cần Thơ. Thành phố sẽ xem xét và sớm có phản hồi với đề xuất này.

Theo ông Trần Chí Cường, Giám đốc BV Đột quỵ - Tim mạch Cần Thơ, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP Cần Thơ đang diễn biến phức tạp sẽ có nhiều bệnh nhân trở nặng cần được hồi sức.

Bệnh viện Đột quỵ - Tim mạch Cần Thơ hiện có trên 400 nhân viên y tế, được trang bị 29 máy thở và các thiết bị y tế chuyên sâu. Ngoài ra, bệnh viện còn trang bị hệ thống monitor trung tâm theo dõi bệnh nhân 24/24, trung tâm oxy hóa lỏng sức chứa 6 tấn.

 Bệnh viện Đột quỵ-Tim mạch Cần Thơ đề xuất xây dựng Bệnh viện Hồi sức Covid-19 quy mô 100 giường, (Ảnh: BVCC).

 

Nếu được UBND TP Cần Thơ chấp thuận, Bệnh viện Đột quỵ - Tim mạch Cần Thơ tiến hành xây dựng BV Hồi sức Covid-19 với quy mô 100 giường trên diện tích 6.000 m2 tại TP Cần Thơ. Dự kiến vốn đầu tư khoảng 100 tỉ đồng do BV tự huy động, không sử dụng vốn ngân sách.

Khởi tố đối tượng làm lây lan dịch ở Sóc Tằng

Chiều 22/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Mỹ Xuyên (tỉnh Sóc Trăng) đã khởi tố bị can đối với Trần Thanh Tiến, ngụ ấp Tắc Gồng, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên về hành vi "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người".

Trước đó, Trần Thanh Tiến từ vùng dịch Covid-19 là TP Hồ Chí Minh về ấp Tắc Gồng, xã Tham Đôn nhưng không đi khai báo y tế. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện Mỹ Xuyên đưa Tiến đi cách ly tập trung, có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Theo cơ quan chức năng, từ sơ đồ diễn biến dịch tễ, đã xác định được Tiến làm lây bệnh cho mẹ ruột, mẹ vợ, vợ và con. Mẹ Tiến sau đó lây bệnh cho một nữ điều dưỡng Trung tâm Y tế huyện Mỹ Xuyên và 3 người chung phòng điều trị tại bệnh viện. Dịch tễ liên quan đến Tiến còn làm cho 2 người đến khám bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Mỹ Xuyên mắc Covid-19. Hậu quả khiến Trung tâm Y tế huyện Mỹ Xuyên bị phong tỏa.

Người điều kiển phương tiện vận tải hàng hoá không bị kiểm tra giấy xét nghiệm Covid-19

Từ ngày hôm nay (23/7), người điều khiển phương tiện vận tải qua tỉnh Long An sẽ không phải kiểm tra giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19.

Theo đó, Sở GTVT tỉnh Long An đề nghị các đơn vị vận tải, chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện và những nhân viên nghiệp vụ bắt buộc phải đi cùng trên phương tiện vận chuyển hàng hoá phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch trong suốt quá trình hoạt động vận tải.

Người điều khiển phương tiện và nhân viên nghiệp vụ đi cùng xe vận chuyển hàng hóa thực hiện khai báo y tế trước khi bắt đầu hành trình và đảm bảo xuất trình được mã QR kết quả khai báo y tế khi có yêu cầu kiểm tra.

 

 Tài xế vận chuyển hàng hoá sẽ không bị kiểm tra giấy xét nghiệm âm tính với SARS-COV-2 tại các chốt kiểm soát dịch ở Long An, (Ảnh NGUYỄN TÂN).

 

Sở GTVT tỉnh Long An cũng yêu cầu đơn vị vận tải, chủ phương tiện chỉ cho phép người điều khiển và nhân viên nghiệp vụ đi cùng trên phương tiện vận chuyển hàng hoá thực hiện nhiệm vụ khi đã có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-COV-2. Giấy xét nghiệm có hiệu lực trong vòng 3 ngày (72 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm).

Về kiểm tra quy định phòng, chống dịch Covid-19, sẽ không kiểm tra giấy chứng nhận xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với người điều khiển và nhân viên nghiệp vụ đi cùng trên phương tiện vận chuyển hàng hoá khi lưu thông trên địa bàn tỉnh Long An.

Qua 5 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, các tỉnh ở ĐBSCL đã thực hiện nghiêm công tác phòng dịch theo quy định. Tuy nhiên, trong thời gian này người nghèo, người lao động tự do sẽ gặp nhiều khó khăn do các hoạt động kinh doanh, buôn bán phải dừng hoạt động. Việc khai trương "Gian hàng 0 đồng" cho người nghèo ở An Giang hay triển khai mô hình "Mang chợ ra phố" ở Cần Thơ là rất cần thiết. Nếu các mô hình này được nhân rộng ra nhiều tỉnh thành trong vùng sẽ giúp nhiều người dân, người có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ kịp thời, được mua với giá ổn định. 

 

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top